Nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính xin cấp phép dự án còn mất nhiều thời gian
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa gửi một số kiến nghị lên Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đơn vị này cho rằng, đối với từng công trình biệt thự du lịch, nhà phố thương mại trong dự án bất động sản du lịch, chủ đầu tư vẫn phải xin giấy phép xây dựng. Dù dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng vẫn phải thực hiện tương tự như nhà ở trong các dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở. Điều này không thiết thực cho mục tiêu quản lý nhà nước, hơn nữa còn tăng thủ tục hành chính với doanh nghiệp.
Hơn nữa, Điểm h khoản 1 điều 2 Nghị quyết 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Chính phủ nêu rõ: “Không yêu cầu thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500”.
Do đó, kiến nghị mà đơn vị này đưa ra là sửa đổi điểm g khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng. Cụ thể sẽ sửa đổi theo hướng: “Nhà ở, công trình xây dựng có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500”.
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng được đưa ra nhằm giúp cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng kiểm tra, xem xét sự phù hợp với mục đích sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận, đảm bảo phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường... trước khi cấp giấy phép xây dựng.
Đơn vị này cho rằng, gánh nặng về thủ tục hành chính sẽ càng thêm nặng đối với các doanh nghiệp khi việc cấp giấy phép xây dựng lặp lại những quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Phòng cháy chữa cháy... Do đó, cần đơn giản hóa trình tự, thủ tục để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hạn chế tối đa những quy định dẫn đến việc lạm quyền gây khó khăn cho chủ đầu tư khi xin cấp giấy phép xây dựng.
Khánh Trang