8 câu hỏi thường gặp khi làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ

Làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ là nghĩa vụ của mỗi công dân khi chuyển đến sinh sống và làm việc ở địa chỉ mới. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ được tầm quan trọng cũng như các bước đăng ký tạm trú cho người thuê trọ. Trong bài viết dưới đây, TinNhaDatVN.Com sẽ tư vấn cho các bạn tất cả những thông tin về thời điểm, hồ sơ, thủ tục và lệ phí đăng ký tạm trú cho người ở trọ.

1. Đăng ký tạm trú là gì?

Tạm trú là chỉ địa điểm mà công dân sinh sống hợp pháp ngoài địa chỉ đã đăng ký thường trú, tạm trú từ trước. Địa điểm này thường chỉ là nơi công dân sinh sống một thời gian nhất định và có lý do hợp pháp.

Hoạt động đăng ký tạm trú là chỉ việc công dân đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương mới để làm thủ tục xin cấp Sổ tạm trú.

Thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ hiện nay
Sau khi đăng ký tạm trú thì công dân sẽ được cấp Sổ tạm trú

Theo điều 30 Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung năm 2013 thì đăng ký tạm trú là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân. Khi các công dân thực hiện hoạt động này không chỉ góp phần giúp Nhà nước quản lý công dân và đảm bảo an ninh xã hội tốt hơn mà còn là tự bảo vệ quyền lợi của mình. Về thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ, chúng tôi sẽ cung cấp chi tiết ở phần cuối của bài viết.

2. Có những loại đăng ký tạm trú nào?

Hiện nay ngoài thuật ngữ KT1 là để chỉ địa chỉ đăng ký thường trú trong Sổ hộ khẩu của công dân thì còn có 3 loại thuật ngữ chỉ nơi đăng ký tạm trú như sau:

  • KT2: chỉ trường hợp tạm trú dài hạn (thường trên 6 tháng) cùng thuộc một tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc trung ương) với địa chỉ thường trú (KT1) của công dân đó.
  • KT3: chỉ trường hợp tạm trú dài hạn (thường trên 6 tháng) khác tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc trung ương) đối với địa chỉ thường trú (KT1) của công dân đó.
  • KT4: chỉ trường hợp tạm trú ngắn hạn (thường là mục đích du lịch, thăm viếng,...) khác tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc trung ương) đối với địa chỉ thường trú (KT1) của công dân đó.

Theo Thông tư 35/2014/TT-BCA, tất cả các cá nhân hoặc hộ gia đình đã thực hiện đăng ký tạm trú thành công tại địa phương đều được cơ quan có thẩm quyền cấp Sổ tạm trú. Sổ này có giá trị xác định nơi tạm trú của bạn, tuy nhiên thường thì Sổ tạm trú chỉ có thời hạn trong vòng 24 tháng. Khi Sổ tạm trú hết thời hạn bạn có thể quay lại cơ quan có thẩm quyền để xin tiếp tục tạm trú.

3. Khi nào tôi cần làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ?

Theo Luật Cư trú đã sửa đổi, bổ sung thì nếu bạn đã thuê trọ ở địa chỉ mới ngoài địa chỉ đăng ký thường trú thì trong vòng 30 ngày bạn cần đăng ký tạm trú. Thông thường bạn sẽ cần đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc tương đương để yêu cầu được thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú.

Bạn cần đăng ký tạm trú trong vòng 30 ngày kể từ khi chính thức sống và sinh hoạt tại địa chỉ mới
Bạn cần đăng ký tạm trú trong vòng 30 ngày kể từ khi chính thức sống và sinh hoạt tại địa chỉ mới

4. Đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của chủ trọ hay người thuê?

Trên thực tế khi đi thuê trọ thì chủ trọ sẽ là người chủ động liên hệ để đăng ký tạm trú cho khách thuê. Lý do là vì chủ trọ sẽ quen thuộc với cơ quan Công an địa phương đó hơn.

Tuy nhiên, theo đúng Luật Cư trú thì việc đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của công dân đi thuê nhà chứ không nhất thiết phải là chủ nhà. Vì vậy, nếu chủ trọ từ chối hoặc kéo dài thời gian đăng ký tạm trú cho bạn vì lý do nào đó thì bạn cần chủ động tự đăng ký tạm trú cho mình.

