Vị trí
Quận Cầu Giấy nằm ở phía Tây thành phố Hà Nội, với tổng diện tự nhiên là 1,44km2, dân số 292.536 người (năm 2020). Địa giới hành chính tiếp giáp như sau:
- Phía Bắc giáp: Quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm.
- Phía Nam giáp: Quận Thanh Xuân.
- Phía Tây giáp: Quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
- Phía Đông giáp: Quận Đống Đa, quận Ba Đình, quận Tây Hồ
Với vị trí tiếp giáp trung tâm hành chính quận Ba Đình, có hệ thống giao thông đối ngoại thuận tiện mà Cầu Giấy có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh nền kinh tế - xã hội.
Bản đồ hành chính quận Cầu Giấy Hà Nội.
Địa giới hành chính
Quận Cầu Giấy được chia thành 8 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, đó là các phường: Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Quan Hoa, Nghĩa Tân, Nghĩa Đô, Mai Dịch, Yên Hòa, Trung Hòa.
Lịch sử
Cầu Giấy trước đây là một phần của huyện Từ Liêm, Quốc Oai, Sơn Tây. Thời nhà Nguyễn năm 1831, Cầu Giấy thuộc phủ Hoài Đức, Hà Nội. Sau giải phóng Thủ đô năm 1954, Cầu Giấy thuộc quận VI. Năm 1961, Hà Nội mở rộng địa giới, xóa bỏ các quận, lập ra 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành. Khi đó, huyện Từ Liêm được tái lập, gồm đất hai quận V và VI.
Ngày 22/11/1996, Chính phủ ra Nghị định 74-CP thành lập quận Cầu Giấy trên cơ sở 4 thị trấn: Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Cầu Giấy và 3 xã Trung Hòa, Dịch Vọng, Yên Hòa của huyện Từ Liêm, đổi tên thị trấn Cầu Giấy thành phường Quan Hoa. Như vậy, khi mới thành lập, Cầu Giấy có 7 phường là Yên Hòa, Quan Hoa, Trung Hòa, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Dịch Vọng, Mai Dịch.
Ngày 5/1/2005, thành lập phường Dịch Vọng Hậu trên cơ sở tách diện tích và dân số của phường Quan Hoa, phường Dịch Vọng. Kể từ đó, Cầu Giấy có 8 phường như hiện nay.
Về kinh tế
Là một quận nội thành, sở hữu hệ thống giao thông khá phát triển nên Cầu Giấy có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của Hà Nội. Nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hoạt động thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư. Tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 70,01%, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 29,99%, tỷ trọng nông – lâm ngư nghiệp bằng 0%. Hệ thống chợ dân sinh, trung tâm thương mại và hệ thống các siêu thị được quận đầu tư tương đối hoàn chỉnh.
Cầu Giấy còn là quận duy nhất của Hà Nội có khu công nghệ thông tin tập trung, thu hút 415 năm doanh nghiệp với hơn 20.000 lao động, trong đó có gần 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin tại Việt Nam. Trong năm qua, kinh tế quận tiếp tục duy trì ổn định và có bước tăng trưởng ấn tượng. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng tăng trưởng về số lượng, quy mô và chất lượng. Trên địa bàn quận Cầu Giấy có sự hiện diện của một số tập đoàn công nghệ, nhà phát triển bất động sản lớn như: Vimeco, Sun Group, Vinaconex, Tân Hoàng Minh, FPT, Viettel…
Hạ tầng
Cầu Giấy có 3 tuyến đường huyết mạch chạy qua gồm: Trục Trần Thái Tông – Nguyễn Phong Sắc – Hoàng Quốc Việt; trục Trần Duy Hưng kết nối trung tâm với Đại lộ Thăng Long; trục Cầu Giấy – Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu kết nối với quốc lộ 32. Đây đều là các tuyến đường lớn, hiện đại. Ngoài ra còn có tuyến đường sắt trên cao Nhổn – Ga Hà Nội đang được gấp rút xây dựng; trục Phạm Văn Đồng – Vành đai 3 kết nối nội thành và các tuyến tỉnh.
Đường phố khu Nghĩa Tân, Cầu Giấy.
