Bản đồ thông tin quy hoạch huyện Tân Uyên, Bình Dương được phê duyệt từ năm 2012. Kể từ đó đến nay, địa phương đã có nhiều điều chỉnh về hành chính, kinh tế, xã hội, điển hình nhất là việc tách huyện thành thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên nhưng vẫn bám sát vào quy hoạch đã được thông qua.
Thị xã Tân Uyên được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển
Thành phố Tân Uyên và các phường thuộc thị xã Tân Uyên được thành lập ngày 29/12/2013 theo Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó:
- Thành lập thị xã Tân Uyên trên cơ sở tách 3 thị trấn Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Uyên Hưng và 9 xã Tân Vĩnh Hiệp, Bạch Đằng, Thạnh Hội, Phú Chánh, Tân Hiệp, Thạnh Phước, Vĩnh Tân, Hội Nghĩa, Khánh Bình thuộc huyện Tân Uyên cũ.
- Chuyển 3 thị trấn Thái Hòa, Tân Phước Khánh, Uyên Hưng và 3 xã Khánh Bình, Tân Hiệp, Thạnh Phước thành 6 phường có tên tương ứng.
- Ngày 10/1/2020, chuyển 4 xã Vĩnh Tân, Tân Vĩnh Hiệp, Phú Chánh, Hội Nghĩa thành 4 phường
Vị trí, quy mô và tính chất đô thị
Thị xã Tân Uyên có diện tích 19.249,20 ha, nằm ở phía Đông tỉnh Bình Dương, vị trí như sau:
- Phía Đông tiếp giáp tỉnh Đồng Nai qua sông Đồng Nai và huyện Bắc Tân Uyên;
- Phía Tây giáp TP. Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát;
- Phía Nam giáp TP. Dĩ An, Thuận An và tỉnh Đồng Nai;
- Phía Bắc giáp huyện Bắc Tân Uyên.
Thị xã Tân Uyên được định hướng là đô thị công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp đến năm 2030. Sau năm 2030 sẽ là đô thị dịch vụ - công nghiệp – du lịch, là đầu mối giao thông đường bộ và cảng quan trọng của Bình Dương, phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2030.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất thị xã Tân Uyên
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2021 thị xã Tân Uyên
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2030 thị xã Tân Uyên
Quy mô dân số và đất xây dựng
Theo quy hoạch, đến năm 2020, dân số đô thị tại xã Tân Uyên khoảng 270.000 người, trong đó dân số nội thị là 207.900 người, dân số ngoại thị là 62.100 người. Diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 3.510 ha. Đến năm 2030, dân số đô thị khoảng 400.000 người, trong đó, dân số nội thị là 344.000 người và dân số ngoại thị là 56.000 người. Diện tích đất xây dựng khoảng 5.200ha.
Quy hoạch không gian, cảnh quan đô thị
- Tăng cường kết nối chặt chẽ với các đô thị khác của tỉnh Bình Dương cũng như các tỉnh, thành lân cận, chú trọng kết nối về không gian với thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).
- Đô thị cảng – du lịch Tân Ba – cù lao Thạnh Hội là đô thị quan trọng của đô thị Nam Tân Uyên, phát triển về cảng hàng hóa, du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái.
- Từng bước chuyển đổi chức năng và cơ cấu sử dụng đất để phát triển các khu công nghiệp tập trung và phát triển đô thị.
- Bên trong đô thị gồm các không gian: các khu vực xây mới, các khu vực chỉnh trang, khu vực vườn ven sông Đồng Nai.
- Bảo tồn, phát huy cảnh quan đặc trưng, đặc biệt quan tâm đến tổ chức không gian đô thị sinh thái. Phạt triển đồng bộ hạ tầng xã hội với hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo không gian xây dựng hài hòa với cảnh quan, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
- Xây dựng các khối công trình kiến trúc hoặc các biểu tượng cho đô thị ở các vị trí cửa ngõ đô thị (điểm đầu các tuyến đường chính đô thị kết nối với khu vực xung quanh).
- Xây dựng tổ hợp kiến trúc cao tầng tại các khu dịch vụ tổng hợp cao cấp để tạo không gian kiến trúc, nâng mật độ cư dân, tiết kiệm đất xây dựng.
- Hình thành các kiến trúc đô thị dọc theo các trục đường lớn như Đại lộ Thủ Dầu Một – Uyên Hưng, Đại lộ Nam Tân Uyên, ĐT746, ĐT747A, ĐT747B.
- Xác định suối Cái và sông Đồng Nai là trục cảng quan trọng, cần phải cải tạo, khai thác thành cảng hàng hóa, trồng cây xanh bảo vệ ven sông, xây dựng kè bờ ở một số đoạn sông nhằm tránh sạt lở và tăng vẻ đẹp mỹ quan đô thị.
Quy hoạch các khu chức năng ngoài đô thị
- Duy trì các khu – cụm công nghiệp tại các vị trí hiện hữu như KCN Tân Bình, KCN Nam Tân uyên, KCN Việt Nam – Singapore 2, cụm công nghiệp Thành phố đẹp, cụm công nghiệp – dịch vụ Uyên Hưng, cụm công nghiệp Thái Hòa, khu sản xuất hiện hữu tại Khánh Bình, Hội Nghĩa.