Nếu bạn và chủ trọ đều không chủ động thực hiện nghĩa vụ đăng ký tạm trú thì cả hai sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề do TinNhaDatVN.Com thực hiện:

5. Không đăng ký tạm trú thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

Cán bộ hoặc công an xã và tương đương được giao quản lý cư trú tại địa phương đó sẽ kiểm tra cư trú định kỳ, đột xuất hoặc phối hợp kiểm tra do yêu cầu giữ an ninh chung. Như vậy bạn có thể hiểu rằng công an khu vực có thể kiểm tra cư trú tại địa phương bất kỳ lúc nào và có quyền xử phạt hành chính nếu thấy vi phạm. Mức xử lý như sau:

  • Cá nhân hoặc chủ trọ không thực hiện đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh trong sổ Tạm trú bị phạt từ 100 - 300 nghìn đồng.
  • Cá nhân hoặc chủ trọ cổ tình làm sai lệch nội dung Sổ tạm trú hoặc giấy tờ liên quan đến cư trú bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
  • Cá nhân hoặc chủ trọ cố tình khai man hoặc giả mạo giấy tờ cư trú, Sổ cư trú sẽ bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng.

Mức phạt khi không đăng ký tạm trú từ 100 ngàn đến 4 triệu đồng
Mức phạt khi không đăng ký tạm trú từ 100 ngàn đến 4 triệu đồng

6. Thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ quốc tịch Việt Nam

Nắm được các thông tin bao gồm hồ sơ, quy trình, thủ tục và lệ phí đăng ký tạm trú cho người ở trọ để chuẩn bị trước là cần thiết, nhằm tiết kiệm thời gian, công sức khi thực hiện.

Chuẩn bị hồ sơ

Để có thể thực hiện đăng ký tạm trú tại bất cứ địa phương nào bạn cũng cần một bộ hồ sơ cơ bản như sau:

  • Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân photo công chứng. Trong trường hợp bạn đang báo mất Chứng minh thư và chờ cấp lại thì cần giấy xác nhận của Công an xã hoặc tương đương tại nơi bạn đăng ký thường trú.
  • Các giấy tờ chứng minh bạn đang có chỗ ở hợp pháp trên địa bàn của địa phương đó. Bạn sẽ không cần loại tài liệu này nếu bạn được một công dân đã có Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú còn thời hạn tại địa phương cho đăng ký tạm trú tại địa chỉ của họ.
  • Bản khai nhân khẩu theo mẫu hiện hành.

Lưu ý nếu bạn thuê trọ theo diện ở chung với chủ nhà thì cần được chủ trọ đồng ý cho đăng ký tạm trú tại địa chỉ của họ và họ cũng cần xác nhận vào phiếu khai nhân khẩu của bạn.

Nộp hồ sơ

Bạn chỉ cần đến Công an xã, phường hoặc tương đương để nộp bộ hồ sơ nói trên. Trưởng Công an xã, phường hoặc tương đương có nghĩa vụ phải xem xét và cấp Sổ tạm trú cho bạn trong vòng 3 ngày làm việc kể từ lúc xác nhận hồ sơ đã đủ thành phần. Lưu ý 3 ngày không tính thứ bảy và chủ nhật.

Bạn có thể nộp hồ sơ tạm trú tại Công an xã, phường hoặc tương đương
Bạn có thể nộp hồ sơ tạm trú tại Công an xã, phường hoặc tương đương

Sau 24 tháng thời hạn của Sổ tạm trú bạn sẽ cần quay lại Công an xã, phường hoặc tương đương để yêu cầu gia hạn tạm trú nếu vẫn sinh sống trên địa bàn đó. Kinh nghiệm là bạn nên quay lại trước khi hết thời hạn tạm trú khoảng 1 tháng để đảm bảo các quyền lợi của mình khi sống tại đây.

Nếu Sổ tạm trú của bạn bị mất hoặc rách, hỏng thì có thể đến cơ quan Công an tại địa phương để xin cấp lại.

