Tổng quan về Sơn Tây – thị xã duy nhất của Hà Nội

Nằm ở ngoại thành Hà Nội, thị xã Sơn Tây là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh khu vực phía Tây của Thủ đô.

Địa lý

Thị xã Sơn Tây nằm về hướng Tây Bắc của Hà Nội, cách trung tâm thành phố 40km theo quốc lộ 32 và cao tốc Láng – Hòa Lạc. Thị xã Sơn Tây Hà Nội có ranh giới tiếp giáp các địa phương khác như sau:

  • Phía Bắc giáp huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) với ranh giới là sông Hồng
  • Phía Đông giáp huyện Thạch Thất, Phúc Thọ
  • Phía Nam giáp huyện Thạch Thất
  • Phía Tây giáp huyện Ba Vì

Thị xã Sơn Tây thuộc vùng bán sơn địa, địa hình có xu hướng thấp dần từ Tây sang Đông với hai dạng địa hình chính là vùng đồng bằng và vùng bán sơn địa. Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thị xã Sơn Tây có 4 mùa khá rõ rệt, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều; mùa đông khô hanh, ít mưa. Nền khí hậu thích hợp để phát triển nhiều loại cây trồng nhưng cũng gây khó khăn cho đời sống và sản xuất của người dân như tình trạng sạt lở, ngập úng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô.

bản đồ thị xã sơn tây

Bản đồ thị xã Sơn Tây Hà Nội.

Hành chính

Thị xã Sơn Tây gồm 15 đơn vị hành chính, trong đó có 9 phường Xuân: Khanh, Viên Sơn, Trung Sơn Trầm, Sơn Lộc, Quang Trung, Phú Thịnh, Ngô Quyền, Lê Lợi và 6 xã: Xuân Sơn, Thanh Mỹ, Sơn Đông, Kim Sơn, Đường Lâm, Cổ Đông.

Theo số liệu thống kê năm 2018, thị xã có tổng diện tích tự nhiên là 113,5km2, dân số khoảng 230.577 người.

Hạ tầng, giao thông

Hệ thống kết cấu hạ tầng của thị xã Sơn Tây được tăng cường đáng kể. Các hệ thống thủy lợi, nước sạch, điện, đường, trường, trạm… được xây dựng mới, nâng cấp. Nhiều khu dịch vụ, khu công nghiệp, khu đô thị được xây dựng góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội và làm thay đổi bộ mặt của thị xã Sơn Tây. Nhìn chung, hệ thống cơ sở hạ tầng đã được cải thiện so với trước đây nhưng vẫn còn thấp kém, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế  xã hội, an ninh quốc phòng.

Về giao thông, thị xã Sơn Tây là nơi có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua như:

  • Đường Quốc lộ 2C dài 0,8km, mặt cắt 10m, khởi đầu tại vòng xuyến giao với quốc lộ 32 tại xã Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, qua tỉnh Vĩnh Phúc, và kết thúc khi nhập vào quốc lộ 37 tại thành phố Tuyên Quang.
  • Quốc lộ 21A (đường Cuba) dài 12km, gồm: Phố Chùa Thông dài 2,3km, mặt cắt 35m; phố Tùng Thiện dài 2km, mặt cắt 12m đang được nâng cấp lên 35m; đoạn còn lại qua xã Sơn Đông, Cổ Đông dài 7,7km, mặt cắt 12m.
  • Quốc lộ 32 dài 7km, trong đó có 6,6km có mặt cắt 35m, còn 0,4km thuộc xã Đường Lâm có mặt cắt 12m. Tuyến đường này nối Sơn Tây với các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và trung tâm TP. Hà Nội
  • Đường tránh quốc lộ 32: dài 5km, mặt cắt 10m.
  • Cầu Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng trên quốc lộ 2C nối thị xã Sơn Tây với huyện Vĩnh Tường của tỉnh Vĩnh Phúc. Cầu có tổng chiều dài 4,480m, rộng 16,5m, đã được hoàn thành năm 2014.

Các tuyến đường tỉnh lộ gồm 6 tuyến:

  • Tỉnh lộ 413 (tỉnh lộ 88 cũ) dài 6,3km, mặt cắt 7m
  • Tỉnh lộ 414 (tỉnh lộ 87A cũ) dài 8km, mặt cắt 12m
  • Tỉnh lộ 414B (tỉnh lộ 87B cũ) dài 2,3km, mặt cắt 7m
  • Tỉnh lộ 416 (tỉnh lộ 84 cũ) dài 7,6km, mặt cắt 7m
  • Tỉnh lộ 417 (tỉnh lộ 83 cũ): dài 1,2km, mặt cắt 7,5m
  • Tỉnh lộ 418 (tỉnh lộ 82 cũ): dài 3km, mặt cắt 7m

Ngoài ra còn có 23 tuyến phố với tổng chiều dài 13,42km, 31 tuyến đường liên xã với tổng chiều dài 65,5m và nhiều đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.