- Tập trung tại cảng sông Thạnh Phước và các khu công nghiệp.
- Định hướng quy hoạch các công viên văn hóa thể thao tại khu vực đất thấp ven suối Cái, suối Con, sông Đồng Nai, suối Bà Phó, suối Thợ Ụt, suối ông Đông, rạch cầu ông Hựu, suối Bà Tùng, rạch Tổng Bảng…
- Khai thác các sông, suối thành các khu vui chơi giải trí.
- Cảng sông Thạnh Phước là cảng vận chuyển hàng hóa.
- Quy hoạch bến tàu hành khách – du lịch trên cù lao Thạnh Hội, cù lao Bạch Đằng, sông Đồng Nai.
- Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Giao thông kết nối ngoài đô thị
Đường bộ
- Đường ĐT742, ĐT746, ĐT747A, ĐT747B có lộ giới 42m, nền đường rộng 2x12m, dải phân cách rộng 2m, vỉa hè rộng 2x8m, chỉ giới đường đỏ là 21m.
- Đường Vành đai 4 (mặt cắt 1-1), lộ giới rộng 74,5m, dải phân cách giữa rộng 3m, nền đường chính rộng 2x18,75m, đường gom rộng 2x8m, dải phân cách giữa đường gom và đường chính rộng 2x2m, vỉa hè rộng 2x7m, chỉ giới đường đỏ rộng 37,25m.
- Đại lộ Thủ Dầu Một – Uyên Hưng – Biên Hòa, đại lộ Nam Tân Uyên có lộ giới 72m, dải phân cách giữa rộng 8m, nền đường chính rộng 2x15m, đường gom rộng 2x8m, dải phân cách giữa đường gom và đường chính rộng 2x2m, vỉa hè rộng 2x8m, chỉ giới đường đỏ rộng 37m.
- Quy hoạch bến xe khách tại Uyên Hưng và Thái Hòa với quy mô 1,5-2 ha, bến xe khách tại Hội Nghĩa với quy mô 2ha.
- Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải dành một phần quỹ đất để bố trí bãi đậu xe tải theo tỷ lệ 1ha/100ha.
Đường sắt
Tuyến đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh đi qua thị xã Tân Uyên ở phía Đông của khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương, giao cắt với các đường ngang của đô thị.
Đường thủy
- Cảng Thạnh Phước với quy mô 64ha, gồm 16 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu và xà lan 1.000-2.000 tấn, công suất bốc dỡ đạt 5 triệu tấn/năm.
- Xây dựng các bến thủy chở khách tại cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội.
Giao thông nội đô
- Đại lộ Thủ Dầu Một – Uyên Hưng – Biên Hòa, đại lộ Nam Tân Uyên, ĐT742, ĐT746, ĐT747A, ĐT747B vừa là trục giao thông kết nối ngoài đô thị, vừa là trục chính đô thị.
- Đường từ khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương đi cảng Thạnh Phước có lộ giới rộng 74m, chỉ giới đường đỏ rộng 37m.
- Đường trục đô thị số 1, 2, 3, 4, 4B, 5, 6, 7, 8 có lộ giới rộng 41m.
- Đường liên kết khu vực có lộ giới rộng 33m, trong đó giải phân cách rộng 2m, nền đường rộng 2x8,5m, vỉ hè 2x7m, chỉ giới đường đỏ rộng 16,5m.
- Đường chính khu vực có lộ giới rộng 33m, nền đường rộng 14m, vỉa hè rộng 7m, chỉ giới đường đỏ rộng 14m.
- Bố trí bãi đậu xe trong các khu đô thị, đơn vị ở, nhóm nhà ở, khu và cụm công nghiệp với chỉ tiêu diện tích giao thông tĩnh 3,5m2/người.
Quy hoạch sử dụng đất
- Theo đồ án quy hoạch, phần lớn quỹ đất của thị xã Tân Uyên được sử dụng cho mục đích chỉnh trang đô thị, hoàn thiện trung tâm hành chính, dịch vụ, phát triển các dự án nhà ở, dự án du lịch. Trong đó:
- Hình thành khu đô thị tổng hợp Nam Tân Uyên tại Uyên Hưng, trung tâm – khu phố thương mại tại thị trấn Thái Hòa, Tân Phước Khánh, trung tâm thương mại tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
- Dành quỹ đất cho trung tâm hành chính dịch vụ của các phường.
- Khuyến khích chuyển đổi sản xuất hoặc cho phép chuyển đổi mục đích đất của các cơ sở công nghiệp ngoài khu – cụm công nghiệp thành các cơ sở dịch vụ, nhà ở công nhân…
- Từng bước thực hiện tự điều chỉnh đất ở các khu dân cư hiện hữu.
- Kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ, nhà ở, du lịch.
- Trong thời gian tới, thị xã Tân Uyên tiếp tục đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển những dự án có giá trị cao đối với hình ảnh đô thị và cải thiện chất lượng đời sống người dân.
Khánh An (tổng hợp)