Lấn chiếm đất là gì? Hành vi lấn chiếm đất bị xử lý thế nào?

Lấn, chiếm đất đai là một trong những hành vi làm phát sinh tranh chấp rất phức tạp và khó giải quyết. Vậy hành vi này được biểu hiện cụ thể như thế nào, thủ tục giải quyết ra sao và cơ quan nào có thẩm quyền xử lý?

1. Tổng quan về lấn chiếm đất
 

Cơ sở pháp lý điều chỉnh các vấn đề về lấn chiếm đất

- Luật Đất đai 2013

- Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012

- Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019.

Lấn chiếm đất là gì?

Khái niệm lấn chiếm đất (bao gồm hành vi lấn đất và chiếm đất) được giải thích cụ thể tại Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP như sau: Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

Trong khi đó, chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong 4 trường hợp sau:

- Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép.

- Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép.

- Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình/cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp).

- Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

2 người đang đứng tranh chấp với nhau về mảnh đất
Hành vi lấn, chiếm gây ra các tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai. Ảnh minh họa: Internet

Như vậy, lấn đất tức là hành vi có dấu hiệu dịch chuyển, thay đổi ranh giới, mốc giới của thửa đất trên thực tế so với diện tích được quy định trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, chiếm đất thường là những hành vi sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc giao quyền sử dụng. Dù là lấn hay chiếm đất đai thì các hành vi này đều gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người khác, trật tự an toàn xã hội cũng như tạo tiền lệ xấu cho người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

2. Quy định về việc xử phạt hành vi lấn chiếm đất

Căn cứ Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP, nếu cá nhân/tổ chức nào thực hiện hành vi lấn hoặc chiếm đất thì đều sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt cụ thể được quy định như sau:

Biểu hiện hành vi lấn chiếm đất

Mức xử phạt hành chính

Lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất

1 - 3 triệu đồng

Lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định này)

3 - 5 triệu đồng

Lấn, chiếm đất ở

5 - 10 triệu đồng

Lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình

Thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật…


Thời hiệu xử phạt hành chính với hành vi lấn chiếm đất

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 6 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai là 2 năm. Cũng theo Điều 65 của Luật này, khi đã hết thời hiệu xử phạt, cơ quan có thẩm quyền không được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn có thể ra quyết định tịch thu hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Một số biện pháp khắc phục hậu quả có thể kể đến như:

- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm lấn, chiếm. UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm lấn, chiếm đất đai.

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định mà có được do hành vi lấn/chiếm.

- Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng/cho thuê đất không đúng quy định pháp luật; chấm dứt hợp đồng mua/bán/cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định...

3. Một số trường hợp đất lấn chiếm có thể được cấp sổ đỏ
 

Đất lấn chiếm thuộc hành lang an toàn công trình công cộng

Theo Khoản 1 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, chỉ trường hợp đất lấn chiếm mà hiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xác định là không thuộc quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng thì mới được xem xét cấp sổ đỏ. Còn nếu hiện tại đất lấn chiếm vẫn thuộc quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng từ trước đã được phê duyệt thì phần đất lấn chiếm này sẽ bị Nhà nước thu hồi.

Để xác định xem đất lấn chiếm có thuộc quy hoạch sử dụng hay quy hoạch xây dựng hay không thì người sử dụng đất có thể tới UBND cấp xã để hỏi thông tin cụ thể.

Đất lấn chiếm thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng

Theo Điểm a và c Khoản 2 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, đối với đất lấn chiếm mà không thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng/phòng hộ hay quy hoạch xây dựng khác thì tùy vào mục đích sử dụng hiện nay của người sử dụng đất để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc sẽ được giao khoán bảo vệ, phát triển rừng.

Trường hợp đặc biệt, nếu lấn chiếm đất kể từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014, đất đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp và hiện nay được giao cho nông trường, lâm trường quản lý, sử dụng thì phần đất đó sẽ bị thu hồi.

Đất lấn chiếm thuộc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội

Theo điểm b Khoản 3 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, nếu đất lấn chiếm chưa sử dụng mà không thuộc quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội hay quốc phòng an ninh thì sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND cấp tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất đối với những trường hợp này.  

Linh Phương

>> Phân biệt tranh chấp đất đai với tranh chấp liên quan đến đất đai

>> Thủ tục khiếu nại khi diện tích đất trên sổ đỏ và thực tế khác nhau