>> “Săn” mặt bằng kinh doanh nội đô Hà Nội ngày càng khó
1. Thuê ở vị trí bất tiện
Ít người qua lại: Vị trí mặt bằng này thường có giá thuê rẻ vì ít người qua lại, thuộc khu vực thưa thớt người dân sinh sống. Ít khách hàng ghé thăm đồng nghĩa với việc hiệu suất bán hàng giảm, việc cửa hàng của bạn phải đóng cửa chỉ còn là chuyện sớm hay muộn.
Hay một số nơi chỉ đông người qua lại vào ban ngày nhưng đến tối thì rất vắng vẻ (ví dụ khu hành chính tập trung, khu tập hợp các công ty, văn phòng nên ít nhà dân). Bạn cần phải tính đến điều này trước khi quyết định thuê mặt bằng để mở hàng quán ở đây. Bởi khi đó, áp lực doanh số sẽ dồn vào ban ngày, bạn phải chạy đua với thời gian vì không thể trông chờ gì vào việc kinh doanh buổi tối.
Đường 1 chiều: Thuê mặt bằng ở vị trí này sẽ hạn chế khách mua do ngại quay đầu xe, hoặc do lượng người qua lại quá đông đúc.
Nằm trên giao lộ: Vị trí đường giao lộ có nghĩa là ở ngã 3, ngã 4…, nơi lượng người qua lại thường xuyên và đông đúc. Tình trạng ùn tắc, đèn giao thông được đặt khắp nơi dễ khiến hàng quán của bạn bị che khuất. Người đi đường bị kẹt xe nên ít ai muốn và cũng khó mà dừng lại để ăn uống, nghỉ ngơi.
Thuê mặt bằng kinh doanh ở giao lộ dễ khiến cửa hàng làm ăn thua lỗ. Ảnh minh họa
2. Thuê ở vị trí không có khách hàng tiềm năng
Không ít người cho rằng, thuê mặt bằng kinh doanh ở vị trí có nhiều người qua lại sẽ đem đến lượng khách hàng lớn cho cửa hàng. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Trường hợp nhiều người qua lại nhưng họ không thuộc đối tượng khách hàng bạn hướng đến thì hiệu quả kinh doanh cũng bằng không.
Vì vậy, trước khi thuê mặt bằng ở bất cứ đâu, bạn cần phải tìm hiểu xem khách hàng của mình có ở đó không? Người dân ở khu vực đó có đang sử dụng sản phẩm như mình kinh doanh không? Mức giá họ sẵn sàng trả là bao nhiêu? Mức độ thường xuyên họ sử dụng sản phẩm thế nào?...
3. Không quan tâm đến lề đường, bãi đỗ xe
Sự bất tiện khi gửi xe dù chỉ là một lỗi nhỏ nhưng có thể khiến cửa hàng của bạn bị mất khách. Bởi chẳng ai muốn để xe ở một quán nằm sát mặt đường (gây ùn tắc giao thông), hoặc quán có chỗ gửi xe quá hẹp (ra vào bất tiện). Vì vậy, khi thuê mặt bằng kinh doanh, bạn nên ưu tiên vị trí có bãi đỗ xe và mặt tiền thông thoáng. Điều này không chỉ tạo ấn tượng tốt cho khách mà còn giúp bạn tiết kiệm được những khoản phí không đáng có như thuê bãi để xe, tiền nộp phạt do để xe lấn chiếm lòng đường, vỉa hè…
Chọn vị trí là vấn đề quan trọng hàng đầu khi thuê mặt bằng kinh doanh. Ảnh minh họa
4. Không xem xét kỹ hợp đồng cho thuê
Hợp đồng cho thuê phải đảm bảo đầy đủ các thông tin như: địa điểm, diện tích, tiền đặt cọc, thời gian thuê, giá thuê, chu kỳ, kỳ hạn đóng tiền thuê tăng giá hàng năm hay cách tăng giá sau khi gia hạn, ngày bàn giao mặt bằng cho thuê, hiện trạng nhà đất mặt bằng lúc bàn giao, thời điểm tính tiền thuê. Bạn cũng cần lưu ý đến quyền cải tạo và giới hạn sửa chữa, mặt bằng, cửa hàng kinh doanh và miễn trừ trách nhiệm làm thay đổi mặt bằng sau khi hoàn trả. Tránh trường hợp không xem xét kỹ các điều khoản đã vội xuống tiền, sau này dễ xảy ra tranh chấp, kiện cáo.
5. Không cân nhắc giá thuê
Tính toán ngân sách của bạn để tìm thuê mặt bằng kinh doanh phù hợp, phương án tốt nhất là làm sao để chi phí thuê địa điểm chỉ chiếm không quá 15% tổng doanh thu. Nếu tiềm lực tài chính chưa vững, bạn không nên cố chấp thuê mặt bằng ở những vị trí “hot”, nơi có nhiều khách hàng nhưng cũng không ít những thương hiệu lớn với số vốn hùng hậu mà bạn phải cạnh tranh. Áp lực kinh doanh theo đó sẽ tăng lên trong khi hàng tháng, bạn vẫn phải trả một khoản phí thuê mặt bằng đắt đỏ.
Linh Phương (TH)