Vị trí địa lý quận Tây Hồ (Hà Nội)
Quận Tây Hồ nằm ở phía Tây Bắc phần nội thành của Hà Nội, có vị trí địa lý như sau:
- Phía Đông giáp quận Long Biên với ranh giới tự nhiên là sông Hồng;
- Phía Tây giáp quận Bắc Từ Liêm;
- Phía Nam giáp quận Cầu Giấy, Ba Đình với ranh giới là khu dân cư An Dương, đường Hoàng Hoa Thám và đường Thanh Niên;
- Phía Bắc giáp huyện Đông Anh với ranh giới tự nhiên là sông Hồng.
Vị trí quận Tây Hồ Hà Nội trên Google Maps.
Diện tích quận là 24km2, dân số khoảng 126.700 người (số liệu năm 2009). Tây Hồ có địa hình tương đối bằng phẳng, có chiều hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam. Quận có Hồ Tây với diện tích 526 ha, nằm trọn trong địa giới quận, được đánh giá là cảnh quan thiên nhiên đẹp của thủ đô và cả nước. Phía Bắc và phía Đông quận có sông Hồng chảy qua. Khu vực quanh Hồ Tây có nhiều làng xóm tồn tại từ lâu đời với nhiều nghề thủ công truyền thống và các công trình di tích lịch sử có giá trị.
Lịch sử
Vùng đất Tây Hồ trước đây thuộc huyện Vĩnh Thuận cũ của tỉnh Hà Nội. Trước năm 1945, Tây Hồ là phần đất của đại lý Hoàn Long thuộc ngoại thành Hà Nội. Năm 1961, vùng đất Tây Hồ thuộc về khu phố Ba Đình và một phận thuộc huyện Từ Liêm.
Ngày 28/10/1995, Chính phủ ra Nghị định số 69-CP thành lập quận Tây Hồ thuộc thành phố Hà Nội trên cơ sở tách 3 phường Yên Phụ, Thụy Khuê, Bưởi thuộc quận Ba Đình và 5 xã Phú Thượng, Xuân La, Quảng An, Nhật Tân, Tứ Liên thuộc huyện Từ Liêm, chuyển các xã Phú Thượng, Xuân La, Quảng An, Nhật Tân, Tứ Liên thành các phường có tên tương ứng.
Sau khi điều chỉnh, quận gồm 8 phường: Phú Thượng, Xuân La, Quảng An, Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ, Thụy Khuê, Bưởi.
Tình hình kinh tế
Từ ngày thành lập đến nay, quận Tây Hồ xây dựng và phát triển cơ cấu kinh tế theo đúng hướng Dịch vụ - Công nghiệp – Nông nghiệp. Những năm qua, kinh tế quận duy trì tốc độ phát triển khá, giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng 14,01%. Ngành thương mại - dịch vụ có tốc độ phát triển nhanh hơn, đạt tỷ trọng 66,14%, ngành công nghiệp phát triển ổn định với tỷ trọng 33,53%, ngành nông nghiệp đạt tỷ trọng 0,33%.
Quận Tây Hồ còn nổi tiếng với các làng hoa, cây cảnh Nghi Tàm, làng hoa Tứ Liên, Xuân La, Phú Thượng…
Hạ tầng giao thông
Nằm ở vị trí trung tâm, quận Tây Hồ sở hữu nhiều con đường huyết mạch như:
- Tuyến đường Võ Chí Công nằm trên vành đai 2, rộng 64m bắt đầu từ đường Bưởi, chạy qua ngã tư đường Hoàng Hoa Thám – Hoàng Quốc Việt đến cầu Nhật Tân. Dọc đường Võ Chí Công có hệ thống hạ tầng giao thông quy hoạch đồng bộ, là nút giao thương chính đến các tuyến đường huyết mạch thuộc các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Từ Liêm…
Đường Võ Chí Công là nút giao thông chính kết nối quận Tây Hồ với các quận nội thành.
- Tuyến đường Hoàng Hoa Thám rộng 30m là trục chính đô thị gồm 2 đoạn: đoạn từ Bưởi đến dốc Ngọc Hà và đoạn từ dốc Ngọc Hà đến đường Hùng Vương.
