Doanh Nghiệp Bất Động Sản: Nỗ Lực Để Thay Đổi Cuộc Chơi

Các doanh nghiệp bất động sản – những đơn vị vẫn bám trụ trên thị trường đang nỗ lực thay đổi, chuyển biến để vượt lên thực cảnh đầy thách thức, để không bị các khó khăn nhấn chìm kể từ khi thị trường bất động sản trầm lắng.

Doanh Nghiệp Bất Động Sản Thay Đổi Sau Mỗi Cuộc Khủng Hoảng

Ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes cho biết lịch sử thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận những chuyển biến đáng chú ý sau mỗi cuộc khủng hoảng. Sự chuyển biến đến từ nội tại thị trường với các thay đổi lớn của các doanh nghiệp bất động sản.
Thời kì thịnh vượng những năm 2007 – 2008, các doanh nghiệp bất động sản nhà nước đóng vai trò lớn, trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản tư nhân, gồm cả doanh nghiệp ở mảng đầu tư và doanh nghiệp mảng phân phối chưa có nhiều. Giai đoạn này, chỉ cần có hàng, các đơn vị đều bán được. Đây cũng là giai đoạn mà giá bất động sản tăng mạnh, leo thang liên tục, từ đất nền, chung cư đến biệt thự thấp tầng.
Tuy nhiên, giai đoạn 2009-2013, Chính phủ thắt chặt tín dụng nhằm kiểm soát bong bóng bất động sản và kiềm chế lạm phát khiến thị trường từ những cơn sốt nóng ảo đã giảm giá mạnh, nhiều khu vực nặng tính đầu cơ rơi cảnh hoang hóa khi cơn sốt qua đi. Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đã giải thể, phá sản.
Doanh nghiệp bất động sản đang ở trong một giai đoạn đầy khó khăn, thách thức của thị trường. Ảnh: Báo Chính phủ
Sau cuộc khủng hoảng này, giai đoạn hồi sinh bắt đầu từ 2014 ghi nhận sự xuất hiện và gia nhập thị trường của khối doanh nghiệp tư nhân là chủ đầu tư dự án và các đơn vị phân phối bất động sản. Khối doanh nghiệp bất động sản tư nhân phát triển mạnh thời kì này và mang đến những xu hướng mới của thị trường với sự xuất hiện của nhiều loại hình bất động sản mới, cơ cấu diện tích sản phẩm linh hoạt, đa dạng hơn. Từ 2018-2021, thị trường bước vào thời kì hưng thịnh, phát triển quá nóng và cũng để lại hệ lụy là sự trầm lắng thời điểm hiện tại.
Với các thách thức mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt hiện nay, ông Chung cho rằng, khó khăn cũng là cơ hội, giúp các doanh nghiệp bất động sản phải nhìn nhận lại và tìm cách thay đổi. Để trụ vững trong bối cảnh thị trường hiện tại, doanh nghiệp bất động sản phải thay đổi cơ cấu tổ chức. Trước hết là cắt giảm nhân sự để phù hợp với tính chất và quy mô của thị trường hiện tại. Ở thời kì thị trường tốt, doanh nghiệp nào cũng phát triển lớn, bộ máy cồng kềnh thì khi gặp khó, cần thu hẹp quy mô.
Cũng theo ông Chung, phát triển sản phẩm ở giai đoạn khó khăn, chủ đầu tư phải chọn sản phẩm, chọn thị trường, không thể chạy theo xu hướng. Doanh nghiệp bất động sản cần chọn sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của thị trường và phát triển các giá trị thiết thực đi cùng sản phẩm. Đơn cử, xây nhà ở phải đi kèm tiện ích. Bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ là tiện ích, mà còn phải là đơn vị vận hành để thu hút được khách du lịch, đảm bảo tính khả thi cho các phương án khai thác cho thuê của khách hàng và nhà đầu tư. Về tài chính, trước đó nhiều doanh nghiệp dùng đòn bẩy thì ở thời điểm hiện tại, khi thị trường khó khăn, cần phải bán bớt dự án. Các hoạt động MA bất động sản cần được đẩy mạnh trong giai đoạn này.

“Doanh Nghiệp Bất Động Sản Cần Chuyển Biến Mạnh Mẽ Hơn”

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. Đồng quan điểm với ông Chung, ông Đính cho rằng, ở giai đoạn này, các doanh nghiệp bất động sản cần tiếp tục tái cơ cấu sản phẩm, dồn trọng tâm vào các dự án khả thi, đáp ứng được cả nhu cầu và khả năng tài chính của người dân để có được dòng tiền, duy trì các hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang chuyển mình mạnh mẽ nhằm vượt qua khó khăn. Ảnh: Tạp chí Tài chính
Các doanh nghiệp bất động sản cần hạn chế phát triển sản phẩm phục vụ đầu tư, ưu tiên phát triển sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực. Để thúc đẩy việc bán hàng, doanh nghiệp bất động sản cần nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi hấp dẫn, thiết thực dành cho cả khách hàng và nhà đầu tư cũng như các đơn vị phân phối, môi giới bất động sản.
Ông Đính cho rằng doanh nghiệp bất động sản cần tinh gọn quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ và các giải pháp nhằm giảm giá bán bất động sản và cần hoạt động theo hướng “chậm nhưng chắc”, xác định rõ tinh thần, 2024 vẫn là một năm đầy thách thức cần vượt qua . Các đơn vị cần xác định rõ “chung tay thúc đẩy thị trường” là mục tiêu chính, rồi mới xác định đến mục tiêu lợi nhuận.
Với các doanh nghiệp bất động sản là sàn giao dịch, ông Đính nhấn mạnh cần tiếp tục tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy, áp dụng các công nghệ mới phục vụ công tác bán hàng. Sàn giao dịch cần nghiên cứu, lựa chọn kỹ các chủ đầu tư, dự án trước khi quyết định hợp tác phân phối và cần kiên quyết không tham gia phân phối các sản phẩm không đảm bảo yêu cầu pháp luật. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch chỉ nên tập trung vào các dự án trọng tâm, tránh dàn trải nguồn lực trong giai đoạn thiếu hụt nhân lực. Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp này để trụ vững và từng bước vượt qua được các khó khăn của thị trường thời điểm hiện tại.
Nguyễn Nam