Nhiều nhà đầu tư và sản xuất logistics nổi tiếng nhất thế giới đang dần ủy thác và thể hiện niềm tin của họ vào tiềm năng lâu dài của Việt Nam, bất chấp những khó khăn hiện tại do đại dịch gây ra. Dưới đây, TinNhaDatVN.Com sẽ điểm qua một số hoạt động nổi bật của thị trường này trong 9 tháng đầu năm 2020.
1. Tập đoàn Logos Property đầu tư 350 triệu USD vào Việt Nam.
Đầu tháng 8, tập đoàn bất động sản LOGOS của Úc đã thông qua việc thành lập liên doanh LOGOS Vietnam Logistics Venture, đầu tư khoảng 350 triệu USD vào lĩnh vực hậu cần tại Việt Nam. Thông qua liên doanh này, LOGOS và đối tác đầu tư muốn xây dựng một danh mục các cơ sở hậu cần chất lượng, hiện đại nhằm hỗ trợ sự phát triển của khách hàng trong nước và quốc tế trên khắp Việt Nam. LOGOS sẽ nhắm đến các địa điểm tiềm năng như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và sẽ sớm thực hiện các thương vụ mua lại chiến lược trong những tháng tới.
2. Tập đoàn GLP lên kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam
Công ty kho bãi lớn nhất Châu Á – GLP đang có kế hoạch ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam, đánh cược vào nhu cầu hậu cần tăng lên ở Đông Nam Á khi các doanh nghiệp đa dạng chuỗi cung ứng của họ ra khỏi thị trường Trung Quốc. Công ty sẽ phát triển 3 cơ sở với SEA Logistic Partners Việt Nam, hoặc SLP. Các đối tác có kế hoạch phát triển tổng cộng 335.000m2 đất quanh Hà Nội và TP. HCM. Đây sẽ là kho hàng đầu tiên của GLP ở Đông Nam Á.
Nhu cầu dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc khiến thị trường kho vận Việt Nam xuất hiện nhiều thương vụ đầu tư BĐS công nghiệp.
3. Công ty Mirae Asset Daewoo đầu tư 37 triệu USD vào Bắc Ninh.
Công ty chứng khoán hàng đầu của Hàn Quốc Mirae Asset Daewoo Co. và tập đoàn internet Naver Corporation đã cùng đầu tư 37 triệu đô la vào một nhà kho ở trung tâm hậu cần LogisValley, Bắc Ninh, phía đông bắc Hà Nội. Nhà kho được dành riêng cho chuỗi cửa hàng lạnh của Vincommerce, nhà điều hành chuỗi siêu thị thuộc Tập đoàn bán lẻ Masan của Việt Nam. Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm hậu cần hậu Trung Quốc ở châu Á với tiềm năng tăng trưởng cao, được xem là nguyên nhân khiến Mirea có kế hoạch tiếp tục đầu tư vào đây trong thời gian tới.
3. Tập đoàn điện tử Pegatron đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng
Tập đoàn Pegatron (Đài Loan), nhà cung ứng linh kiện cho Apple, Sony, Microsoft, Lenovo… hiện thực kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD tại Việt Nam thông qua 3 dự án. Dự án đầu tiên triển khai sẽ có tổng vốn đầu tư khoảng 19 triệu USD. Hiện nay, Pegatron đang bắt đầu làm thủ tục đầu tư cho dự án thứ hai, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD. Theo kế hoạch, dự án thứ ba với quy mô 500 triệu USD sẽ triển khai vào 2025-2026. Ngoài ra, Pegatron còn có ý định đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn từ Trung Quốc về Việt Nam vào thời điểm triển khai Pegatron 3. Dự án dự kiến được xây dựng tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng.
4. Tập đoàn Wistron đầu tư 273 triệu USD vào Hà Nam
Hà Nam đang đón đầu làn sóng FDI cao nhất cho lĩnh vực chế biến, chế tạo với hơn 447 triệu USD. Dự án sản xuất lớn nhất tại Hà Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 273 triệu USD từ tập đoàn Wistron (Đài Loan). Tập đoàn Winstron cũng đã xin cấp phép đầu tư dự án 300 triệu USD tại Khu công nghiệp Đồng Văn 3 (Hà Nam). Được biết, Wintrons sẽ triển khai một Nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao tại KCN hỗ trợ Đồng Văn III, đây được xem là dự án nằm trong số 5 dự án FDI lớn nhất đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm đến nay.
5. Mitsubishi Materials chi 90 triệu USD vào Masan High-Tech Materials
Mitsubishi Materials (Nhật Bản) lên kế hoạch chi 90 triệu USD để có thể nắm giữ 10% cổ phần và trở thành cổ đông lớn thứ hai của Masan High-Tech Materials, một công ty thành viên của Tập đoàn Masan, hiện quản lý và vận hành nhà máy sản xuất và chế biến quặng đa kim ở Núi Pháo (Thái Nguyên). Theo kế hoạch, hai bên sẽ thành lập một liên minh chiến lược hướng đến mục tiêu phát triển nền tảng vật liệu vonfram công nghệ cao. Đồng thời, cũng sẽ thảo luận về việc phát triển một đơn vị kinh doanh độc lập để phát huy và tăng cường sức mạnh hiệp lực cho nền tảng vonfram chế biến cận sâu của mỗi bên.
Làn sóng dịch chuyển đầu tư BĐS công nghiệp của khối ngoại đang khiến thị trường Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều những ông lớn trong ngành kho vận.
6. Tập đoàn Sumitomo rót 84 triệu USD mở rộng KCN tại Hưng Yên
Tập đoàn Sumitomo đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Hưng Yên về việc phát triển giai đoạn III của Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long. Dự án có quy mô 180,5 ha, nằm trên vị trí thuộc địa bàn thị xã Mỹ Hào, theo đó gói đầu tư hạ tầng vào khoảng 84 triệu USD, dự kiến thu hút 1 tỷ USD vốn đầu tư thứ cấp. Như vậy, sau khi thành công với các KCN ở Hà Nội, Hưng Yên và Vĩnh Phúc, Sumitomo vẫn đang tiếp tục mở rộng đầu tư các KCN này. Tại Việt Nam, Tập đoàn dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư kinh doanh với nhiều lĩnh vực khác nhau trong thời gian tới.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, 10 tháng qua, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo đạt 10,7 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các KCN, KKT trong cả nước đã thu hút được 9.835 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 197,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn có 9.650 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,31 triệu tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 46,3%. Quý cuối có thể chứng kiến nhiều hơn các cuộc đàm phán để đạt được thỏa thuận song phương với các đơn vị phát triển BĐS. Nếu các chuyến bay được đưa vào hoạt động vào 6 tháng đầu năm 2021, giá thuê đất, nhà xưởng và kho bãi có thể sẽ tăng lên, khiến các nhà đầu tư phải chốt giá càng sớm càng tốt.
Phương Uyên
>> 4 bước “dọn đường” đón sóng đầu tư bất động sản công nghiệp
>> Quỹ đất miền Bắc đủ đáp ứng làn sóng đầu tư sắp tới
>> Giá thuê đất KCN tăng cao chưa hẳn là tín hiệu tích cực cho thị trường