- Tuyến đường vành đai 2 rộng 57,5-64m là đường trục chính đô thị.
- Đường liên khu vực gồm có tuyến đường Âu Cơ – Nghi Tàm, đoạn kéo dài đường Nguyễn Hoàng Tôn đến đường Lạc Long Quân rộng 40m.
- Các tuyến đường cấp khu vực: đường Lạc Long Quân, Võng Thụy, Thanh Niên, Xuân La, Thụy Khuê, Yên Phụ, Đặng Thai Mai, Xuân Diệu, tuyến đường quanh hồ Tây rộng 8,5-10,5m.
Cầu vượt từ Yên Phụ qua Nghi Tàm, phần đê sông Hồng được bồi cao, lòng đường rộng sạch sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa một cách rõ rệt.
Cầu Nhật Tân dài 3.900m nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh không chỉ là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản mà còn là một trong số các cây cầu hiện đại nhất của Hà Nội. Hà Nội cũng đang chuẩn bị các bước cần thiết để khởi công cầu Tứ Liên với tổng chiều dài theo tuyến thẳng khoảng 4,84km. Cầu có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao quốc lộ 5, tạo kết nối thuận tiện và góp phần rút ngắn khoảng cách giữa quận Tây hồ với quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
Trên địa bàn quận có nhiều tuyến xe buýt chạy ngang qua như 09A, 13, 14, 25, 31, 33, 41, 45, 50, 55A, 55B, 58, 60A, 68, 86, 90, 96… cùng với đó là các trạm trung chuyển như Khu liên cơ quan sở ngành Hà Nội, Nghi Tàm, Xuân Đỉnh, Công viên nước Hồ Tây.
Hệ thống hạ tầng xã hội
Quận Tây Hồ tập trung nhiều cơ quan hành chính, giáo dục, trung tâm giải trí, khu đô thị lớn. Theo chủ trương phát triển của thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2020-2030, quận sẽ đón nhận 13 Đại sứ quán, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải… di dời về đây. Thành phố cũng sẽ di dời các Sở về khu liên cơ tòa nhà cao 27 tầng trên trục đường Võ Chí Công, kéo theo hàng loạt các khu đô thị lớn, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, giáo dục… phát triển.
Hệ thống giáo dục phát triển với hàng loạt trường học chất lượng, đặc biệt là khu trường Bưởi – Chu Văn An, trường mầm non quốc tế Hanoi Kindergarten, hệ thống trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy, trường Đại học Nội vụ, Viện nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Hà Nội…
THCS Chu Văn An Tây Hồ là một những ngôi trường nổi bật ở Hà Nội về lịch sử lâu đời và chất lượng giảng dạy.
Hệ thống y tế cũng phát triển: Bệnh viện Tim Hà Nội Cơ sở 2, Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc, Bệnh viện đa khoa Kwang Myung, Bệnh viện đa khoa Medlatec, Trung tâm y tế quận Tây Hồ, Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc.
Sự xuất hiện của các khu đô thị lớn như khu đô thị Tây Hồ Tây, khu đô thị Ngoại giao đoàn, khu đô thị Ciputra, khu đô thị Phú Thượng, khu đô thị Golden Westlake, khu đô thị Vimefulland hay sắp tới là khu đô thị mới trục Nhật Tân – Nội Bài cũng tạo nên làn sống đô thị hóa mạnh mẽ cho quận Tây Hồ.
