Trong thời điểm giá cả bất động sản cũng như chi phí xây dựng tăng cao như hiện nay, không phải ai cũng có điều kiện xây những căn biệt thự khang trang, rộng rãi hay nhà ống nhiều tầng. Nhà cấp 4 là lựa chọn của không ít người có ngân sách hạn hẹp nhưng muốn sớm có ngôi nhà của chính mình.
Làm sao để xây được ngôi nhà cấp 4 với chi phí tiết kiệm nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng và công năng sử dụng? Cần chuẩn bị bao nhiêu tiền để xây nhà cấp 4? Cùng tham khảo bài viết này của TinNhaDatVN.Com để tính toán, dự trù kinh phí xây nhà cấp 4 chính xác nhất!
Nhà cấp 4 là lựa chọn của nhiều người có ngân sách khiêm tốn nhưng muốn sớm xây được ngôi nhà của mình.
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí xây nhà cấp 4
Trên thực tế, xây nhà cấp 4 hết bao nhiêu tiền là một câu hỏi không dễ giải đáp, vì nhà cấp 4 vốn rất đa dạng về kiểu dáng thiết kế nên mức giá xây dựng cũng tùy biến khác nhau. Ngoài ra, mức giá xây dựng của ngôi nhà cũng tùy thuộc vào từng địa phương, từng nhà thầu thi công. Do vậy, để kiểm soát chi phí xây nhà cấp 4 ở mức tiết kiệm nhất, bạn cần tính toán và cân nhắc thật kỹ các yếu tố liên quan như thiết kế, nhà thầu, vật tư,… để dự trù chính xác, không phát sinh thêm quá nhiều chi phí khi bước vào giai đoạn thi công. Sau đây là một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến chi phí xây nhà cấp 4.
- Vị trí đất xây dựng: Đây được coi là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới chi phí xây nhà. Đất ở vị trí như thế nào, có gần mặt đường lớn hay ở trong ngõ, hẻm chật chội? Nền đất rắn hay yếu, có cần gia cố móng hay không? Các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến các chi phí như nhân công, vận chuyển vật tư xây dựng, chi phí gia cố móng,…
- Thiết kế kiến trúc ngôi nhà: Nhà được thiết kế theo phong cách cổ điển hay hiện đại, xây tạm thời hay kiên cố, có thuê đơn vị thiết kế kiến trúc độc đáo, đặc biệt không? Dù là nhà cấp 4, nếu được xây theo phong cách cổ điển thì sẽ tốn nhiều công sức và vật liệu để tạo đường nét, phào chỉ, hoa văn cầu kỳ hơn so với kiểu nhà hiện đại, đơn giản. Tương tự, một ngôi nhà xây kiên cố sẽ cần đầu tư nhiều vào phần móng, tường, vật tư chất lượng cao để tạo ra phần khung chắc chắn hơn là một ngôi nhà tạm.
Thiết kế kiến trúc là một trong những yếu tố tác động đến chi phí xây nhà cấp 4.
- Thời điểm xây dựng: Nhà dự định xây vào mùa khô hay mùa mưa, có sẵn nhân công không? Thông thường, vào mùa mưa, việc thi công hay bị gián đoạn, quá trình xây nhà cũng gặp nhiều khó khăn hơn nên giá xây dựng sẽ có sự chênh lệnh so với mùa khô.
: Xây nhà vào thời điểm nào trong năm là tốt nhất?
- Giá vật liệu trên thị trường: Tùy từng địa phương nơi xây nhà, giá vật liệu có sự khác biệt cũng ảnh hưởng đến chi phí xây nhà nói chung.
2. Phương pháp dự toán chi phí xây nhà cấp 4
Để dự toán chi phí xây nhà nói chung, xây nhà cấp 4 nói riêng, người ta thường sử dụng 3 phương pháp phổ biến là:
- Tìm hiểu, tham khảo chi phí xây các công trình có nhiều nét tương đồng về vị trí, diện tích, thiết kế, thời điểm xây không quá xa thời điểm hiện tại để ước lượng chi phí dành cho ngôi nhà sắp xây. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phương pháp này có nhiều yếu tố dễ dẫn đến sai lệch nên kết quả ước tính chỉ nên dùng để tham khảo.
- Bóc tách dự toán dựa trên khối lượng xây dựng: Phương pháp này có sự chính xác cao nhưng chủ đầu tư sẽ tốn thêm chi phí thuê người có chuyên môn dự toán, thường là 0,02% trên tổng giá trị dự toán.
- Khoán gọn theo m2 xây dựng công trình: Phương pháp này được sử dụng phổ biến vì khá đơn giản, độ chính xác tương đối cao. Chỉ cần tính tổng diện tích cần xây dựng rồi nhân với đơn giá theo m2 của đơn vị thiết kế xây dựng là bạn đã có thể ước lượng chi phí sẽ phải bỏ ra cho ngôi nhà của mình.
