Hơn 10 năm kinh nghiệm thuê nhà mà vẫn bị lừa, mất oan tiền thuê 1,5 năm

Chẳng phải cứ mua nhà tiền trăm triệu, tiền tỷ mới phải thật cẩn thận trong từng bước để không bị lừa, ngay cả đi thuê nhà, người thuê cũng nên đề cao cảnh giác, bởi "kẻ lừa không chừa 1 đồng".

3 tháng trước khi đám cưới vào cuối năm 2018, anh Bình, chị Minh tìm thuê nhà trọ dần để dọn về ở với nhau, tránh khi gần cưới lại bận rộn nhiều việc. Xác định chưa thể mua nhà được ngay nên anh chị tìm thuê căn hộ dạng chung cư mini hoặc phòng trọ rộng rãi, có thể ở lâu dài để năm sau có con thì còn có chỗ cho ông bà ở quê lên chăm chút, đỡ đần. 

Lướt khắp các hội nhóm nhà trọ trên facebook, để tìm được một căn rộng rãi mà giá cả vừa phải không hề dễ. Chưa kể có căn vừa mới đăng, anh Bình nhắn tin hẹn đến xem ngay mà khi đến đã có người vừa đặt cọc. Loanh quanh cả tháng trời anh chị mới tìm được một chỗ ưng ý. Đó là cả tầng 2 của một căn nhà riêng ở Định Công, một bên là phòng ngủ, một bên là phòng bếp, ở giữa là cầu thang, có 2 nhà vệ sinh nên khá tiện. Thiết kế phòng khá thoáng và rộng rãi, hợp ý anh chị. Bên phòng bếp đủ rộng và sạch sẽ để sau này bà lên trông cháu có thể ở được. Hai anh chị đều làm quanh khu Ngã Tư Sở nên việc đi lại cũng tiện, di chuyển ra bến xe Giáp Bát để bắt xe về quê cũng không quá xa. 

Đến xem phòng, người thuê hiện tại cũng là gia đình gồm 2 vợ chồng và 1 con nhỏ. Họ nói là chủ căn nhà, mới mua chung cư nên chuyển đi còn ngôi nhà này vẫn cho thuê từng phòng. Họ đồng ý để lại 2 tủ quần áo và một số đồ dùng trong bếp. Họ nói nếu anh chị đóng luôn tiền thuê trong 2 năm thì sẽ được giá hữu nghị là 3,5 triệu/tháng, còn nếu đóng 3 tháng một thì giá là 4,5 triệu/tháng. 

một chiếc giường ngủ đặt bên trong một căn phòng
Người thuê nhà nên đề cao cảnh giác để tránh sập bẫy lừa. Ảnh minh họa

Tính đi tính lại, anh Bình nghĩ ít nhất cũng sau 2 năm nữa mới tiết kiệm đủ tiền để mua nhà nên nếu đóng luôn 2 năm cũng giảm được một khoản kha khá. Nghĩ vậy nên hai anh chị đồng ý rút tiền tiết kiệm đóng luôn 84 triệu tiền thuê 2 năm, cũng không yêu cầu hai vợ chồng kia cho xem giấy tờ chứng minh gì. Hai bên ký hợp đồng, hẹn đến đầu tháng sau sẽ đến nhận phòng. Họ cũng hướng dẫn anh chị chi tiết cách đóng tiền điện nước, internet hàng tháng...

Cứ nghĩ mọi việc êm xuôi, cuối năm đám cưới là sau đó sống ổn định, tiết kiệm đủ tiền là mua nhà. Nhưng mới ở được nửa năm thì có một người phụ nữ đến, nói là chủ nhà và thông báo hợp đồng thuê nhà 6 tháng đã hết hạn, nếu muốn ở tiếp thì ký lại hợp đồng. Tưởng có nhầm lẫn nhưng hôm sau người phụ nữ đó mang giấy tờ nhà đất đến thì anh Bình, chị Minh mới vỡ lẽ mình đã bị lừa. Gọi lại người thuê trước thì số điện thoại không liên lạc được. Chẳng biết đòi ở đâu, vậy là vì chủ quan mà anh chị mất không tiền thuê nhà trong một năm rưỡi. 

“Đọc mấy câu chuyện lừa lọc tiền tỷ của người mua nhà trên mạng, trước đấy tôi cứ nghĩ đó chỉ là số ít. Người ta lừa tiền tỷ, tiền trăm triệu chứ chắc chẳng rơi vào mình nhưng rồi ai ngờ… Ở Hà nội bao năm, không biết bao nhiêu lần đi thuê nhà từ thời sinh viên, đến khi lấy vợ lại bị lừa. Thôi thì rút kinh nghiệm, sau này mua nhà hay làm bất cứ việc gì càng phải cẩn thận hơn”, anh Bình chia sẻ.

Chuyện đi thuê nhà có hàng loạt mánh khóe lừa đảo, không riêng trường hợp của anh Bình, chị Minh. Một số chiêu thức lừa đảo phổ biến khác đã từng được phanh phui như: 

Lừa chiếm đoạt tiền đặt cọc

Một hình thức lừa đảo khác mà nhiều người đã sập bẫy là chiếm đoạt tiền đặt cọc với cách thức tương tự trường hợp của anh Bình. Khách thuê nhà sẽ được dẫn đến xem những căn phòng đẹp với mức giá phải chăng. Cảm thấy ưng ý và thuê được nhà đẹp giá hời, khách thuê sẽ không ngần ngại đóng ngay một khoản tiền đặt cọc thường là 1 tháng tiền nhà. Tuy nhiên, đến ngày nhận nhà, chủ nhà thật sự mới thông báo không nhận được bất cứ đồng tiền cọc nào và cũng không biết người đã nhận tiền là ai.

Tưởng rẻ nhưng phát sinh hàng loạt khoản phí

Nhiều người thuê không đọc kỹ hợp đồng và không hỏi rõ ràng mọi thông tin sẽ rất dễ rơi vào trường hợp này. Khi đến xem phòng, chủ nhà đưa ra mức giá rất hời. Tuy nhiên chỉ đến khi vào ở thì mới thấy phát sinh hàng loạt chi phí khác, có những khoản rất vô lý, chẳng hạn tiền trông xe, tiền vệ sinh, tiền thang máy... Tổng cộng chi phí cho 1 tháng vì thế bị đội lên rất nhiều so với mức giá thương lượng lúc đầu.

Đòi tiền giới thiệu

Nhiều đối tượng đăng tin thuê nhà tràn lan trên mạng với địa chỉ nhà thuê không cụ thể. Đến lịch hẹn dẫn khách đi xem nhà, đối tượng này sẽ giở trò mánh khóe, đòi một khoản tiền giới thiệu trước khi dẫn đi, nếu không sẽ nói lời hăm dọa. Mất tiền nhưng khách thuê không được dẫn đến phòng trọ đẹp như tin rao mà là những căn xập xệ, vài lần không ưng ý, khách thuê sẽ nản dần và đành chấp nhận mất không khoản phí giới thiệu.

Khánh Trang

>> Dùng 4 tỷ mua nhà hay thuê trọ, gửi ngân hàng hưởng lãi
>> Hợp đồng thuê nhà có bắt buộc phải công chứng hay không
>> Mua chung cư mini 500 triệu có thực sự lời hơn đi thuê nhà?