Công viên, cây xanh tại quận Tây Hồ
Công viên nước Hồ Tây nằm trong địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ là điểm đến hấp dẫn với người dân Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Với tổng diện tích 8,1 ha, công viên nước Hồ Tây có các khu bể và khu đường trượt đa dạng, hệ thống lọc nước tuần hoàn theo tiêu chuẩn châu Âu. Những trò chơi nổi tiếng tại công viên như tắm sóng nhân tạo, trượt đường ống, trượt máng, đu quay bạch tuộc, đĩa bay, thảm bay, công viên mặt trời, vòng quay khổng lồ…
Tây Hồ còn tập trung nhiều điểm đến nổi tiếng về vườn hoa như vườn hoa Lý Tự Trọng, bãi đá sông Hồng, thung lũng hoa Hồ Tây… Nằm ở cuối ngõ 264 đường Âu Cơ, bãi đá sông Hồng thu hút nhiều du khách đến chụp ảnh, tham quan. Mùa nào hoa ấy với đủ các loại hoa nở rộ quanh năm như hoa hồng, thượng uyển, đạo linh, phương linh, bách nhật, đồng tiền, thạch thảo tím, cúc họa mi… Thung lũng hoa Hồ Tây nằm tại ngã ba Nhật Chiêu, Tây Hồ, rất gần công viên nước Hồ Tây. Công viên có diện tích rộng, quy tụ hàng trăm loài hoa, từ những loài hoa đặc trưng như hoa cúc họa mi, hoa đào, hoa sen… cho đến các loài hoa nổi tiếng ở vùng Đà Lạt và Tây Bắc như hoa dã quỹ, tam giác mạch…
Quận Tây Hồ có mật độ cây xanh khá dày, cây xanh phủ khắp các con đường nhỏ cho đến các cung đường lớn, nhất là các đường quanh Hồ Tây. Một lợi thế lớn của quận là có được diện tích mặt nước Hồ Tây hơn 500ha cùng một số hồ nhỏ lân cận như hồ Đầm Bẩy, Hùng Đồng, Quảng Bá… và cảnh quan xung quanh.
Ẩm thực tại quận Tây Hồ
Quận Tây Hồ vốn được xác định là trung tâm dịch vụ - du lịch và cũng là thiên đường ẩm thực của thủ đô khi nơi đây sở hữu vô vàn những món ăn ngon hấp dẫn người dân Hà Nội và du khách bốn phương. Đầu tiên phải kể đến các quán ăn vặt ngon mà giá cả phải chăng như kem Hồ Tây, bánh tôm trên đường Thanh Niên, bánh giò Thụy Khuê, ốc nóng Trích Sài, bún đậu Cây Đa, mì đùi gà tần, tào phớ Xuân La, phở cuốn Ngũ Xã… Với những thực khách muốn có không gian rộng rãi hơn để tụ tập bạn bè, hội nhóm thì có lẩu ếch Phó Đức Chính, lẩu Thái tomyum ở Quảng Ba, vịt quay kiểu Lạng Sơn ở An Dương…
Ngoài ra còn có các nhà hàng đẹp, sang trọng với đồ ăn phong phú như Sen Tây Hồ, nhà hàng Softwater, nhà hàng Cutisun – Bò bít tết, nhà hàng ẩm thực Pháp Saint Honoré, nhà hàng chuyên món Âu La Salsa, quán ẩm thực Nhật Bản Daikon Foods…
Bất động sản Tây Hồ
Không ngoa khi nói rằng, Tây Hồ là quận hội tụ mọi điều kiện thuận lợi để an cư lạc nghiệp với vị trí đắc địa, giao thông thuận lợi, hạ tầng hiện đại. Hồ Tây còn được ví như lá phổi xanh giúp cải thiện không khí cộng hưởng cùng giá trị văn hóa, tinh thần và phong thủy. So với các quận nội thành khác, mật độ dân số quận Tây Hồ có phần thấp hơn do diện tích đất nông nghiệp và diện tích mặt nước chiếm tỷ lệ khá lớn. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng dân số cơ học trong những năm gần đây là rất cao do ngày càng có nhiều người muốn mua nhà và sinh sống trên địa bàn quận. Bên cạnh đó còn có một lượng lớn các đại sứ, cán bộ đại sứ quán nước ngoài hay chuyên gia nước ngoài từ Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản… đến làm việc cho các văn phòng đại diện và công ty có trụ sở tại đây. Ước tính mật độ cư trú của lượng khách nước ngoài tại khu vực này cao hơn so với các khu vực khác của Hà Nội. Cho tới nay, chỉ tính riêng khu vực quanh Hồ Tây đã có hàng loạt ông lớn như Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Daewoo E