Ai cũng biết xây nhà là việc trọng đại của đời người. Có rất nhiều yếu tố người xây nhà cần quan tâm để chuẩn bị cho quá trình thiết kế, thi công ngôi nhà mơ ước. Trong đó, lựa chọn được thời điểm tốt để đặt những viên gạch đầu tiên là một trong những tiền đề quan trọng giúp quá trình xây nhà diễn ra thuận lợi, an toàn, tiết kiệm chi phí.
1. Nên xây nhà vào mùa nào trong năm?
Lựa chọn thời điểm xây nhà tốt sẽ giúp quá trình thi công diễn ra thuận lợi, tiết kiệm chi phí.
Quá trình xây nhà thường kéo dài ít nhất vài tháng, thậm chí cả năm trời nên thời tiết chắc chắn là yếu tố không thể bỏ qua khi xem xét lựa chọn thời điểm xây nhà trong năm. Vậy nên xây nhà vào tháng mấy? Xây nhà mùa mưa hay mùa khô thì tốt hơn? Về vấn đề này, có hai luồng ý kiến trái chiều: một bên cho rằng nên xây vào mùa khô để thi công nhanh chóng, không bị gián đoạn, tiết kiệm thời gian, công sức; bên kia lại nói mùa mưa xây nhà sẽ tốt hơn vì công trình được đảm bảo về mặt kỹ thuật và chất lượng. Cả hai ý kiến này đều hợp lý. Dưới đây, TinNhaDatVN.Com sẽ phân tích chi tiết ưu, nhược điểm của từng mùa khi thi công xây nhà để độc giả quan tâm cùng tham khảo, cân nhắc.
Xây nhà vào mùa khô có ưu, nhược điểm gì?
- Ưu điểm
Có một điều dễ nhận thấy rằng xây nhà vào mùa khô sẽ giúp quá trình thi công diễn ra thuận lợi hơn, gia chủ tiết kiệm được thời gian, chi phí. Đơn cử, đổ bê tông khi tiết trời tạnh ráo thì bê tông sẽ nhanh khô hơn, từ đó đẩy nhanh được tiến độ thi công, không bị gián đoạn vì mưa lớn, không sợ ảnh hưởng đến bề mặt bê tông mới đổ. Thi công nhà ở vào mùa khô cũng sạch sẽ, tiện lợi hơn, hạn chế phát sinh chi phí lặt vặt.
- Nhược điểm
Vào mùa khô, đặc biệt là những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ cao dễ gây nứt do sự giãn nở không đều của bê tông. Chất lượng thi công bị ảnh hưởng, việc kiểm tra lỗi thi công như thấm, dột cũng khó thực hiện hơn. Ngoài ra, gia chủ cũng phải mất thêm công sức tưới nước thường xuyên để tránh thoát ẩm trên bề mặt bê tông.
Xây nhà vào mùa mưa có ưu, nhược điểm gì?
- Ưu điểm
Vào mùa mưa, những cơn mưa lớn sẽ làm đất mềm hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia cố nền móng, giúp ngôi nhà thêm vững chãi. Thời tiết mát mẻ, độ ẩm tăng lên cũng là điều kiện lý tưởng để bê tông thêm vững chắc. Không khí dễ chịu vào mùa mưa còn giúp việc thi công các công đoạn như đổ móng hay xây tô phía bên ngoài đỡ vất vả hơn, hạn chế bụi. Mùa mưa cũng giúp gia chủ tiết kiệm nước và công sức tưới bê tông sau khi đổ. Thêm vào đó, vào những ngày có mưa, gia chủ có thể ngay lập tức kiểm tra xem phần mái, tường có bị thấm, dột hay không, nếu có thì yêu cầu bên thi công nhanh chóng xử lý lỗi.
Mùa mưa gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhà ở nhưng cũng mang lại nhiều lợi thế đáng kể.
- Nhược điểm
Nếu quyết định xây nhà vào mùa mưa, gia chủ phải dự trù chi phí thi công cao hơn, thời gian thi công có thể bị kéo dài, gián đoạn vì điều kiện thời tiết xấu. Có trường hợp gia chủ khởi công nhà vào mùa mưa, suốt 2 tháng đầu chỉ thi công được 20 ngày, còn lại thợ phải nghỉ vì trời mưa lớn liên tục, kéo dài. Ngoài ra, mùa mưa cũng khiến việc vận chuyển, tập kết, bảo quản vật tư như sắt, thép, xi măng,… gặp nhiều khó khăn hơn.
Ở Việt Nam, trước đây đa phần người dân thường chọn mùa khô để xây nhà, tránh mùa mưa bão vì lo ngại những nhược điểm kể trên. Thông thường, các công trình nhà ở được khởi công nhiều nhất vào khoảng tháng 2, tháng 3 Âm lịch, khi mọi người đã ăn Tết xong và trở lại cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày. Lúc này, thời tiết ấm áp, không có mưa lớn, việc thi công gặp nhiều thuận lợi, có thể hoàn thành trước tháng 7 Âm lịch - tháng Ngâu hay tháng cô hồn với nhiều điều kiêng kị trong văn hóa truyền thống, cũng là mùa mưa bão nên nhiều người muốn tránh. Một thời điểm nữa cũng được nhiều người chọn để bắt đầu xây nhà là tháng 8, tháng 9 Âm lịch, khi lượng mưa đã giảm, thời tiết mát mẻ. Nếu quá trình thi công thuận lợi, đảm bảo tiến độ, gia chủ sẽ được đón Tết trong nhà mới.