Trong thời gian tới, thị xã sẽ tập trung nguồn vốn để xây mới, nâng cấp mở rộng nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thị, đường liên xã, đường giao thông nông thôn và các bến xe. Cụ thể:

  • Nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ 32, 21A, đường tránh quốc lộ 32; các tuyến tỉnh lộ TL 414, 4L 414B, TL 413, TL 416, TL 417, TL 418…
  • Xây dựng mới các tuyến đường nối từ đường tránh quốc lộ 32 đến tỉnh lộ 413, đường từ thành cổ Sơn Tây đến Bắc đền Và, đường nối từ tỉnh lộ 414 đến tỉnh lộ 416, đường trục phát triển Thị xã Sơn Tây; đường ven ngoài đê Hữu Hồng từ cầu Vĩnh Thịnh đến cảng Sơn Tây.

Trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 3 con sông chính là sông Hồng, sông Hang và sông Tích. Sông Hồng đoạn chảy qua thị xã Sơn Tây có chiều dài 5,4km, sông Hang dài 13,5km, sông Tích dài 13,5km. Tuy nhiên, giao thông đường thủy của Sơn Tây chủ yếu trên tuyến sông Hồng. Ngoài ra còn có 1 cảng Sơn Tây ở phường Lê Lợi và 1 bến phà ở xã Đường Lâm nối quốc lộ 2C, 4 bến khách ngang sông, 8 bến bốc xếp hàng hóa, 1 bến khách du lịch hồ Đồng Mô.

Thị xã có 1 bến ô tô khách tại phường Quang Trung với 15 tuyến xe khách liên tỉnh, công suất 260 lượt người/ngày; có 2 đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải taxi với tổng số 250 xe.

Các tuyến xe buýt chạy qua địa bàn thị xã Sơn Tây: CNG01, 20A, 20B, 67, 74, 89, 92, 110, 111, 118, 126.

Kinh tế

Nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu phù hợp với định hướng phát triển của Sơn Tây trong những năm tiếp theo là du lịch – dịch vụ thương mại, công nghiệp xây dựng và nông lâm thủy sản. Thị xã đã chủ động quy hoạch các cụm, khu, điểm công nghiệp và đầu tư các vùng du lịch, trong đó đặc biết chú trọng tới du lịch văn hóa – lịch sử như vùng du lịch Đồng Mô, làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, chuỗi du lịch lịch sử văn hóa Thành cổ  Đền Và – làng cổ Đường Lâm, hồ Xuân Khanh.

khu du lịch đồng mô

Khu du lịch Đồng Mô thuộc thị xã Sơn Tây là địa điểm yêu thích của các tín đồ mê "xê dịch".

Cơ sở y tế

Trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 3 bệnh viện, 1 trung tâm y tế dự phòng, 1 phòng y tế, 1 khu điều dưỡng cán bộ, 15 trạm y tế, 1 công ty cổ phần Dược và các cơ sở y dược tư nhân.

  • Bệnh viện đa khoa khu vực Sơn Tây với 450 cán bộ nhân viên, 27 khoa và 400 giường bệnh
  • Bệnh viện quân y 105 với 500 cán bộ nhân viên, 300 giường bệnh
  • Bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Long với 70 cán bộ công nhân viên, 50 giường bệnh
  • Trung tâm y tế dự phòng Sơn Tây với 60 cán bộ nhân viên, 7 khoa phòng
  • Các trạm y tế của 15 xã, phường với 30 giường bệnh đều được xây dựng kiên cố

Giáo dục

Hệ thống các cơ sở giáo dục phổ thông và mẫu giáo trên địa bàn thị xã đã được nâng cấp, đầu tư xây dựng mới tuy nhiên hệ thống trường học vẫn còn thiếu. Nhiều trường diện tích còn hẹp cần được nâng cấp, mở rộng trong thời gian tới. Ngoài ra, còn có hệ thống các trường đại học, cao đẳng, nhất là các trường quân sự:

  • Trường Sĩ quan Lục quân 1
  • Học viện Phòng không  Không quân
  • Học viện Biên phòng
  • Trường Sĩ quan Phòng hóa
  • Trường Sĩ quan Pháo binh
  • Học viện Quân y, cơ sở 2
  • Học viện Hậu cần, cơ sở 2
  • Trường Đại học Công nghiệp Việt  Hung
  • Học viện Ngân hàng, cơ sở 2
  • Trường Đại học Lao động Xã hội, cơ sở 3
  • Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ô tô  Tổng cục Kỹ thuật  Bộ Quốc phòng
  • Trường Trung cấp Trinh sát  Tổng cục Cảnh sát
  • Trường Cao đẳng Quân y 1

