Việc đất đấu giá bị thổi lên tới hơn 100 triệu đồng/m2 ở các vùng ven Hà Nội – nơi hạ tầng và tiện ích chưa phát triển hoàn thiện cho thấy những bất ổn của thị trường bất động sản. Mức giá này thậm chí ngang ngửa và cao hơn cả những khu dân cư, khu đô thị đã hoàn thiện hạ tầng và tiện ích. Đâu là giải pháp để hạn chế tình trạng đầu cơ đất đấu giá?
Đất Đấu Giá Bị Thổi: Chiêu Trò Của Giới Đầu Cơ?
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nhiều nhà đầu tư tham gia các phiên đấu giá sốt nóng vừa qua là những người có "nghề” đấu giá đất, họ thường tham gia với mục đích “đơn giản" là “lướt sóng", không quan tâm giá trị thật là bao nhiêu. Mục đích của họ là cứ trúng đã rồi mua bán sang tay ngay đất đấu giá để kiếm lời hoặc sẵn sàng bỏ cọc nếu thị trường không hưởng ứng.
Ngoài ra, một mục đích “nguy hiểm” hơn mà các nhóm đầu cơ chủ ý khi tham gia đấu giá là tạo “sốt" đất. Các cá nhân này lợi dụng việc đặt cọc đất đấu giá không cần vốn lớn nhằm mục đích thổi giá các khu đất liên quan. Thậm chí bất chấp rủi ro, nhiều nhà đầu cơ hợp thức hóa mức giá bằng cách thanh toán đầy đủ theo mức giá đấu trúng, để lấy mức giá này làm căn cứ kích giá đất ở các huyện vùng ven, kích giá đất nhiều nơi leo thang, tạo “sốt” ảo.
Hệ lụy của các tình trạng này là giá bất động sản vốn đã cao nay lại càng tăng, khiến giấc mơ về nhà ở ngày càng xa vời với người dân, đặc biệt là người trẻ. Mức giá của đất đấu giá tăng cao, “vượt xa" giá trị thật không chỉ gây khó khăn cho công tác thẩm định giá tài sản phục vụ các đợt đấu giá tiếp theo tại địa phương mà còn tại nhiều nơi trên cả nước.
Cùng với sự lan tỏa của truyền thông, khi thấy giá bất động sản được duy trì xu hướng tăng trong một thời gian đủ dài, thì tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lại phía sau) sẽ “trỗi dậy", nhiều nhà đầu tư sẽ kỳ vọng giá tiếp tục tăng, rồi đưa ra quyết định mạo hiểm. Quyết định này hiện còn được thúc đẩy bởi nhận định cho rằng việc điều chỉnh bảng giá đất trong thời gian tới ở các địa phương sẽ gián tiếp đẩy giá đất tăng. Hệ quả là không ít nhà đầu tư bị chôn vốn, tạo ra các khu đất bỏ hoang, ảnh hưởng xấu tới tiến trình phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương nói riêng, cả nước nói chung khi dòng tiền bị “ứ" đọng ở đất đai, không đi vào hoạt động kinh tế khác.
Cũng theo ông Đính, có nhiều nghi ngờ về tình trạng đầu cơ, thổi giá đất đấu giá. Tuy nhiên, trên thực tế, giống như diễn biến xảy ra với phân khúc căn hộ Hà Nội trong thời gian qua, ngay cả khi người mua bỏ cọc, vẫn rất khó có thể xác định và xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá. Bởi trong nền kinh tế thị trường, quyền xác định giá bán là của chủ sở hữu tài sản, các bên tham gia giao dịch mua bán theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán. Họ hoàn toàn có thể bỏ cọc mà không cần chứng minh. Và việc họ đẩy giá khi bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi.
mua bán đất nền hà Nội
TinNhaDatVN.Com – website số 1 về bất động sản cung cấp các thông tin về đất nền Hà Nội với hàng ngàn tin đăng bán đất nền uy tín, cập nhật mới mỗi ngày.
Kiểm Soát Tình Trạng Thổi Ảo Đất Đấu Giá Như Thế Nào?
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, ngay cả khi các quy định mới có hiệu lực, sức nóng của các cuộc đấu giá đất kể trên vẫn sẽ tiếp tục tiếp diễn và trong thời gian đủ dài sẽ dần dần trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Bởi mặc dù nguồn cung sẽ tăng lên do các địa phương đẩy mạnh đất đấu giá nhưng mức giá khởi điểm vẫn sẽ ở mức thấp vì bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 sẽ được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31-12-2025.
Ông Đính nhấn mạnh, để hoạt động đất đấu giá diễn ra minh bạch, nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách, Nhà nước cần sớm có thêm cơ chế kiểm soát hoạt động đầu cơ. Để giải bài toán đầu cơ, đẩy giá, thông qua đó kéo hạ giá nhà ở đô thị, phải thay đổi tư duy về nhà ở của người dân, để nhà ở là chỗ ở, giải quyết nhu cầu sinh sống của người dân chứ không phải là một tài sản tích lũy. Bằng cách áp thuế, hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua BĐS phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh, yếu tố tài sản tích lũy sẽ giảm đi. Mức thuế có thể nâng cao dần với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn hay nếu chủ sở hữu bất động sản không đưa bất động sản tham gia hoạt động kinh doanh, không triển khai xây dựng sau khi nhận đất…
Việc đánh thuế bất động sản đúng hướng sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ bất động sản bởi cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc sở hữu bất động sản đầu cơ trở nên rủi ro hơn. Mua đi bán lại bất động sản để ăn chênh lệch, hay tạo cung cầu ảo để thổi giá bất động sản dần trở nên vô nghĩa.
Nguồn tiền nhàn rỗi trong dân do đó sẽ được nắn dòng chảy sang các mảng sản xuất kinh doanh, tạo sản phẩm, giá trị gia tăng cho xã hội. Điều này giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn, hiệu quả hơn về lâu dài, thay vì các cơn sốt đất, nhiễu loạn giá như tình trạng đất đấu giá vừa qua.
Nguyễn Nam
TỪ KHÓA: Bất động sản Hà Nội