1. Xác thực người cho thuê là chính chủ
Phải đảm bảo rằng người ký hợp đồng cho bạn thuê nhà là người có quyền sở hữu, hoặc có năng lực sở hữu xét theo pháp luật đối với căn nhà đó. Bạn không thể giao dịch thuê nhà với một người lạ khi chưa biết phạm vi quyền hạn của họ có được phép cho thuê nhà hay không.
Cần đề phòng trường hợp gặp chủ giả khi đi thuê nhà. Ảnh minh họa
Để chắc chắn, trước khi đến gặp chủ nhà, bạn có thể tìm kiếm thông tin trên internet xem căn nhà có được rao bán, đăng tin cho thuê chưa. Nếu có thì thông tin liên hệ là ai, có đúng người bạn đang liên lạc để thuê nhà không? Bạn cũng có thể hỏi thăm thông tin từ hàng xóm xung quanh căn nhà để biết thêm về chủ thuê.
Ngoài ra, khi gặp trực tiếp để giao dịch thuê nhà, bạn cần yêu cầu chủ nhà cho xem các giấy tờ liên quan như: Giấy tờ chứng nhận sở hữu, giấy phép cho kinh doanh phòng trọ từ cơ quan chức năng, giấy tờ tùy thân của chủ nhà…
2. Cẩn trọng khi giao dịch thuê nhà qua môi giới
Môi giới là dịch vụ trung gian giúp bạn tìm được nhà thuê ưng ý mà không tốn công sức, thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn thuê phải môi giới thiếu kinh nghiệm, không nhiệt tình, không uy tín chỉ khiến bạn mất tiền mà không được việc.
Chưa kể nếu làm việc qua môi giới, bạn sẽ rất ít được trao đổi trực tiếp với chủ , khó nắm hết được tình hình của căn nhà. Nhiều trường hợp, cả chủ nhà và môi giới thông đồng nhau để lừa gạt, nâng giá cao hơn so với thị trường, nên bạn cần cảnh giác khi thuê nhà qua môi giới.
3. Xác minh tình trạng căn nhà
Tính pháp lý: Bên cạnh việc kiểm tra thông tin của chủ nhà, khách thuê nhà cũng nên kiểm tra xem căn nhà có đang bị thế chấp ngân hàng hay vướng vào tranh chấp, khiếu nại, thuộc diện chờ giải tỏa, phá dỡ… hay không?
Chất lượng sử dụng: Đánh giá tổng quan chất lượng sử dụng của căn nhà qua các bộ phận chính như tường, hệ thống cửa, hệ thống điện và cấp thoát nước. Đối với tường, phải kiên cố, không xuất hiện các vết nứt ở góc và bìa tường. Cửa chính phải có khóa chốt đầy đủ, chắc chắn. Hệ thống điện, nước phải đảm bảo hoạt động tốt, tránh gây ảnh hưởng cho việc sinh hoạt sau này.
Xác minh tình trạng căn nhà trước khi thuê là bước cần thiết để phòng tránh rủi ro. Ảnh minh họa
4. Tìm hiểu môi trường xung quanh khu vực
Điều này sẽ giúp bạn tránh được những phiền toái khi dọn đến ở, đồng thời lựa chọn được nơi phù hợp, thuận tiện nhất cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Bạn nên chọn thuê ở khu vực có dân sinh tốt, an ninh đảm bảo, môi trường xung quanh không quá ô nhiễm (gần nhà máy, bãi rác…).
Nếu là dãy nhà cho thuê trọ, bạn nên chọn nơi có chỗ để xe rộng rãi, có người trông giữ hoặc có camera an ninh. Trước khi quyết định thuê, bạn cũng nên đến xem nhà nhiều lần, vào những thời điểm đặc biệt như giờ cao điểm (xem xét lưu lượng giao thông), ngày mưa (xem tình trạng ngập lụt)…
5. Nghiên cứu kỹ hợp đồng thuê nhà
Trước khi đặt bút kí hợp đồng thuê nhà, bạn cần phải tìm hiểu kỹ các điều khoản, quy định... xem có đảm bảo tính công bằng, ràng buộc trách nhiệm cho cả 2 bên không, nếu không phải yêu cầu chỉnh sửa. Bên cạnh đó, các thông tin trong hợp đồng như thời hạn cho thuê nhà, tiền thuê, tiền đặt cọc là bao nhiêu, giá điện nước và các phụ phí đi kèm thế nào, mức phạt hợp đồng ra sao nếu vi phạm… đều phải được ghi rõ ràng, cụ thể. Tuy pháp luật không yêu cầu bắt buộc, nhưng nếu có điều kiện, nên công chứng hợp đồng thuê nhà trong trường hợp hợp đồng có giá trị lớn để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.
Linh Phương (TH)