Chợ

Trên địa bàn thị xã Sơn Tây có hệ thống chợ như sau:

  • Chợ Nghệ (phường Quang Trung): diện tích 1,57 ha
  • Chợ nông sản thực phẩm (phường Quang Trung): diện tích 0,34 ha
  •  Chợ Gạo (phường Quang Trung): diện tích 0,36 ha
  •  Chợ Ao Đông (phường Trung Hưng): diện tích 1,59 ha
  •  Chợ Mía (xã Đường Lâm): diện tích 0,46 ha
  •  Chợ mới Trung Sơn Trầm: diện tích 0,72 ha
  •  Chợ Tân Phú (Sơn Đông), diện tích 0,3 ha
  •  Chợ Xuân Sơn: diện tích 0,2 ha
  •  Chợ đầu mối nông sản Xuân Sơn: 1,1 ha
  •  Chợ Xuân Khanh: diện tích 0,41 ha
  •  Chợ Bãi Đá (xã Cổ Đông): diện tích 0,8 ha
  •  Chợ Kim Sơn: diện tích 1 ha

Ngoài ra, còn có các chợ nhỏ, chợ tạm, chợ cóc trong các khu dân cư. Nhìn chung, hệ thống chợ còn thiếu, quy mô nhỏ, phần lớn chưa được đầu tư xây dựng khang trang.

Phát triển đô thị

Thị xã Sơn Tây đã và đang hình thành một số khu đô thị cao cấp như: khu đô thị Thiên Mã rộng 12,8 ha (xã Sơn Đông), khu đô thị Green City – Thuần Nghệ rộng 6,19 ha (giữa 2 phường Viên Sơn và Quang Trung), khu đô thị Đồi Dền rộng 7,14 ha (phường Trung Sơn Trầm), khu đô thị Mai Trai – Nghĩa Phủ rộng 23,45 ha (phường Trung Hưng), khu đô thị Phú Thịnh rộng 16,89 ha (phường Phú Thịnh), khu nhà ở Sơn Lộc rộng 5,33 ha (phường Sơn Lộc).

Cùng với đó, theo định hướng chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây sẽ là một trong 5 chuỗi đô thị vệ tinh của Hà Nội, với chức năng là đô thị văn hóa lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng. Hiện trạng diện tích đất đô thị của thị xã còn thấp. Trong những năm tới, thị xã tiếp tục xây thêm một số khu đô thị mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị vệ tinh Sơn Tây.

Thị trường bất động sản thị xã Sơn Tây Hà Nội

Thị xã Sơn Tây là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng, an ninh khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội, là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, nhà thờ Giang Văn Minh, đền Và, chùa Mía, di tích Văn Miếu..., nơi có nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng như khu du lịch hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh, khu nghỉ dưỡng ASEAN, sân gôn Thung Lũng Vua, làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam...

Đây cũng là nơi có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua, như các tuyến quốc lộ 32, 21A, 2C, cầu Vĩnh Thịnh, đường cao tốc Láng – Hòa Lạc; các tuyến đường tỉnh lộ như 413, 414, 414B, 416, 417, 418; có tuyến đường thủy sông Hồng; có hệ thống kết cấu hạ tầng khá phát triển...; Trong thời gian tới, đường trục phát triển Sơn Tây – Phúc Thọ - Đan Phượng, đường Hồ Chí Minh đoạn giáp Thị xã, các tuyến đường và nhiều công trình quan trọng trên địa bàn Thị xã sẽ được xây dựng, nâng cấp. Bên cạnh đó, theo định hướng chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thị xã Sơn Tây trong tương lai là một trong chuỗi 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, với chức năng chính là đô thị văn hóa lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng... Đây là các yếu tố quan trọng, đã, đang thúc đẩy Thị xã Sơn Tây phát triển nhanh và bền vững. Thị trường bất động sản Sơn Tây cũng vì thế mà có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực với lượt người quan tâm tìm mua, lượng giao dịch và giá đều tăng nhẹ so với trước.

Được xác định là vùng đất – đô thị có thế mạnh về cảnh sắc thiên nhiên, di sản văn hóa lịch sử nên bất động sản Sơn Tây được dự đoán sẽ phát triển theo mô hình các trung tâm du lịch đô thị dịch vụ, nghỉ dưỡng. Khi bất động sản nghỉ dưỡng phát triển sẽ kéo theo các phân khúc khác được hưởng lợi, đặc biệt là đất thổ cư, đất nền dự án, nhà phố biệt thự.

Khánh An (tổng hợp)