Ngoài BĐS nghỉ dưỡng, phân khúc nào chịu ảnh hưởng của Covid-19?

Bên cạnh bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản bán lẻ cũng đang là phân khúc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Giới chuyên gia nhận định, sự ảm đạm của phân khúc này không chỉ là câu chuyện hiện tại mà có thể sẽ kéo dài trong vài tháng tới.

Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Savills TP.Hồ Chí Minh, tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp trong những tháng đầu năm 2020 dự kiến sẽ còn kéo dài trong vài tháng tới. Các dự án bán lẻ hiện đại sẽ không tăng giá thuê. Đồng thời, các chủ đầu tư sẽ có động thái hỗ trợ khách thuê duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo tỷ lệ lấp đầy của dự án.

Đơn cử, Công ty Cổ phần Vincom Retail công bố hỗ trợ trên giá thuê cho các khách thuê hiện tại với tỷ lệ hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng được xem xét, đánh giá theo mức độ bị ảnh hưởng từ các vùng và ngành kinh doanh của doanh nghiệp. Các chủ đầu tư bán lẻ lớn khác cũng đang theo dõi diễn biến của dịch và xem xét đưa ra các hỗ trợ về giá thuê đối với khách thuê. 

Hưng Thịnh cũng công bố sẽ triển khai thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho khách thuê tại các dự án của mình với mức giảm khoảng từ 20-40%, tùy từng trường hợp, và thời gian hỗ trợ linh động theo diễn biến của đại dịch.

Virus Corona có thể đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến ở thị trường bán lẻ. Bà Trang chia sẻ thêm: “Hoạt động mua sắm trực tuyến sẽ có tác động tiêu cực đến các cửa hàng truyền thống tại các trung tâm mua sắm cũng như tại các nhà phố. Thực tế này có thể làm tăng tốc những thay đổi mang tính công nghệ trong cách sống, làm việc và mua sắm, trong khi các tác động khác chỉ mang tính tạm thời. Giá thuê sẽ có thay đổi dựa vào các điều kiện thị trường. Nhìn chung, các chủ đầu tư thương mại/ chủ nhà sẽ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho các khách thuê.”


Bên cạnh bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản bán lẻ cũng đang là phân khúc
chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh họa

Trong những tháng đầu năm 2020, cùng với tác động của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, xử phạt nghiêm khắc đối với người uống rượu bia mà vẫn lái xe, dịch Covid-19 tiếp thêm một đòn tác động lên ngành ẩm thực. Khảo sát của Savills gần đây cho thấy, trong tháng 2 vừa qua, doanh thu một số nhà hàng đã giảm lên đến 50% so với các tháng trước đó. Sự bùng phát dịch bệnh là bước ngoặt mà tại điểm này các chủ kinh doanh ẩm thực đưa ra định hướng kinh doanh, trong khi chủ nhà phố cần xem xét điều chỉnh giá thuê phù hợp hơn. Trong thời gian qua, nhiều khách thuê kinh doanh nhà hàng sau khi cân nhắc về doanh thu và chi phí vận hành đã phải quyết định dừng kinh doanh và trả mặt bằng khi hết hợp đồng, trong khi một số vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh giữ chỗ thì hoặc tạm dừng hoạt động hoặc thương thảo với chủ nhà để giảm giá thuê. 

Đối với các nhà phố rao thuê tại các khu phố nổi tiếng về ẩm thực như Phan Xích Long (Phú Nhuận), Hồ Tùng Mậu và Ngô Đức Kế (Quận 1), nguyên nhân khó tìm khách thuê trong thời điểm này chủ yếu là do yêu cầu thuê nguyên căn. Bên cạnh đó là thời hạn hợp đồng thuê dài có thể lên đến 10 năm tại các khu vực ngoài quận 1 cũng là yếu tố làm nhiều khách có nhu cầu thuê từ bỏ. Để thu hút khách thuê, chủ nhà cung cấp giá thuê giảm giá từ 10% đến 20% so với giá cuối năm 2019 hoặc linh hoạt cho thuê theo diện tích khách thuê mong muốn, thay vì bắt buộc thuê nguyên căn.

Đối với các nhà phố đang cho thuê, nhiều chủ nhà cũng có những động thái thương lượng hỗ trợ khách thuê về giá thuê. Đơn cử, một số chủ nhà chấp nhận miễn phí ít nhất 1 tháng thuê với khách thuê kinh doanh nhà hàng hay giảm 30% đến 50% giá thuê trong ngắn hạn đối với khối kinh doanh cửa hàng tiện ích.

Thúy An