Thị Trường BĐS Mới Phục Hồi Khoảng 30%

Đó là nhận định của tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia tại “Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản và Trao chứng nhận Dự án đáng sống 2023” do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 22/9.

Thị Trường BĐS Vẫn Đối Mặt Nhiều Thách Thức

Theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, có một sự đối lập rất rõ có thể nhận thấy trong cuộc khủng hoảng BĐS hiện tại và cuộc khủng hoảng BĐS diễn ra từ hơn 10 năm trước. Nếu giai đoạn thị trường “đóng băng” trong quá khứ bắt nguồn từ khủng hoảng dư cung thì giai đoạn hiện tại là cuộc khủng hoảng thiếu cung. Bản chất của cả 2 cuộc khủng hoảng đều là mất cân bằng cung cầu.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia
Vấn đề thiếu cung bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa là tắc nghẽn nguồn vốn và vướng mắc pháp lý. Cả hai vướng mắc khiến thị trường BĐS ngoài thiếu cung, còn đối mặt nhiều thách thức liên đới khác. Quan sát thị trường trong thời gian qua, vị chuyên gia nhận định thị trường mới phục hồi khoảng 30% so với kỳ vọng. Dấu hiệu phục hồi tương thích với một nền kinh tế đang diễn biến theo hình chữ U, thay vì chữ V, tức là một nền kinh tế mà nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác cũng đang gặp khó khăn, không riêng gì bất động sản.
Không quá lạc quan, ông Nghĩa cho rằng các khó khăn của thị trường BĐS có thể kéo dài đến quý 2 và quý 3 năm sau. Một trong những phân khúc, loại hình được kì vọng “phá băng” thị trường BĐS là nhà giá rẻ và nhà ở xã hội vẫn chưa được thúc đẩy nguồn cung mạnh mẽ. Các doanh nghiệp chưa có được “tự do” khi tham gia làm nhà giá rẻ. Để hiện thực hoá mục tiêu đẩy mạnh nguồn cung giá rẻ, Chính phủ cần quy định khung giá cho loại nhà này. Tại Trung Quốc, Chính phủ có quy định rõ ràng về khung giá cho BĐS giá rẻ. “Chưa tạo được mặt bằng giá nhà ở bất động sản thì chưa giải quyết được khủng hoảng thị trường BĐS”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ngoài ra, để thị trường BĐS phục hồi, Chính phủ đã và đang có những động thái quyết liệt như ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và thành lập các Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản với sự tham gia tới tận doanh nghiệp. Những động thái này góp phần quan trọng cho sự chuyển biến của thị trường BĐS thời gian tới.

Giải Pháp Thúc Đẩy Thị Trường BĐS Phục Hồi

Để thúc đẩy thị trường BĐS sớm phục hồi, PGS.TS Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng việc khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, nhà đầu tư và doanh nghiệp là việc làm quan trọng. Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đang ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nói riêng và khối tư nhân nói chung vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần những hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Nhà nước. Với vấn đề nguồn vốn cho thị trường BĐS, ông Thiên đề xuất quỹ bảo lãnh cho vay nhằm giảm nhẹ áp lực và gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, các Hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao tiếng nói để giúp các cơ quan nhà nước nhận diện nhanh chóng các khó khăn, từ đó có các chính sách, biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng 70% các vướng mắc của thị trường BĐS trong thời gian qua xuất phát từ vấn đề pháp lý. Sự chồng chéo của pháp luật đã tạo nên các “nút thắt” của thị trường. Đơn cử, riêng bất động sản đã có 12 luật tác động chi phối, nếu rộng ra là 20 luật như: Luật Quy hoạch, Luật Phòng cháy chữa cháy… Như vậy, muốn gỡ khó cho thị trường BĐS và thúc đẩy thị trường phục hồi cần phải có giải pháp đồng bộ, căn cơ. Ông Hiệp nhấn mạnh cần cơ chế thống nhất ở các cán bộ ngành chịu trách nhiệm làm luật.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết các vấn đề về thủ tục hành chính cũng đang “gây khó” cho các thành phần tham gia vào thị trường BĐS. Ông đánh giá việc Bộ Xây dựng dự kiến xử lý việc rút gọn thủ tục hành chính và một số chính sách liên quan là rất thiết thực. Cải cách, rút gọn thủ tục hành chính cũng sẽ thúc đẩy sự đi lên của thị trường thời gian tới.
Khánh Chi