Sổ Đỏ Và Sổ Hồng Khác Nhau Như Thế Nào? 7 Tiêu Chí Phân Biệt

Sổ đỏ và sổ hồng là cách gọi quen thuộc của người dân về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Thực tế cho thấy, khá nhiều người còn nhầm lẫn về 2 loại sổ này. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các điểm giống nhau, khác nhau giữa sổ hồng và sổ đỏ để bạn đọc nắm rõ.
Mục Lục
1. Khái Niệm Sổ Đỏ Và Sổ Hồng
Sổ Đỏ Là Gì?
Sổ Hồng Là Gì?
2. Sổ Đỏ Và Sổ Hồng Giống Và Khác Nhau Ra Sao?
Điểm Giống Nhau Giữa Sổ Đỏ Và Sổ Hồng
Sổ Đỏ Và Sổ Hồng Khác Nhau Như Thế Nào?
3. Một Số Câu Hỏi Thường Gặp Về Sổ Hồng Và Sổ Đỏ
Sổ Đỏ Và Sổ Hồng Có Giá Trị Bao Nhiêu Năm?
Sổ Hồng Và Sổ Đỏ Hết Thời Hạn Phải Làm Sao?
Có Phải Đổi Sổ Đỏ Cũ Sang Sổ Hồng Mới Hay Không?
Làm Sổ Hồng Mất Bao Lâu?
Nên Mua Nhà Có Sổ Đỏ Hay Sổ Hồng?

1. Khái Niệm Sổ Đỏ Và Sổ Hồng

Pháp luật hiện hành không có quy định về sổ đỏ và sổ hồng. Đây là cách gọi của người dân về 2 loại giấy chứng nhận nhà đất dựa trên màu sắc.

Sổ Đỏ Là Gì?

Cụ thể, sổ đỏ là thuật ngữ mà người dân dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Loại giấy chứng nhận này được ban hành bởi Bộ TNMT. Về hình thức, bìa của sổ có màu đỏ. Về nội dung, sổ đỏ ghi nhận quyền sử dụng đất gồm đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất vườn ao, đất rừng… Theo Khoản 20, Điều 4 Luật đất đai năm 2003: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất".
Hình ảnh bìa sổ đỏ và một trang trong của sổ. Ảnh: baochinhphu

Sổ Hồng Là Gì?

Trong khi đó, sổ hồng là cách gọi của người dân dùng để chỉ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Sổ hồng có bìa màu hồng, được cấp bởi Bộ Xây dựng. Sổ ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Điều 11, Luật Nhà ở năm 2005 nêu rõ, sổ hồng được cấp cho chủ sở hữu theo quy định sau:
"a) Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
b) Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quy định tại khoản này được gọi chung là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở."
Để thống nhất hai loại sổ đỏ và sổ hồng thành một loại giấy chứng nhận mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP vào ngày 19/10/2009 và Bộ TNMT ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào ngày 21/10/2009. Hai loại giấy chứng nhận trên sẽ do Bộ TNMT ban hành theo một mẫu thống nhất, đồng thời được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Mặc dù đã được hợp nhất thành một loại giấy chứng nhận nhà đất nhưng sổ đỏ và sổ hồng vẫn được sử dụng bình thường cho đến thời điểm hiện tại, với giá trị pháp lý tương đương. Pháp luật về đất đai và nhà ở hiện hành cũng không có quy định bắt buộc phải cấp đổi các loại giấy chứng nhận sang mẫu sổ hồng mới.
Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, sổ hồng và sổ đỏ đều là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở được cấp bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trên thực tế, hiện vẫn đang lưu hành cả ba loại giấy tờ: Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giá trị pháp lý của ba loại giấy chứng nhận này như nhau.

