Việc phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu 1 triệu căn trong năm 2030 đang khó khăn. Tiến độ giải ngân gói 120.000 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội đang khá chậm, sẽ ảnh hưởng đề án triển khai đề ra trước đó.
19 Dự Án Nhà Ở Xã Hội Triển Khai 9 Tháng Đầu Năm
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, tính đến hết năm 2022, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn, đạt 41,7% kế hoạch và đang triển khai thực hiện 418 dự án với khoảng 432.400 căn.
Trong đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 126 dự án với khoảng 62.700 căn hộ và đang triển khai 127 dự án khoảng 160.900 căn hộ; nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đô thị, đã hoàn thành 181 dự án với khoảng 94.390 căn hộ và đang triển khai 291 dự án với khoảng 271.500 căn hộ.
Đến nay các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, với tổng diện tích sàn nhà ở 4.815.000m2. Bên cạnh đó, các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000 m2. Theo Bộ Xây dựng, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010 – 2020 đã xác định.
Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Trong đó phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 – 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn cả nước đã có 19 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 18.752 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng. Trong đó, nhà ở xã hội 06 dự án; nhà ở công nhân 03 dự án, có 5 dự án đã hoàn thành với quy mô 850 căn và đã khởi công xây dựng 2 dự án với quy mô 5.223 căn.
Ngoài các dự án đã được khởi công nêu trên, có 12 dự án với quy mô 12.679 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, hiện nay đã có đã có 20 tỉnh (Vũng Tàu, Trà Vinh, Bắc Giang, Tây Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Định, An Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hậu Giang, Bình Dương, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Bình Thuận) công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay vốn là 24.655 tỷ đồng; 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay vốn là 1.229 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng.
Cần Thêm Lực Đẩy Để Phát Triển Nhà Ở Xã Hội
Theo Bộ Xây dựng, vào nhiệm kỳ 2021 – 2025, vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp tiếp tục là mối quan tâm thường trực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp. Nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, khoảng 428.000 căn.
Tuy nhiên, nhìn vào mục tiêu dài hạn đến năm 2023, việc triển khai Đề án sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, cơ chế pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội rất phức tạp. Việc xin cấp phép xây dựng dự án kéo dài, phải mất ít nhất 2 năm hoàn thành thủ tục.
Chưa kể, sau 2 năm làm thủ tục đầu tư, dự án nhà ở xã hội mất khoảng 2 năm tiếp theo để xây dựng và bàn giao nhà cho khách hàng. Sau đó, chủ đầu tư vẫn phải dành tỷ lệ tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội và chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng.
Quá trình này kéo dài lên đến 9 năm, sau đó, dự án mới được kiểm toán. Và chỉ khi được kiểm toán xong, doanh nghiệp mới được nhận về khoản lợi nhuận cố định 10%. Trong khi đó, xuyên suốt cả quá trình thực hiện dự án, bản thân doanh nghiệp cũng không chắc chắn, khoản chi phí nào sẽ được ghi nhận là hợp lý, hợp lệ, khoản phí nào sẽ không được quyết toán, bị gạt đi. Chính vì vậy, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội luôn có khả năng chịu thua lỗ.
TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng, ngay cả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội cũng đang khó tiếp cận và được nhận định chưa thực sự phát huy tác dụng. Mức lãi suất 8,7%/năm cho doanh nghiệp và 8,2% cho người mua nhà vay được đánh giá là khá cao so với kỳ vọng, chưa đủ hấp dẫn. Nhà đầu tư kiến nghị vay với lãi suất 6,5%/năm, người mua nhà mong muốn được vay với mức lãi suất 4,8%/năm.
Theo ông Khôi, nên áp dụng những ưu đãi về thuế cho nhà ở xã hội như cho cải tạo chung cư cũ trước đây: thuế giá trị gia tăng sẽ được miễn 4 năm đầu và được giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Còn thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ tính 10%. Như vậy, mới có thể kéo giảm giá thành, giá bán và dễ tiếp cận cho người dân có nhu cầu.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần có các ưu đãi thiết thực hơn, nên có ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng bên trong dự án nhà ở xã hội cho thuê và hỗ trợ một phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với nhà ở bán và thuê mua. Thay vì áp mức lợi nhuận 10% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội là lợi nhuận “tối đa”, nên gọi là mức lợi nhuận định mức hay lợi nhuận tính giá thành, giá bán thì có thể sẽ khuyến khích được doanh nghiệp tham gia.
Chủ tịch VNREA cũng kiến nghị, có thể mở rộng đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội. Bên cạnh việc xem xét và giải quyết cho những người có thu nhập thấp (dưới 11 triệu đồng, không phải đóng thuế thu nhập cá nhân) thuê mua nhà ở xã hội. Cũng nên xem xét cả nhóm đối tượng phải đóng thuế thu nhập nhưng ở mức thấp, vì trên thực tế, số lượng đối tượng này cũng rất nhiều..
Trong khi đó, ông Lê Văn Nghĩa, Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội về đích như kỳ vọng, việc quan trọng là cần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về thủ tục, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch…
Những yếu tố trên đang gây mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ và khiến cho quá trình đầu tư bị chậm. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương nên lưu ý có chính sách, cơ chế linh hoạt, nhằm kịp thời giải quyết các bất cập hiện nay, qua đó thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội nhanh hơn.
Phương Uyên
TỪ KHÓA: Nhà ở xã hội