Tổng quan về huyện Sóc Sơn (Hà Nội)

Huyện Sóc Sơn có vị trí địa lý rất thuận lợi, là cửa ngõ của Thành phố Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhờ mạng lưới giao thông đa dạng, phát triển. Đặc biệt, sự hiện diện của Sân bay quốc tế Nội Bài là một trong những nhân tố đặc biệt giúp tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế - cơ sở hạ tầng.

Địa lý

Sóc Sơn là huyện ngoại thành Thành phố Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Bắc. Huyện có vị trí địa lý:

  • Phía Bắc giáp huyện Phổ Yên của tỉnh Thái Nguyên;
  • Phía Nam giáp huyện Đông Anh;
  • Phía Đông giáp huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh và huyện Hiệp Hòa của tỉnh Bắc Giang;
  • Phía Tây giáp huyện Mê Linh (ranh giới tự nhiên là sông Cà Lồ) và thành phố Phúc Yên của tỉnh Vĩnh Phúc.

Sóc Sơn là vùng bán sơn địa với 3 loại hình chính: vùng đồi gò, vùng giữa và vùng đồng bằng ven sông. Huyện nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm mưa nhiều với 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10, mùa khô lạnh từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 24,46 độ C. Nhìn chung, khí hậu Sóc Sơn thuận lợi để phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi nhưng hạn chế là lượng mưa lớn tập trung vào khoảng thời gian ngắn dễ gây lũ lụt, xói mòn đất.

Hành chính

Sóc Sơn có tổng diện tích tự nhiên 30.651,30 ha, gồm 26 đơn vị hành chính, trong đó có 1 thị trấn Sóc Sơn (huyện lỵ) và 25 xã: Xuân Thu, Xuân Giang, Việt Long, Trung Giã, Tiên Dược, Thanh Xuân, Tân Minh, Tân Hưng, Tân Dân, Quang Tiến, Phú Minh, Phù Lỗ, Phù Linh, Phú Cường, Nam Sơn, Minh Trí, Minh Phú, Mai Đình, Kim Lũ, Hồng Kỳ, Hiền Ninh, Đức Hòa, Đông Xuân, Bắc Sơn, Bắc Phú.

bản đồ huyện Sóc Sơn

Ranh giới huyện Sóc Sơn trên Google Maps.

Hạ tầng, giao thông

Huyện Sóc Sơn là đầu mối của nhiều tuyến giao thông quan trọng kết nối Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ như Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh… và với cá tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên… thông qua quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 18; đặc biệt tuyến cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm Hà Nội. Tổng chiều dài các tuyến đường bộ trên địa bàn huyện Sóc Sơn là 227km, mật độ bình quân đạt 0,86km/km2. Trong đó:

Các tuyến quốc lộ:

  • Quốc lộ 3 chạy qua địa bàn Sóc Sơn theo hướng Bắc Nam với chiều dài khoảng 17km, đạt tiêu chuẩn cấp III, mặt đường rộng 8-10m kết cấu bê tông nhựa, hiện đang được nâng cấp. Đây là trục giao thông quan trọng, nối Hà Nội đi Cao Bằng và có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
  • Quốc lộ 2 đoạn chạy qua địa bàn huyện dài 13km từ Phù Lỗ đến cầu Minh Phương, gồm 3 đoạn: đoạn từ ngã ba Phù Lỗ đến lối vào sân bay Nội Bài có mặt đường rộng 9-10m, kết cấu bê tông nhựa; đoạn từ lối vào phía Đông sân bay Nội Bài đến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài chiều dài khoảng 3km; đoạn từ cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài đến cầu Minh Phương dài 4km.
  • Quốc lộ 18 nối từ sân bay Nội Bài với thành phố Hạ Long, đoạn chạy qua địa bàn huyện dài khoảng 15km, kết cấu bê tông nhựa đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng.
  • Tuyến cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài có tổng chiều dài chạy trên địa bàn huyện khoảng 5km, mặt rộng 23m, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc (120km/h) với 4 làn xe và 2 dải xe thô sơ.
  • Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đang được triển khai.
  • Tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đang được đầu tư xây dựng.

Các tuyến tỉnh lộ có tổng chiều dài hơn 41km, gồm TL 35, TL 16, TL 131 phần lớn có kết cấu mặt đường bê tông nhựa, tuy nhiên hiện đang dần xuống cấp.

