Bố mẹ anh Nam đứng tên sổ đỏ một thửa đất 500m2 tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh. Ông bà có 2 người con là anh Nam (26 tuổi) và chị Xuân (30 tuổi). Anh Nam đang sống cùng với bố mẹ tại căn nhà và diện tích đất nêu trên, còn người chị gái sống và làm việc tại Hà Nội. Hiện bố mẹ anh Nam muốn chuyển nhượng cho con trai toàn bộ phần tài sản nhà đất nhưng chị Xuân không đồng ý, dọa sẽ kiện để đòi quyền lợi chính đáng cho mình. Theo quy định của pháp luật, chị Xuân có quyền làm thế hay không?
Bố mẹ chỉ tặng cho đất đai duy nhất 1 người con, những người con còn lại có quyền khởi kiện để đòi quyền lợi? Ảnh minh họa: Internet
- 1. Chị Xuân có được quyền khởi kiện để đòi chia đất?
Thắc mắc của anh Nam được Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TGS (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) tư vấn như sau:
Bố mẹ anh Nam cùng đứng tên trên sổ đỏ thửa đất nên đây sẽ là tài sản thuộc sở hữu chung của cả 2 ông bà (Theo Điều 213 Bộ luât dân sự năm 2015). Tức là, bố và mẹ anh Nam có quyền ngang nhau và cũng có thể thỏa thuận/ủy quyền cho nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt mảnh đất đó.
Mặt khác, Khoản 2 Điều 160 Bộ luật dân sự năm 2015 nêu rõ: Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Khoản 1 Điều 167 Luật đất đai 2013 cũng quy định: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Đối chiếu với các quy định trên, việc bố mẹ anh Nam đều đồng thuận tặng hết quyền sử dụng đất cho anh Nam là điều hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật. Điều đó có nghĩa, chị gái anh Nam hay bất kỳ ai cũng không có quyền ngăn cản việc ông bà thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản của họ như trên. Tuy nhiên, ông bà và anh Nam cần lưu ý, với tài sản tặng cho là quyền sử dụng đất là tài sản phải đăng ký quyền sử dụng thì theo quy định của Luật đất đai, khi chuyển quyền sử dụng cần phải lập Hợp đồng tặng cho có công chứng tại Văn phòng công chứng, sau đó mới có thể thực hiện thủ tục sang tên.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Luật TGS) tư vấn về trường hợp của chị Xuân.
- 2. Thủ tục công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất
Theo Điều 40 Luật Công chứng 2014, thủ tục công chứng tặng cho quyền sử dụng đất được thực hiện qua quy trình 3 bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng
Hồ sơ cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ quan trọng gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng với những thông tin chính như họ tên và địa chỉ của người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ công chứng...
- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Dự thảo hợp đồng giao dịch/chuyển nhượng/tặng cho quyền sử dụng đất.
Bước 2: Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra giấy tờ
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, công chứng viên cần trả lại và giải thích lý do để người dân biết. Trường hợp đã đầy đủ thì thụ lý hồ sơ, ghi vào sổ công chứng. Công chứng viên có trách nhiệm giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp cũng như những ý nghĩa/hậu quả pháp lý có thể xảy ra khi họ tham gia hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất.
Bước 3: Thực hiện công chứng
Công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng, nếu không có gì cần sửa đổi/bổ sung (đồng ý với toàn bộ nội dung) thì sẽ ghi lời chứng và ký vào từng trang của hợp đồng. Lưu ý, thời hạn công chứng được tính kể từ ngày công chứng viên thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng cho đến ngày trả kết quả công chứng (không quá 2 ngày làm việc).
Mức thu phí công chứng khi thực hiện hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, ví dụ với giá trị hợp đồng giao dịch trong khoảng 1 - 3 tỷ đồng, thì lệ phí công chứng hợp đồng được tính theo công thức: (01 triệu đồng 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng).
Linh Phương