Phát triển BĐS công nghiệp không chỉ dừng lại ở việc xây kho xưởng

Xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam trong tương lai không chỉ dừng lại ở làm đất, làm nhà hay xây kho xưởng rồi cho thuê mà sẽ tập trung hình thành các đô thị công nghiệp với chất lượng công nghệ và tính kết nối cao.

Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020 với chủ đề "Đón sóng đầu tư mới" do Báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia đầu ngành đều nhìn nhận, BĐS công nghiệp Việt Nam cần sự chuyển mình trong phát triển mô hình để đón các “ong chúa” quốc tế tham gia thị trường.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TBS Group cho rằng, điểm hạn chế lớn của Việt Nam nằm ở chỗ chi phí logistic hiện rất cao, nếu có thể giảm chi phí này xuống, thì việc kinh doanh ở Việt Nam rất có lợi. Bên cạnh đó, các mô hình khu công nghiệp có tính công nghệ cao, phát triển đồng bộ theo quy mô khu đô thị lại không có. Chủ yếu là hình thức cho thuê đất hay kho xưởng. Một vấn đề nữa là phát triển nhà ở cho công nhân. Việt Nam có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào loại hình này. Việc phát triển một khu đô thị công nghiệp vừa cung cấp kho xưởng vừa hỗ trợ chỗ ở cho người lao động tại các khu công nghiệp sẽ giúp đảm bảo tính ổn định cho nguồn lao động và giúp duy trì việc sản xuất dài hạn cho ngành. Đối với các tập đoàn lớn đây không phải là vấn đề khó khăn nhưng với những doanh nghiệp nhỏ sẽ là cả một thách thức khó giải quyết.

Hội thảo bất động sản công nghiệp
Mô hình phát triển bất động sản công nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi theo hướng công nghệ và tích hợp để phù hợp với yêu cầu từ các tập đoàn lớn. 

Theo ông Kiệt, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp không thể chỉ đi làm đất, làm nhà, làm xưởng, không chỉ có điện, nước mà phải có phần mềm, phải có kết nối. Khi mở nhà máy, thì phải có nơi cung cấp, phải có nơi bán hàng, những nơi này phải kết nối với nhau, chứ không chỉ mở một khu công nghiệp rồi mời doanh nghiệp vào thuê là xong. Bất động sản công nghiệp không chỉ có đất rộng, nhà rộng, xưởng rộng mà phải có tính kết nối, ứng dụng được công nghệ cao.

“Bất động sản công nghiệp phải hội tụ đủ phần cứng và phần mềm. Mà trong tương lai, phần mềm sẽ còn quan trọng hơn cả phần cứng, bởi vì tự động hóa không cần đầu tư những nhà xưởng khổng lồ, mà làm sao các nhà máy có thể kết nối được với hệ thống hạ tầng giao thông, phải có thiết bị kỹ thuật hiện đại”, ông Kiệt nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải nhìn nhận, mô hình khu công nghiệp chuyên ngành sẽ thay thế mô hình khu công nghiệp đơn thuần là đầu tư hạ tầng cho thuê. Mô hình này giúp các nhà đầu tư trong khu công nghiệp cung cấp sản phẩm cho nhau, giao hàng nhanh chóng, cắt giảm chi phí logistics và phát triển hạ tầng xã hội hình thành một thành phố công nghiệp khép kín. Cách làm này sẽ thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm đến của bất động sản công nghiệp.

Theo ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có cơ hội cực kỳ lớn, Covid-19 chỉ là tác động thêm chứ trước đây việc dịch chuyển chuỗi cung ứng đã được tính toán. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành khắp toàn cầu làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và kiềm chế tốt sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Dòng vốn đầu tư chảy mạnh từ các nền kinh tế châu Á, Hoa Kỳ và trong nội khối ASEAN được cho là nguyên nhân của hiện tượng tích cực này. Ngoài ra những hành động rất hiệu quả của cả Chính phủ và người dân trong việc vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh cũng giúp chặn đà suy giảm kinh tế.

Cũng theo ông Thống, cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, bao gồm các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có đủ hạ tầng, nhà xưởng,  đủ điều kiện đón cả "chim đại bàng lớn". Trong tương lai, có thể sẽ thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.

Phương Uyên