  • Đường tỉnh 35 có chiều dài 17km, mặt đường rộng 5,5m, nối từ quốc lộ 2 tại Thanh Xuân sang quốc lộ 3 tại phố Nỉ. Đây là trục giao thông quan trọng với các xã phía Tây của huyện.
  • Đường tỉnh 131 dài 17km, mặt đường rộng 6-7m, nối từ quốc lộ 2 tại Thạch Lỗi đến Xuân Giang.
  • Đường tỉnh 16 dài 8km, mặt đường rộng 5m từ Phù Lỗ đi Bắc Ninh, qua các xã Đông Xuân, Xuân Thu, Kim Lũ.

Huyện Sóc Sơn còn có khoảng 30 tuyến đường liên xã, đường đô thị với tổng chiều dài 170km, nền rộng 5-6m, trong đó nhiều tuyến đã được nhựa và bê tông hóa.

Hai bến xe khách trên địa bàn huyện gồm bến xe Phù Lỗ quy mô 23x90m và bến xe tại phố Nỉ quy mô 20x45m. Ngoài ra còn có nhiều bến phục vụ hoạt động của các tuyến buýt trên quốc lộ 2, quốc lộ 3 và đường 131.

Về giao thông đường sắt, tuyến đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên đi qua các xã phía Đông của huyện với chiều dài 16km, dừng tại 2 ga Nỉ và ga Đa Phúc, quy mô trung bình 50-60 người/ngày. Tuy nhiên, tuyến đường sắt này hiện đã tạm dừng hoạt động do hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Về giao thông đường hàng không, sân bay Nội Bài thuộc địa phận xã Phú Minh là sân bay quốc tế lớn nhất miền Bắc với diện tích khu vực sân 325,5 ha, lưu lượng khoảng trên 1 triệu lượt khách/năm và 16 nghìn tấn hàng hóa.

Về giao thông đường thủy, huyện có 3 tuyến giao thông đường thủy quan trọng là sông Cà Lồ, sông Công và sông Cầu nhưng khả năng khai thác còn hạn chế.

Các dự án đường sắt đô thị (dự kiến) đi qua địa bàn huyện Sóc Sơn là tuyến số 2 (Nội Bài – Thượng Đình) và tuyến số 6 (Nội Bài – Ngọc Hồi).

Có thể thấy, hệ thống giao thông của huyện Sóc Sơn khá đa dạng và đã được chú trọng đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa. Để đạt mục tiêu đô thị vệ tinh của Hà Nội, những năm gần đây, Sóc Sơn đã đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng, xây dựng mới nhiều tuyến đường giao thông. Tiêu biểu như tuyến đường Võ Nguyên Giáp nối đến khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn hay các tuyến cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hạ Long và Hà Nội – Thái Nguyên đi qua Sóc Sơn cũng góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn. Ngoài ra còn có một số dự án giao thông đang và sắp được triển khai như dự án nâng cấp tuyến đường 35 đoạn giữa tuyến, đường vào khu công nghiệp Sạch Sóc Sơn, cầu Ngọc Hà vượt sông Cà Lồ…

Giáo dục

Trên địa bàn huyện có 1 trường đại học, 1 trường dạy nghề đào tạo lao động kỹ thuật cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài ra còn có Trường Công nhân kỹ thuật điện đào tạo được hàng trăm học viên mỗi năm. Đặc biệt, trong Quy hoạch hình thành đô thị vệ tinh Sóc Sơn có nội dung về Khu đại học với quy mô khoảng 600 ha và Tổ hợp y tế chất lượng cao với quy mô khoảng 100 ha. Riêng tại xã Đức Hòa, đến nay UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận địa điểm để một số đơn vị nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo như cơ sở 2 của các trường Đại học Tài nguyên Môi trường, Đại học Luật Hà Nội; trụ sở làm việc, viện nghiên cứu đào tạo trường Đại học Đông Đô.

Hệ thống y tế

Tuyến huyện có 1 Trung tâm y tế và Bệnh viện đa khoa với 160 giường bệnh, 5 phòng khám đa khoa khu vực. Tuyến cơ sở có 26 trạm y tế xã.

Các cơ sở y tế quan trọng như: Trạm y tế của Công ty CP Thủy lợi 2, Trại Phong của Thành phố, Dịch vụ khám chữa bệnh của Sư đoàn 312, Trạm y tế Sư đoàn 371, Phòng y tế sân bay Nội Bài. Ngoài ra còn có 3 phòng khám đa khoa, 4 phòng khám y học cổ truyền và nhiều phòng khám chuyên khoa, nhà thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Kinh tế