3. Hướng dẫn cụ thể cách tính chi phí xây dựng nhà cấp 4
Tính tổng diện tích xây dựng
Thông thường, người ta sẽ tính tổng diện tích xây dựng theo m2 để làm cơ sở xác định chi phí thiết kế, chi phí xây thô và hoàn thiện trọn gói của ngôi nhà. Tùy từng nhà thầu sẽ có cách tính tổng diện tích xây dựng theo hệ số khác nhau. Dưới đây là cách tính cơ bản, khá thông dụng để bạn đọc TinNhaDatVN.Com cùng tham khảo:
- Phần móng:
- Thi công móng đơn: đã bao gồm trong đơn giá xây dựng
- Thi công móng cọc: 30% diện tích trệt
- Thi công móng băng 1 phương: 50% diện tích trệt
- Thi công móng băng 2 phương: 70% diện tích trệt
- Thi công móng bè: 100% diện tích trệt
- Phần sàn:
- Diện tích xây dựng có mái che: 100% diện tích tầng 1, 2, 3
- Diện tích xây dựng không có mái che: 50% diện tích sân phơi, sân thượng
- Phần mái:
- Mái tôn: 30%
- Mái ngói vì kèo sắt: 70%
- Mái ngói đổ bê tông cốt thép: 100%
- Sân trước và sân sau: 50%
- Khu vực cầu thang: 100%
Tổng chi phí xây dựng được tính như sau:
Tổng chi phí xây dựng = Chi phí móng Chi phí xây thô và hoàn thiện
Trong đó:
- Chi phí móng: Nếu xây nhà cấp 4 trên nền đất cứng, người ta thường dùng móng cọc vì ưu điểm giá rẻ, dễ thi công nên tiết kiệm cho phí hơn. Chi phí thi công móng cọc được tính như sau:
(Đơn giá x số lượng cọc x chiều dài cọc) Phí thi công cọc (Hệ số x diện tích sàn x đơn giá)
- Chi phí xây thô và hoàn thiện được tính như sau:
Tổng diện tích (theo hệ số) x đơn giá
Đơn giá xây dựng trên 1 m2 được tính tùy thuộc vào từng nhà thầu, vị trí xây dựng, vật liệu hoàn thiện. Dưới đây là đơn giá tham khảo dành cho độc giả, xin lưu ý chi phí thực tế có thể sẽ có sự chênh lệch.
- Đơn giá nhân công: 1,4-1,7 triệu đồng/m2
- Chi phí xây nhà cấp 4 phần thô hoàn thiện: 3,1 – 3,5 triệu đồng/m2
- Chi phí xây dựng nhà cấp 4 kiểu trọn gói:
- Vật tư trung bình: 5 triệu đồng/m2
- Vật tư khá: 5,5 triệu đồng/m2
- Vật tư tốt: 6 triệu đồng/m2
Ví dụ cụ thể cách tính chi phí xây nhà cấp 4
Nếu xây nhà cấp 4 trên nền đất 4 x 12,5 m, mái tôn, sử dụng vật tư trung bình, chi phí xây dựng sẽ được tính như sau:
- Tính diện tích xây dựng:
- Tầng trệt: 4 x 12,5 = 50 m2
- Mái tôn: 4 x 12,5 x 30% = 15m2
- Tổng diện tích xây dựng: 50 15 = 65m2
- Nhân với đơn giá xây dựng: 65m2 x 5 triệu đồng/m2 = 325 triệu đồng
Như vậy, ước tính chi phí xây dựng cho ngôi nhà này là 325 triệu đồng. Mức giá này đã bao gồm phần ốp lát và phần thô, chưa có thiết bị nội thất.
4. Kinh nghiệm xây nhà cấp 4 tiết kiệm nhất
Xây nhà cấp 4 hay bất cứ loại hình nhà ở nào khác đều cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát kỹ lưỡng để công trình xây lên đảm bảo các yêu cầu về công năng, chất lượng, độ an toàn với chi phí hợp lý. Dưới đây là một số kinh nghiệm xây nhà cấp 4 tiết kiệm chi phí nhất:
Để tiết kiệm chi phí, trước khi xây nhà cấp 4, gia chủ phải dành thời gian tìm hiểu, khảo sát kỹ lưỡng các vấn đề liên quan như thiết kế, giá cả vật tư,...
- Xác định rõ nhu cầu, mục đích xây nhà: Ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch xây nhà, bạn cần xác định rõ nhu cầu của mình định xây khoảng diện tích bao nhiêu, số lượng phòng ngủ, phòng vệ sinh, dự kiến sử dụng trong bao nhiêu năm,... để xây được ngôi nhà đáp ứng công năng, hợp lý nhất với nhu cầu sử dụng, tránh lãng phí.
- Có bản vẽ thiết kế nhà: Nhiều người cho rằng xây nhà cấp 4 đơn giản thì không cần bản thiết kế. Đây là một suy nghĩ sai lầm vì dù quy mô công trình nhỏ cũng cần có bản thiết kế cụ thể để dễ hình dung được ngôi nhà sau này cũng như dự toán chính xác chi phí cần chuẩn bị. Có bản vẽ thiết kế cũng là cách tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí trong quá trình xây nhà.
- Khảo sát thị trường vật liệu xây dựng: Quá trình xây nhà cần dùng số lượng lớn vật liệu xây dựng. Chỉ một chút chênh lệch trong giá vật tư cũng có thể tiêu tốn hoặc tiết kiệm cho bạn một khoản kha khá. Chính vì vậy, trước khi khởi công, hãy dành thời gian khảo sát thị trường, chọn đại lý cung cấp vật tư chất lượng đảm bảo với giá cạnh tranh nhất để góp phần tiết kiệm chi phí xây nhà.
Hương Liên (T.H)