2. Sổ Đỏ Và Sổ Hồng Giống Và Khác Nhau Ra Sao?

Trong phần tiếp theo của bài viết, cùng TinNhaDatVN.Com tìm hiểu điểm giống và khác nhau giữa sổ đỏ và sổ hồng để tránh nhầm lẫn giữa 2 loại giấy chứng nhận nhà đất này.
Sổ đỏ và sổ hồng có giá trị pháp lý như nhau. Ảnh: baophapluat

Điểm Giống Nhau Giữa Sổ Đỏ Và Sổ Hồng

Về giá trị pháp lý, sổ đỏ và sổ hồng có giá trị pháp lý như nhau tính đến thời điểm hiện tại. Đây đều là chứng thư pháp lý để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cùng tài sản khá gắn liền với đất. Sổ hồng và sổ đỏ đều được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất, sở hữu nhà ở. Sổ đỏ và sổ hồng đều ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, căn hộ, chung cư và các tài sản khác gắn liền với đất. Người đứng tên trên sổ đỏ hoặc sổ hồng được thừa nhận quyền cũng như nghĩa vụ pháp lý đối với tài sản được ghi nhận trong sổ hồng/sổ đỏ.
Về giá trị thực tế, giá trị của sổ hồng và sổ đỏ tùy thuộc vào giá trị thị trường của nhà ở, thửa đất và các tài sản khác gắn liền với đất được ghi nhận. Thế nên, việc mua nhà có sổ đỏ hay có sổ hồng không quan trọng. Vấn đề cốt yếu ở đây là sổ hồng hay sổ đỏ đó phải là sổ thật, được cấp bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo luật định.
Khi bạn thế chấp sổ đỏ hoặc sổ hồng để vay tiền ngân hàng, ngân hàng sẽ xác định giá trị thực tế của sổ để xác định cụ thể hạn mức tín dụng cho khoản vay.
Tóm lại, điểm giống nhau giữa sổ đỏ và sổ hồng là giá trị pháp lý như nhau. Thế nhưng, giá trị thực tế của sổ hồng và sổ đỏ lại khác nhau, tùy thuộc vào giá trị thị trường của đất/nhà/căn hộ cùng các tài sản gắn liền với đất.

Sổ Đỏ Và Sổ Hồng Khác Nhau Như Thế Nào?

Người dân gọi sổ đỏ và sổ hồng dựa trên màu sắc của mỗi loại giấy. Đây cũng là một trong những cách để họ phân biệt giữa các loại giấy chứng nhận về nhà đất hiện nay. Về bản chất, sổ hồng và sổ đỏ khác nhau thế nào?
STTTiêu chí so sánhSổ đỏSổ hồng
1Cơ quan ban hànhSổ đỏ do Bộ TNMT ban hành trước ngày 10/12/2009. Tên gọi pháp lý là "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".Sổ hồng cũ do Bộ Xây dựng ban hành trước ngày 10/08/2005, sau đó đổi thành Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng, được cấp từ ngày 10/08/2005 đến trước ngày 10/12/2009. Sổ hồng mới do Bộ TNMT ban hành.
2Đối tượng được cấpSổ đỏ được cấp cho tổ chức/cá nhân có quyền sử dụng đất, người sở hữu nhà ở.Sổ hồng được cấp cho chủ thể là tổ chức/cá nhân, người sử hữu nhà ở, sở hữu căn hộ.
3Thời điểm cấp Sổ đỏ cấp trước ngày 10/12/2009.Sổ hồng được Bộ Xây dựng ban hành trước ngày 10/08/2005 và đổi thành Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng kể từ 10/08/2005 đến trước ngày 10/12/2009.
4Đặc điểmBìa ngoài của sổ có màu đỏ tươi. Trang đầu tiên của sổ ghi "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".Bìa ngoài của sổ có màu hồng nhạt. Trang đầu tiên của sổ ghi "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".
5Nội dungNội dung của sổ đỏ thể hiện:- Tên người sử dụng đất;- Thửa đất được quyền sử dụng (tên thửa đất, diện tích, địa chỉ, hình thức, mục đích, thời hạn, nguồn gốc sử dụng);- Tài sản gắn liền với đất.Nội dung của sổ hồng thể hiện thông tin về:- Quyền sử dụng đất ở (số thửa, số tờ bản đồ, loại đất, diện tích, thời hạn sử dụng…).- Quyền sở hữu nhà ở (diện tích xây dựng, kết cấu nhà, số tầng, diện tích sử dụng chung, riêng…).
6Loại đất được cấp sổĐất ở nông thôn, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối.Tất cả các loại đất.
7Khu vực được cấp sổNgoài đô thịĐô thị

