Người mua không dám chốt lời
Kịch bản khan hiếm nguồn cung mới tiếp tục diễn biến trong năm 2020 và chưa có sự thay đổi trong đầu năm 2021 trong khi lực cầu cao đã đẩy giá nhà tăng mạnh ở thị trường sơ cấp. Phần lớn các dự án có nguồn hàng mới tiếp tục mở bán trong năm qua đều có mức tăng từ 5-10% cho các đợt ra hàng mới.
Đơn cử, một dự án trung cấp tại khu đô thị Dương Nội năm 2019 một căn hơn 70m2 có giá bán khoảng 1,7-1,9 tỷ/căn thì đến nay cũng với diện tích tương đương cùng thuộc dự án đó nhưng khác tòa mức tăng đã chạm ngưỡng giá từ 2,3 tỷ/căn. Theo lời các môi giới, dù tòa mới có chất lượng bàn giao cao hơn nhưng với chất lượng không cách biệt quá lớn thì mức tăng trên là cao trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.
Tương tự, tại một dự án phân khúc trung bình thuộc khu đô thị Kiến Hưng (Hà Đông), vào năm 2019, 1 căn 3 ngủ mua đợt đầu chỉ có giá khoảng 1,4-1,5 tỷ thì đến nay giá rao bán các căn 3 ngủ tại dự án này đã chạm mức 1,8-1,9 tỷ/căn. Một số dự án có khoảng giá 1,2-1,5 tỷ/căn thuộc Long Biên vào năm 2019 cũng ghi nhận mức tăng 100-200 triệu/căn chào bán trên thị trường vào năm 2020.
Giá căn hộ trên thị trường sơ cấp tăng mạnh trong năm 2020
Thời điểm đầu năm, anh Phan Đức Minh mua căn 2 ngủ tại một dự án trên đường Tố Hữu (Hà Đông) với mức giá sau khi trừ chiết khấu là 2 tỷ tròn và đến thời điểm cuối năm, cùng diện tích, mức giá đã tăng lên 2,3-2,4 tỷ. Khi thấy giá tăng, anh tính bán để hưởng phần chênh. Thế nhưng sau khi suy xét, anh nhận thấy nếu bán thì với số tiền thu về, anh cũng không tìm được dự án phù hợp với tài chính thu về để mua. Giá căn hộ tăng cao cả ở trung tâm và ngoại vi nên với số tiền thu về sau khi bán chênh, anh cũng không mua được căn hộ mới gần trung tâm và chỉ mua được các dự án có nguồn hàng mới với tiện ích, dịch vụ tương đương dự án cũ, thậm chí không bằng nên anh đã quyết định không bán.
Chị Hà Thị Liên, một môi giới bán căn hộ tại Hà Đông cũng cho biết, khách của chị khi thấy giá căn hộ mới mua đầu năm tăng giá cũng gửi bán lại. Thế nhưng khi có khách đến đặt cọc thì lại quyết định không bán nữa vì bán xong thì số tiền thu về cũng không giúp khách có lựa chọn nhà ở tốt hơn so với căn ban đầu đã mua.
Người thu nhập thấp từ bỏ giấc mơ mua nhà mới
Thị trường sơ cấp vắng bóng những căn hộ có khoảng giá 1,5 tỷ đổ về. Số ít dự án mới tung hàng hoặc các dự án mở bán giai đoạn kế tiếp ghi nhận mức giá phổ biến từ 1,8 tỷ trở lên với căn 2 ngủ. Do đó, nhiều người đã chuyển sang tìm mua căn hộ trên thị trường thứ cấp.
Một khảo sát của TinNhaDatVN.Com cho thấy những căn hộ 2 ngủ có khoảng giá 1,5 tỷ đổ về đều là những dự án cũ, được chào bán từ nhiều năm trước. Một số cái tên có thể kể đến như Mipec Kiến Hưng, chung cư Bộ tư lệnh Yên Nghĩa, khu đô thị Thanh Hà, Xa La (Hà Đông), Hope Residence Phúc Đồng, Việt Hưng, Him Lam Thượng Thanh, Homeland, Sài Đồng, Ecohome Phúc Lợi (Long Biên).
Đáng chú ý, giao dịch trên thị trường thứ cấp ở những dự án này đều ghi nhận ngang giá hoặc có mức chênh nhẹ so với lúc mua vào. Trong khi nhiều dự án chung cư có mức giá từ 3 tỷ trở lên phần lớn đều ghi nhận hiện tượng cắt lỗ trên thị trường thứ cấp.
Việc giá nhà tăng nhanh đã khiến nhiều người mua thay vì chọn hàng mới đã tìm mua các dự án cũ. Chính bởi vậy mà giao dịch ở phân khúc thị trường này vẫn khá nhộn nhịp. Anh Hoàng Văn Hà, môi giới tại Hà Đông cho biết, công ty anh chuyên bán các dự án mới ra hàng tại khu vực này thì rất nhiều khách sau khi tìm hiểu nguồn hàng mới đã chuyển hướng quay sang mua các dự án cũ do mức giá mềm hơn hẳn.
Chị Đinh Thùy Vân cho biết, vợ chồng chị đã kì vọng giá nhà giảm khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra thế nhưng giá nhà vẫn tiếp đà tăng của các năm trước. Sau thời gian tìm hiểu và nhận thấy các dự án mở bán mới ít ỏi ở Hà Đông, Hoàng Mai đều thiết lập mức giá cao, vợ chồng chị đã quyết định chuyển hướng tìm mua các dự án cũ.
Duy Bách