UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để đáp ứng nhu cầu lưu thông và đồng bộ với kế hoạch xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55km. Dự án có vốn đầu tư 20.600 tỷ đồng, nối TP.HCM với Đồng Nai. Điểm đầu tuyến nằm tại nút giao An Phú, quận 2, TP.HCM và điểm cuối là Dầu Giây, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Nhờ tuyến cao tốc này, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Dầu Giây từ 3 giờ giảm xuống còn 1 giờ, từ TP.HCM đi Vũng Tàu giảm từ 2,5 giờ xuống còn 1 giờ, từ TP.HCM đi Phan Thiết (Khánh Hòa) giảm từ 5 giờ xuống còn 3 giờ.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55km
Được vận hành từ năm 2015, đến nay, cao tốc đã bị quá tải, thường xuyên xảy ra kẹt xe khi lưu lượng bình quân toàn tuyến mỗi năm tăng 10%.
Do đó, Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng mở rộng cao tốc này từ 4 làn xe lên 10-12 làn xe theo quy hoạch đã được duyệt trước đây.
Quy mô và thời gian thực hiện mở rộng đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) nghiên cứu và đề xuất. Theo đó, từ năm 2015 sẽ mở rộng đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến Long Thành (dài 24km) từ 4 làn xe lên 8 làn xe. Đoạn từ Long Thành đi Dầu Giây với 4 làn xe như hiện tại có thể đáp ứng nhu cầu đến năm 2040 nên sẽ được giữ nguyên quy mô. Đoạn từ nút giao An Phú đến Long Thành từ sau năm 2040 sẽ được mở rộng lên 10 làn xe.
Tổng vốn đầu tư để mở rộng từ nút giao An Phú đến Long Thành lên 8 làn xe theo tính toán của CIPM Cửu Long là hơn 9.800 tỷ đồng. Quỹ đất phục vụ cho việc mở rộng tại cả TP.HCM và Đồng Nai đều đảm bảo yêu cầu.
Cũng theo đề xuất của CIPM Cửu Long, hình thức đầu tư mở rộng là đầu tư công sử dụng vốn trong nước hoặc vốn ODA (JICA) của Nhật Bản.
TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu thực hiện phương án tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một lần theo đúng lộ giới quy hoạch tuyến đường cao tốc, không để đời sống các hộ dân bị xáo trộn nhiều lần.
Khánh Trang