3. Một Số Câu Hỏi Thường Gặp Về Sổ Hồng Và Sổ Đỏ

Ngoài thắc mắc về sự khác nhau giữa sổ đỏ và sổ hồng, hiện có khá nhiều câu hỏi về hai loại giấy chứng nhận nhà đất này. Dưới đây là một số câu hỏi phổ biến nhất về sổ hồng và sổ đỏ.
Sổ hồng và sổ đỏ có giá trị vĩnh viễn không? Ảnh: luatvietnam

Sổ Đỏ Và Sổ Hồng Có Giá Trị Bao Nhiêu Năm?

Với sổ đỏ, theo các quy định tại Điều 125 và Điều 126, Luật đất đai năm 2013, thời hạn sử dụng đất là sử dụng có thời hạn hay sử dụng lâu dài tùy vào loại đất, mục đích sử dụng đất và đối tượng sử dụng đất. Thời hạn của sổ đỏ chính là thời gian mà người sử dụng đất có quyền sử dụng đất. Pháp luật hiện hành quy định thời hạn sử dụng đất gồm 2 loại: Đất sử dụng có thời hạn và đất sử dụng ổn định lâu dài.
– Đất sử dụng có thời hạn: Người sử dụng đất chỉ được sử dụng đất trong một thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật. Theo đó, thời hạn của sổ đỏ trong trường hợp này thường không quá 50 năm hoặc không quá 70 năm tùy mục đích sử dụng đất và hình thức xác lập quyền sử dụng đất. Với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất và nhận chuyển quyền sử dụng đất, thời hạn của sổ đỏ được quy định tại Điều 127 và Điều 128 Luật đất đai năm 2013.
– Đất sử dụng ổn định lâu dài: Người sử dụng đất được quyền sử dụng đất vô thời hạn kể từ thời điểm được cấp sổ đỏ.
Với sổ hồng, thời hạn của loại giấy chứng nhận này được quy định dựa theo cấp công trình xây dựng và kết quả kiểm định chất lượng công trình. Khoản 1, Điều 99, Luật nhà ở năm 2014 quy định, thời hạn sử dụng của sổ hồng nhà chung cư được quy định như sau:
  • Công trình cấp 4: Sổ hồng chung cư có giá trị 20 năm
  • Công trình cấp 3: Sổ hồng chung cư có giá trị 20 – 50 năm
  • Công trình cấp 2: Sổ hồng chung cư có giá trị 50 – 100 năm
  • Công trình cấp 1: Sổ hồng chung cư có giá trị trên 100 năm
Được biết, để tính thời hạn theo cấp công trình xây dựng, cần dựa trên phụ lục phân cấp các loại công trình xây dựng phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ xây dựng ngày 25/07/2013.
Như vậy, thời hạn của sổ đỏ và sổ hồng được pháp luật hiện hành quy định rõ ràng, cụ thể. Do đó, khi mua bán nhà đất, người mua cần tìm hiểu kỹ lưỡng về thời hạn sử dụng đất trên sổ hồng và sổ đỏ, nhất là với loại hình chung cư để tránh những rủi ro, phiền phức không đáng có.

Sổ Hồng Và Sổ Đỏ Hết Thời Hạn Phải Làm Sao?