Các công trình công cộng tương đối đầy đủ như hệ thống các trường đại học, công viên lớn, hệ thống y tế, bệnh viện đầu ngành. Bên cạnh đó, Cầu Giấy còn thừa hưởng hệ thống hạ tầng khu vực phía Tây, bao gồm: tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương, đại lộ Thăng Long cùng các dự án đang triển khai như tuyến metro số 2A, số 3, vành đai 3.5 hay siêu dự án đường vành đai 4 đang được hoàn thiện. Hiện quận đang tiếp tục kế hoạch thu hồi đất phục vụ các dự án mở đường, gồm: tuyến từ đường Cầu Giấy đến vành đai 2.5, tuyến Đặng Thùy Trâm kéo dài đến Trần Quốc Hoàn, mở rộng ngõ 382 Nguyễn Khang
Các dự án đường sắt đi qua: tuyến số 3 (Tây Sơn – Nhổn – Yên Sở), tuyến số 4 (Liên Hà – Bắc Thăng Long), tuyến số 8 (An Khánh – Dương Xá). Trong đó, tuyến số 3 hiện đang thi công đoạn Nhổn – Ga Hà Nội.
Các tuyến xe buýt hoạt động: BRT01, 05, 07, 09A, 09A CT, 09B, 12, 13, 14, 14B CT, 16, 20A, 21B, 22A, 22B, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 32, 33, 34, 35A, 38, 39, 44, 45, 46, 49, 50, 51, 53A, 53B, 55A, 55B, 60A, 60B, 61, 64, 68, 84, 85, 87, 88, 90, 96, 97, 103A, 103B, 104, 105, 107, 109, CNG01, CNG03, E01, E03, E05. Các điểm đầu cuối và trung chuyển: điểm trung chuyển Cầu Giấy, điểm trung chuyển Hoàng Quốc Việt, bến xe Mỹ Đình, công viên Nghĩa Đô, công viên Cầu Giấy, học viện Tư pháp.
Bệnh viện
Quận Cầu Giấy có nhiều bệnh viện đầu ngành của cả nước: Bệnh viện E, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội, bệnh viện 19-8 Bộ Công an, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương.
Công sở
Các cơ quan Nhà nước trên địa bàn quận: Sở Công thương Hà Nội, Cục Đăng kiểm, Cục Đường sông, Cục Hàng hải, Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dân số, Tổng cục Đường bộ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên Môi trường.
Công viên
- Công viên Cầu Giấy
- Công viên Nghĩa Đô
Giáo dục
Trên địa bàn quận Cầu Giấy có hơn 80 cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ. Có thể kể đến một số trường đại học và viện nghiên cứu tiêu biểu: Học viện Báo chí và tuyên truyền, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, trường đại học Ngoại ngữ, trường Đại học lao động – xã hội, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Sư phạm hà Nội, Học viện Quốc phòng, Đại học Sân Khấu và Điện Ảnh Hà Nội, Học viện Múa Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Đại học Thương Mại, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga...
Một số trường THPT nổi tiếng: Trường THPT Nguyễn Siêu, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường THPT Lý Thái Tổ, trường THPT Cầu Giấy, trường THPT Yên Hòa, trường THPT Nguyễn Tất Thành, trường THPT Lương Thế Vinh, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm hà Nội, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam…
Phát triển đô thị
So với các quận nội thành cũ, Cầu Giấy có lợi thế về quỹ đất cho chỉnh trang và phát triển đô thị (đất giải phóng mặt bằng, đất nông nghiệp và đất đã được thu hồi). Hệ thống hạ tầng đô thị ngày càng hoàn thiện cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh. Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn quận Cầu Giấy diễn ra nhanh chóng, bộ mặt đô thị thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh, góp phần tô điểm cho cửa ngõ phía Tây của vùng lõi Hà Nội với nhiều khu đô thị mới, nhiều công viên xanh mang tầm cỡ quốc gia, nhiều tuyến đường đẹp được xây dựng, mở rộng…
Các khu đô thị thuộc địa phận quận Cầu Giấy
- Khu đô thị Dịch Vọng
- Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính
- Khu tập thể Nghĩa Tân
- Khu đô thị Yên Hòa
- Khu đô thị Trung Yên
- Khu đô thị Nam Trung Yên
- Khu đô thị Cầu Giấy
- Khu đô thị Nghĩa Đô
- Khu đô thị An Sinh Hoàng Quốc Việt
- Khu đô thị Constrexim Complex Dịch Vọng
- Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng
- Khu đô thị Vimeco II
- Khu đô thị Mai Dịch
- Khu đô thị Mandarin Garden
Tuy vậy, do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đô thị với tốc độ cao, Cầu Giấy đang phải đối mặt với dòng người nhập cư từ các quận khác của Hà Nội cũng như từ các tỉnh, thành khác. Tốc độ tăng dân số cơ học cao gây sức ép đối với công tác quản lý xã hội và môi trường khu vực. Mặt khác, do đặc thù các khu dân cư trên địa bàn Cầu Giấy đã hình thành từ lâu đan xen với các khu đô thị hiện đại tạo nên bộ mặt kiến trúc đô thị chưa hài hòa.
Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.
Thị trường bất động sản quận Cầu Giấy
Cầu Giấy cùng với khu vực phía Tây thủ đô từ lâu là nơi tập trung nhiều cơ sở hạ tầng đa dạng, nhiều tiện ích, giao thông kết nối linh hoạt. Cầu Giấy cũng có nhiều trụ sở, văn phòng làm việc, công ty, gần chợ, trung tâm thương mại, trường học và bệnh viện. Đặc biệt, trong tương lai, sự hiện diện của Đại sứ quán Mỹ trên địa bàn phường Yên Hoà với quy mô 3,2 ha sẽ giúp thị trường bất động sản Cầu Giấy càng trở nên hấp dẫn người dân và nhà đầu tư. Trong đó, phân khúc căn hộ tầm trung và cao cấp đang là tâm điểm của thị trường. Đặc biệt, lượng sản phẩm từ 2-3 tỷ rất đa dạng. Phân khúc căn hộ cao cấp thường phân bổ ở các vị trí trung tâm, gần đường lớn, gần tiện ích, có chất lượng môi trường sống tốt, giá dao động từ 40-60 triệu đồng/m2. Đơn cử, căn hộ 3 phòng ngủ 95m2 thuộc dự án Tràng An Complex (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) đang được rao bán trên TinNhaDatVN.Com với giá 4,05 tỷ, tương đương khoảng 42,6 triệu/m2. Gần đây, nguồn cung căn hộ chung cư đến từ các dự án mới mở bán ở Cầu Giấy đang có xu hướng chậm lại và bước vào giai đoạn thiếu hụt do quỹ đất ở địa bàn không còn nhiều, cùng với sự ảnh hưởng chung của thị trường do dịch Covid-19 và chính sách hạn chế phát triển nhà ở cao tầng trong khu vực nội đô của thành phố.
Cầu Giấy còn là một trong những khu vực có lượng tìm kiếm nhà mặt phố nhiều nhất cho mục đích kinh doanh và nhu cầu về nhà ở. Hiện giá nhà phố Cầu Giấy đã thiết lập mặt bằng giá khá cao so với các quận còn lại ở phía Tây Hà Nội như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông. Nhà phố tại các tuyến đường lớn, sầm uất của quận như Cầu Giấy, Trần Duy Hưng, Nguyễn Khánh Toàn… đều giữ mức giá cao ngất ngưởng, dao động từ 220 – 480 triệu/m2. Chẳng hạn, nhà phố 112m2 6 tầng có thang máy, mặt tiền 4m trên phố Trần Duy Hưng hiện đang được rao bán với giá 25 tỷ đồng, tương đương 223 triệu/m2.
Cầu Giấy cũng là quận có nguồn cung văn phòng lớn nhất tại Hà Nội với giá cả, vị trí và diện tích đa dạng. Lợi thế của các tòa văn phòng hạng A ở Cầu Giấy là được xây dựng sau, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của khách thuê trong mảng công nghệ thông tin. Giá thuê văn phòng quận Cầu Giấy luôn thấp hơn so với các quận lân cận khoảng 20% khi so sánh những tòa nhà cùng chất lượng. Cụ thể, giá cho thuê sàn văn phòng hạng A từ 12-20 USD/m2/tháng, giá thuê sàn văn phòng hạng B từ 9-13 USD/m2/tháng, giá thuê sàn văn phòng hạng C từ 8-13 USD/m2/tháng.
Khánh An (tổng hợp)