Tuy nhiên, hiện nay, do nhu cầu xây dựng tăng, chất lượng vật tư và các điều kiện thi công, công cụ hỗ trợ cũng được cải thiện tốt hơn nên thời điểm xây nhà cũng linh hoạt hơn trước. Nhiều người vẫn tự tin chọn những tháng mùa mưa để khởi công xây nhà.
2. Xây nhà mùa mưa cần lưu ý những gì?
Nếu đã quyết định xây nhà vào mùa mưa, hãy chuẩn bị các điều kiện thi công một cách tốt nhất để quá trình xây nhà diễn ra thuận lợi, hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Dưới đây là những kinh nghiệm xây nhà mùa mưa do các kiến trúc sư chia sẻ để bạn đọc cùng tham khảo:
- Bảo quản vật tư trong mùa mưa bão
Để vật tư xây dựng không bị hư hại vì nước mưa, cần đảm bảo kho chứa vật tư luôn khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, có tường bao và mái che. Tất cả vật tư và thiết bị xây dựng, đặc biệt là xi măng, phải đặt cách mặt đất, được che phủ kỹ càng.
- Xử lý bê tông khi trời mưa
Khi xây nhà vào mùa mưa, trước khi đổ bê tông, cần có phương án che chắn để đề phòng trời mưa bất chợt.
Trước khi đổ bê tông, cần chuẩn bị sẵn những thứ có thể dùng làm mái che chắn bề mặt bê tông để đề phòng trời mưa bất chợt khi đang thi công. Khi có mưa, căn cứ vào lượng mưa thực tế, ta có thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng đến bê tông để đưa ra quyết định phù hợp. Nếu lượng mưa nhỏ, vẫn có thể tiếp tục thi công bình thường. Với lượng mưa vừa phải, nếu đang đổ bê tông cột và dầm thì phải che lại để hạn chế mưa làm rỗ mặt bê tông. Trường hợp trời mưa to thì phải dừng thi công, lưu ý xử lý mạch ngừng bê tông cho hợp lý, tránh ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình. Khi tạnh mưa, phải vệ sinh kỹ, đánh sờn bề mặt bê tông cũ, đục bỏ phần thừa, không đạt chất lượng rồi tưới nước xi măng lên, đảm bảo 2 lớp bê tông cũ và mới phải bám dính vào nhau.
- Lưu ý vấn đề chống thấm
Để tăng cường khả năng chống thấm cho tường nhà, nên dùng thêm một số loại phụ gia trộn trực tiếp với xi măng và vữa. Cách chống thấm thông dụng nhất hiện nay là dùng vữa, cát vàng, xi măng trộn với nước vôi hoặc cát trộn với xi măng. Tỷ lệ trộn tốt nhất là 3 phần cát 1 phần xi măng hoặc 4 phần cát 1 phần xi măng. Trong quá trình xây dựng, gia chủ hoặc người giám sát cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện vị trí thấm, dột, có biện pháp xử lý kịp thời. Về thiết kế, đối với kiểu nhà mái bằng bê tông, nên lợp thêm mái tôn phía trên, vừa chống nóng, vừa tạo độ dốc cho nước mưa chảy thoát đi, không bị ứ đong trên sàn mái, hạn chế hiện tượng thấm, dột.
3. Có nên đợi giá vật tư giảm mới xây nhà?
Đôi khi, việc chọn thời điểm xây nhà trong năm của nhiều người còn phụ thuộc vào biến động giá cả vật tư xây dựng trên thị trường. Đa phần những gia chủ này muốn tiết kiệm chi phí nên thường chờ đợi giá vật tư giảm với tâm lý tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Tuy nhiên, trên thực tế, hiếm khi nào tất cả các vật tư xây dựng đều đồng loạt tăng hay giảm cùng nhau. Ví dụ, khi giá gạch, ngói giảm thì giá xi măng, sắt, thép hay sơn lại lên giá hoặc ngược lại. Như vậy, chi phí xây nhà về tổng thể cũng không tiết kiệm được nhiều. Do đó, việc chờ đợi thời điểm vật tư xây dựng giảm giá để xây nhà chưa hẳn là quyết định sáng suốt, thậm chí gây ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch, thời gian và tiến độ thi công. Thay vào đó, ngay từ khi có kế hoạch xây nhà, bạn hãy dành thời gian tìm hiểu, khảo sát để có thể lựa chọn những loại vật liệu chất lượng, bền chắc, phù hợp với ngân sách dự trù cho công trình chứ không nên đợi chờ giá cả xuống thì mới mua.
TinNhaDatVN.Com hi vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc về thời điểm xây nhà, có nên xây nhà vào mùa mưa không của mình. Chúc bạn đọc sớm đưa ra quyết định đúng đắn, xây lên ngôi nhà mơ ước một cách suôn sẻ, an toàn với chi phí hợp lý nhất!
Hương Liên (T.H)
>> Quy trình xây nhà từ A-Z và những kinh nghiệm đắt giá cho người sắp xây nhà
>> Cách xây nhà tiết kiệm chi phí nhất: 5 kinh nghiệm không phải ai cũng biết