Với sổ đỏ, theo Khoản 3, Điều 74, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khi sổ đỏ hết hạn, người sử dụng đất không phải thực hiện thủ tục cấp đổi, làm lại sổ mới mà chỉ cần thực hiện thủ tục xác nhận lại thời hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu.
Người sử dụng đất có 2 lựa chọn khi sổ hết thời hạn:
  • Lựa chọn thứ nhất: Người sử dụng đất tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn mới mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất. Người dân tiếp tục sử dụng mục đích ban đầu và không có yêu cầu điều chỉnh diện tích, vị trí, ranh giới của thửa đất. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời gian sử dụng ban đầu và không được vượt quá thời gian quy định cho từng loại mục đích sử dụng.
  • Lựa chọn thứ hai: Người sử dụng đất đề nghị xác nhận lại thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận. Đây là trường hợp người dân muốn điều chỉnh mục đích sử dụng hoặc vị trí, ranh giới, diện tích của thửa đất. Thời gian cấp lại tính từ ngày cấp lại sổ đỏ, đồng thời không được vượt quá thời gian quy định cho từng loại mục đích sử dụng.
Với sổ hồng, Khoản 3, Điều 126, Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ, thời hạn sử dụng đất dùng để xây chung cư không giống nhau và được xác định theo thời hạn của dự án, hiện phổ biến nhất là chung cư 50 năm. Khi hết thời hạn sử dụng đất, trường hợp tổ chức hoặc cá nhân sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì Nhà nước sẽ xem xét gia hạn nhưng không quá thời hạn xác định theo dự án. Khoản 2, Điều 99, Luật Nhà ở năm 2014 quy định như sau:
"2. Khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải tổ chức kiểm định chất lượng công trình nhà chung cư này để xử lý theo quy định sau đây:
a) Trường hợp nhà chung cư còn bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng thì chủ sở hữu được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trong kết luận kiểm định, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 110 của Luật này;
b) Trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải ban hành kết luận kiểm định chất lượng và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu nhà ở; nội dung văn bản thông báo phải được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân và cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư mới hoặc bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền để phá dỡ và xây dựng công trình khác theo quy định tại khoản 3 Điều này."

Có Phải Đổi Sổ Đỏ Cũ Sang Sổ Hồng Mới Hay Không?

Từ ngày 10/12/2009, người sử dụng đất trên toàn quốc được cấp 1 mẫu giấy chứng nhận duy nhất với tên gọi pháp lý là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Mẫu sổ này được áp dụng cho mọi loại đất, nhà ở cũng như tài sản khác gắn liền với đất.
Khoản 2, Điều 97, Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ, sổ đỏ cấp trước ngày 10/12/2009 không phải đổi sang mẫu sổ hồng mới. Giá trị pháp lý của hai loại giấy chứng nhận này như nhau. Tuy nhiên, nếu chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có nhu cầu thì có thể đổi sang mẫu sổ hồng mới.
Tóm lại, với sổ đỏ và sổ hồng cũ được cấp trước ngày 10/12/2009, người sử dụng đất, người sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không bắt buộc phải đổi sang mẫu sổ hồng mới. Chỉ khi bạn có nhu cầu đổi thì làm thủ tục xin cấp đổi.

Làm Sổ Hồng Mất Bao Lâu?

Theo Khoản 40, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian cấp sổ hồng như sau:
  • Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;
  • Không quá 40 ngày với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Lưu ý: Thời gian trên không tính các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã; thời gian trưng cầu giám định; thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật.
Mua nhà sổ đỏ hay sổ hồng đều có giá trị pháp lý tương đương, quan trọng đó phải là sổ hồng, sổ đỏ thật. Ảnh: congchungtayho

Nên Mua Nhà Có Sổ Đỏ Hay Sổ Hồng?

Như đã phân tích ở trên, sổ hồng và sổ đỏ có giá trị pháp lý ngang nhau. Do đó, việc mua bán nhà đất khi có sổ đỏ hoặc sổ hồng đều hợp pháp. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, người mua nên kiểm tra thật kỹ các thông tin ghi trên sổ đỏ và sổ hồng để so sánh đối chiếu với hiện trạng nhà, đất. Kiểm tra xem đất, nhà đó có vướng tranh chấp, kiện tụng gì không.
Như vậy, mua nhà có sổ hồng hay sổ đỏ đều được Nhà nước công nhận. Quan trọng ở chỗ, sổ đó phải là sổ thật, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật.
Trên đây, TinNhaDatVN.Com đã chỉ rõ điểm giống nhau giữa sổ đỏ và sổ hồng, cùng với đó là các tiêu chí phân biệt hai loại sổ này. Hy vọng bài viết hữu ích với những ai đang có nhu cầu tìm hiểu về vấn đề này.
Lam Giang