Năm 2021, dân Trung Quốc sẽ bớt "săn" bất động sản khắp thế giới?

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy đại dịch Covid-19 khiến giới đầu tư Trung Quốc rụt rè hơn với bất động sản quốc tế. 82% người được hỏi cho biết họ không có ý định mua nhà đất ở nước ngoài trong vòng 12 tháng tới.

Cụ thể, khảo sát do tập đoàn môi giới và đầu tư CLSA thực hiện vào tháng trước đã thăm dò ý kiến của 1.600 người dân tại 234 thành phố của Trung Quốc. Kết quả cho thấy 82% người được hỏi không có kế hoạch mua bất động sản ở nước ngoài trong 12 tháng tới. Chỉ có 5% tiết lộ họ đang dự định đầu tư bất động sản nước ngoài trong năm sau. Bên cạnh đó, khoảng 57% cho biết đại dịch khiến họ cảm thấy ít có động cơ mua bất động sản nước ngoài hơn, so với chỉ 1% nói rằng cảm thấy được khuyến khích hơn.

Ông James Druce - Trưởng nhóm nghiên cứu của CLSA nhận định: “Dường như Covid-19 có tác động khá tiêu cực đến ý định của người mua. Đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến nhu cầu và quá trình phục hồi dự kiến sẽ khá chậm.”

Seoul là nơi người Trung Quốc muốn đầu tư nhất trong số các thị trường bất động sản toàn cầu
Theo khảo sát, Seoul là nơi người Trung Quốc muốn đầu tư nhất trong số các thị trường bất động sản khắp toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Dân Trung Quốc từ lâu đã là nhóm người đầu tư bất động sản xuyên biên giới lớn nhất toàn cầu. Theo Real Capital Analytics – tổ chức nghiên cứu chuyên theo dõi các thương vụ bất động sản trị giá hơn 10 triệu USD cho biết, người Trung Quốc chiếm 5% hoạt động đầu tư bất động sản toàn cầu trong 9 tháng đầu năm 2020, với tổng giá trị đầu tư đạt 21,7 tỷ USD. Năm ngoái, họ cũng đóng góp 41,7 tỷ USD, tương đương với 4% tổng số.

Cũng theo khảo sát của CLSA, trong số những người cho biết có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài trong năm 2021, có 59% dự kiến dành ngân sách từ 500.000 - 1 triệu USD để mua nhà đất ở nước ngoài, 25% đặt mục tiêu chi dưới 500.000 USD và 15% nói rằng họ sẽ chi từ 1 – 3 triệu USD. 

Về các thị trường yêu thích, kết quả khảo sát cho thấy dân Trung Quốc muốn đầu tư vào Seoul và Singapore nhất do gần gũi về địa lý. Trong số các thành phố lớn ở phương Tây, Paris, New York và Los Angeles lại được yêu thích hơn Sydney, Vancouver và Toronto, vốn là những nơi có chính sách thân thiện với người nhập cư hơn.

Trong khi đó, mối quan hệ nguội lạnh giữa Bắc Kinh và Canberra khiến các nhà đầu tư Trung Quốc không mấy lạc quan về triển vọng mua nhà ở Australia. Báo cáo nghiên cứu nhận định: “Chắc chắn rằng sự rạn nứt gần đây trong quan hệ giữa Australia và Trung Quốc không phải là điềm báo tốt cho thị trường bất động sản.”

Khách hàng Trung Quốc cũng tỏ ra bớt mặn mà với nhà đất Hồng Kông. CLSA cho biết chỉ 15% số người được hỏi nói rằng họ sẽ cân nhắc mua bất động sản ở Hồng Kông. Đặc khu này từng xếp thứ 5 trong số các thành phố phổ biến nhất với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Theo ông Kashif Ansari, Giám đốc điều hành CLSA, dù nhu cầu giảm, người Trung Quốc vẫn là nhóm đầu tư bất động sản xuyên biên giới lớn nhất trên toàn cầu, chiếm tỷ trọng lớn nhất tại tất cả các thị trường trọng điểm. Ông Ansari cũng dự báo sau khi đại dịch được kiểm soát, nhu cầu đầu tư ra nước ngoài của dân Trung sẽ lại bùng nổ. Những nước đầu tiên mở cửa du lịch, những nước đã kiểm soát tốt đại dịch, những nước có triển vọng thị trường bất động sản mạnh mẽ và những nước có nền giáo dục thu hút sinh viên Trung Quốc đều sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư từ “đất nước tỷ dân”. 

Lan Chi

>> Giá nhà quá đắt đỏ, dân Trung Quốc không dám sinh con thứ hai
>> "Né" rủi ro chính trị, người Trung Quốc chuyển hướng mua nhà đất 
>> Dân Canada tranh thủ mua nhà trước khi người nước ngoài quay lại