Nền kinh tế của huyện Sóc Sơn đã và đang có sự chuyển dịch đúng hướng, từ công nghiệp sang dịch vụ - du lịch – công nghiệp. Sóc Sơn đã có những cơ sở làm tiền đề cho công nghiệp, dịch vụ đó là khu công nghiệp Nội Bài, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sân golf BRG Legend Hill, sân golf Minh Trí, khu du lịch Hàm Lợn… Đến nay, huyện đã có thêm 2 khu, cụm công nghiệp quy mô 188 ha, thêm 3 cụm công nghiệp đang được quy hoạch và đầu tư.  Nông nghiệp chuyển đổi sang hướng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung với nhiều mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao, phát triển cả về quy mô và chủng loại. Huyện có nhiều làng nghề liên quan đến sản xuất nông nghiệp như làng trồng ngô, bán ngô bắp luộc, bắp non; làng trồng hoa nhài Phủ Lỗ, làng nghề mộc Xuân Dương, giặt bao tải và sơ chế Dược Hạ, tre trúc Thu Thủy, mây tre đan Xuân Dương.

du lịch hàm lợn

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 40km, Núi Hàm Lợn thuộc địa phận Sóc Sơn được nhiều bạn trẻ lựa chọn làm địa điểm để phượt, dã ngoại và cắm trại dịp cuối tuần.

Phát triển đô thị

Huyện Sóc Sơn có đô thị duy nhất là thị trấn Sóc Sơn với quy mô 81,9 ha. Đô thị này có vị trí khác đặc biệt khi nằm ngay trung tâm của huyện. Đô thị có sự phát triển lan tỏa theo các trục lộ, các đầu mối giao thông. Cụ thể, đô thị trung tâm phát triển mạnh theo hai hướng dọc quốc lộ 3 sang đất của xã Phù Linh và xã Tiên Dược, dọc theo trục đường tỉnh 131 sang đất của xã Tiên Dược.

Trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số khu vực có hình thái tiềm năng phát triển đô thị như ngã ba Thạch Lỗi, ngã ba Phù Lỗ, phố Nỉ… Trong vài năm trở lại đây, diện mạo Sóc Sơn đã có nhiều khởi sắc, hệ thống giao thông đô thị được cải thiện, mật độ giao thông phân bố tương đối đồng đều, liên hoàn và chất lượng. Nhiều công trình xây dựng cơ bản như các công trình phục vụ phúc lợi xã hội, trụ sở làm việc của cá cơ quan đã được cải tạo và xây dựng mới. Hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng đô thị, mạng lưới thông tin, dịch vụ ngân hàng, du lịch, thương mại, phát thanh… có nhiều đổi mới, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Trong khu vực thị trấn Sóc Sơn, nhà ở được xây dựng theo nhiều loại kiến trúc khác nhau, nhưng đa phần là nhà cấp 4 đã cũ, nhà tập thể xây dựng từ năm 1995, nhà mặt phố thường xây cao 2 tầng gắn với cửa hàng. Ngoài ra còn tồn tại nhà kiểu nông thôn như nhà 1 tầng mái ngói ở các khu vực chưa phát triển. Hệ số tầng bình quân mới chỉ đạt khoảng 1,5 tầng, bình quân đất ở đô thị là 320m2/hộ, tuy nhiên ở các khu vực nhà ở tập thể và nhà phố dọc theo trục lộ thì tỷ lệ này là 100m2/hộ.

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Sóc Sơn được xác định là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội với tính chất là đô thị phát triển về công nghiệp, dịch vụ hàng không và du lịch nghỉ dưỡng sinh thái.

Bất động sản huyện Sóc Sơn

Sóc Sơn sở hữu lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống cơ sở hạ tầng bứt phá, đặc biệt là quỹ đất rộng lớn với địa hình phong phú, từ đồng bằng cho đến đồi núi. Ngoài các dự án quy mô lớn đang và sẽ được triển khai như dự án trường đua ngựa Sóc Sơn, trường quay ngoài trời, khu công nghiệp Sạch,… Sóc Sơn còn có đất đai rộng lớn với địa hình phong phú, từ đồng bằng cho đến đồi núi. Việc kiếm một mảnh đất rộng vài héc ta ở Sóc Sơn khá dễ dàng. Chưa kể, với tổng diện tích khoảng 31.000 ha, trong đó mật độ dân số có 908 người/km2, chỉ bằng 1/35 quận Đống Đa. Với tiềm năng sẵn có, vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản Sóc Sơn đang có những bước tiến mạnh mẽ, giá đất cũng ngày một tăng và thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư. Loại hình bất động sản huyện Sóc Sơn hiện đang được giao dịch rầm rộ nhất là đất thổ cư, đất nền giá rẻ. Đặc biệt, từ khi có thông tin dự án tuyến đường vành đai 4 và dự án khu công nghiệp Sạch được đẩy mạnh triển khai, giá đất Sóc Sơn hà Nội đã được đẩy giá lên cao đáng kể.

Khánh An (tổng hợp)