Nộp lệ phí theo quy định

Lệ phí đăng ký tạm trú và xin cấp Sổ tạm trú là khoản thu theo nghĩa vụ đối với các công dân. Theo đó:

  • Khi bạn đăng ký tạm trú chưa bao gồm Sổ tạm trú sẽ thu không quá 15 nghìn đồng/lần.
  • Khi bạn xin cấp mới hoặc cấp lại Sổ tạm trú thì thu không quá 20 nghìn đồng/lần.
  • Đính chính lại các thay đổi thuộc Sổ tạm trú theo yêu cầu của công dân không thu quá 8 nghìn đồng/lần.
  • Miễn phí khi cấp Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn lần đầu.
     

7. Thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ là người nước ngoài

Đối với người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam và cư trú lại thì người quản lý hoặc chịu trách nhiệm tại cơ sở lưu trú cần hỗ trợ khai báo tạm trú. Cơ sở tạm trú ở đây có thể là khách sạn, khu ký túc xá, nhà ở, cơ sở khám, chữa bệnh,... Cơ quan có thẩm quyền xử lý hồ sơ tạm trú tạm vắng vẫn là Công an xã, phường hoặc tương đương.

Có hai cách cơ bản để khai báo tạm trú cho đối tượng là người nước ngoài:

Cách 1: Khai báo qua mạng

Bạn cần truy cập vào website chính thức của đơn vị quản lý xuất nhập cảnh tại địa phương theo cú pháp: https://tentinh.xuatnhapcanh.gov.vn. Lưu ý, “Tentinh” là tên chính thức của tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương mà bạn đang cư trú.

Sau khi truy cập thành công bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn để tạo tài khoản khai báo tạm trú. Lưu ý tại đây bạn sẽ tạo tài khoản của bạn (là 1 công dân Việt Nam hợp pháp) chứ không phải tài khoản đứng tên công dân người nước ngoài. Sau khi bạn tạo tài khoản thành công thì nhập thông tin tạm trú của công dân nước ngoài vào mục “Quản lý khách”.

Đăng ký tạm trú cho người ở trọ qua mạng
Nhập một số thông tin cá nhân trước khi đăng ký tạm trú

Sau khi bạn đã hoàn thành các thông tin bắt buộc dành cho khách thì chỉ cần chọn “Lưu thông tin”. Lúc này thông tin người nước ngoài bạn đăng ký đã được cập nhật thành công lên hệ thống. Khi khách đã rời đi thì bạn chỉ cần truy cập lại vào tài khoản để xóa thông tin đi.

Cách 2: Khai báo bằng Phiếu

Bạn lấy tư cách là đại diện của nơi cư trú dành cho người nước ngoài liên hệ với Công an xã, phường hoặc tương đương để lấy Phiếu khai báo tạm trú.

Bạn nên hỗ trợ công dân người nước ngoài hoàn thành phiếu trên và chuyển đến Công an xã, phường hoặc tương đương trong vòng 12 giờ đồng hồ. Nếu bạn đang ở vùng sâu, vùng xa thì thời hạn này có thể nới lỏng thành 24 giờ đồng hồ. Trong các trường hợp không có khả năng gửi Phiếu khai báo về Công an đúng hạn thì bạn nên fax hoặc thông báo bằng điện thoại cho trực ban tại cơ quan đó.

8. Đăng ký tạm trú thành công có thể bị hủy bỏ hay không?

Công an xã, phường hoặc tương đương có quyền xóa tên của bạn trong sổ đăng ký tạm trú chung của khu vực trong các trường hợp sau đây:

  • Người đã đăng ký tạm trú mất tích hoặc qua đời.
  • Người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống tại địa phương từ 6 tháng trở lên.
  • Người đã đăng ký tạm trú nhưng không làm thủ tục gia hạn sau 1 tháng hết hạn tạm trú.
  • Người đã đăng ký tạm trú nhưng chuyển sang đăng ký thường trú.
  • Người đã đăng ký tạm trú nhưng có quyết định hủy tư cách tạm trú từ cơ quan có thẩm quyền.

Trên đây là một số tư vấn của TinNhaDatVN.Com liên quan đến thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ. Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào về thủ tục trên có thể liên hệ trực tiếp với Công an xã, phường hoặc các cấp tương đương để nhận được tư vấn và hỗ trợ nhé!

Hà Linh