1. Kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo trên internet
Hầu hết các tin đăng cho thuê nhà đều được quảng cáo với lời hay ý đẹp và những hình ảnh bắt mắt, giá rẻ bất ngờ. Tuy nhiên, quá nhiều thông tin sẽ khiến bạn bối rối và không biết đâu mới là thông tin chính xác, mức giá nào là thật, hình ảnh nào là “ảo”.
Vì vậy, kinh nghiệm thuê nhà trọ đó là bạn nên khảo sát hết một lượt các tin đăng cho thuê nhà tại khu vực mình mong muốn. Sau đó lập danh sách cụ thể bao gồm địa chỉ nhà, số điện thoại liên hệ, giá điện nước, tiện nghi cơ bản… Bước tiếp theo là gọi theo số điện thoại trên để hỏi rõ về tình trạng nhà/phòng, mức giá có đúng như trong quảng cáo không, nếu thấy đáng tin mới đến xem trực tiếp.
Nên kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo nhà cho thuê trên internet trước khi đến xem. Ảnh minh họa: Internet
2. Không đi xem nhà một mình
Tháng 6/2018, dư luận từng rúng động trước vụ việc nữ sinh ở Hà Nội bị cưỡng hiếp và sát hại khi đi thuê nhà trọ một mình. Vì vậy, đây là lưu ý đặc biệt quan trọng dành cho những khách thuê là phái yếu, đặc biệt là các bạn sinh viên còn non kinh nghiệm, dễ trở thành “con mồi” của kẻ xấu.
Thay vì đến xem phòng trọ một mình, bạn nên rủ người người thân quen đi cùng cho an toàn và cũng có thêm những đánh giá khách quan hơn. Trường hợp bất khả kháng không có ai đi chung, bạn nên báo tin cho người thân biết về lịch trình và địa điểm nhà đến xem để đề phòng bất trắc.
Thời điểm thích hợp để đi xem nhà là ban ngày, tránh sau 21h (vắng vẻ, trời tối khó quan sát và đánh giá đúng về ngôi nhà). Khi đi xem nhà, bạn cũng nên ăn mặc lịch sự, kín đáo để tránh bị soi xét hay để ý.
3. Trao đổi chắc chắn với chủ nhà rồi mới đặt cọc
Dù nhà thuê giá rẻ và được quảng cáo tốt thế nào đi nữa, bạn cũng không nên vội vàng đặt cọc khi chưa gặp được trực tiếp chủ nhà cũng như xem qua hợp đồng. Không ít trường hợp khách thuê đặt cọc tiền phòng nhưng khi vào ở mới phát hiện hỏng hóc, không như quảng cáo, quay lại kiến nghị với người cho thuê thì mới “ngã ngửa” khi biết đó chỉ là môi giới, hoặc người thuê nhà rồi cho thuê lại mà thôi.
Khách thuê cũng không nên vội ký hợp đồng thuê nhà mà phải đọc kỹ các điều khoản. Nếu có thể, hãy nhờ người có kinh nghiệm thuê nhà trọ xem giúp hợp đồng, tránh trường hợp phải đền bù, sửa chữa hay mất tiền oan vì hợp đồng nhiều kẽ hở.
Người mua cần trao đổi chắc chắn với chủ nhà rồi mới đặt cọc. Ảnh minh họa: Internet
4. Làm việc với các trung tâm môi giới uy tín, chuyên nghiệp
Thông qua môi giới, giao dịch sẽ trở nên nhanh chóng, giúp người thuê nhà tiết kiệm thời gian đi lại và được hỗ trợ làm thủ tục thuê. Tuy nhiên, đó là khi bạn tìm được một môi giới uy tín, có kinh nghiệm và am hiểu thị trường. Ngược lại, nếu chọn phải môi giới không chuyên nghiệp, kém nhiệt tình có thể khiến bạn “ném tiền qua cửa sổ”.
Đó là chưa kể tâm lý ỷ lại vào môi giới khiến nhiều người dễ dàng bị “qua mặt”, tạo điều kiện để môi giới thêm bớt các thủ tục hoặc “bịa” ra hàng trăm lý do để đòi thêm tiền.
5. Tìm hiểu kỹ thông tin về người ở ghép
Trước khi quyết định người ở ghép với mình, bạn cần tìm hiểu kỹ các thông tin về đối phương như tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, gia đình… Kinh nghiệm thuê phòng trọ cho sinh viên đó là nên chọn người ở ghép học cùng trường với mình để có thể biết rõ hơn thông tin và dễ sắp xếp công việc (do thời gian sinh hoạt khá tương đồng).
Khi đã chọn được người ở ghép phù hợp, bạn và đối phương phải thống nhất với nhau về các khoản chi phí, nếu cần thiết hãy lập một bản thỏa thuận và có chữ ký của cả hai. Đừng quên cùng người bạn của mình đến đăng ký tạm trú ở địa phương nơi thuê trọ. Bởi nếu không có một cơ quan chức năng nào xác nhận sự cư trú của bạn thì việc quản lý, hỗ trợ khi xảy ra bất trắc (trộm cắp, lừa đảo…) là rất khó khăn.
Linh Phương (TH)