Nhà Ở Xã Hội Sẽ Có Những Bước Phát Triển Mới

Nhà ở xã hội sẽ đạt được những bước tiến trong thời gian tới do có thêm “trợ lực” từ chính sách. Theo các chuyên gia, việc tập trung toàn bộ nguồn lực, từ pháp lý, hành chính, ngân hàng và ngân sách để phát triển nhà ở xã hội là cần thiết, nhằm đưa thị trường thoát khỏi thực tại khó khăn.

Nhà Ở Xã Hội: Kì Vọng Từ Trợ Lực Chính Sách

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nhà ở xã hội sẽ đạt được những bước tiến trong thời gian tới do có thêm những “trợ lực” từ chính sách. Việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở với nhiều quy định mới “gỡ khó” cho người mua và chủ đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo hấp dẫn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, cũng như tăng khả năng tiếp cận loại hình nhà ở này cho người thu nhập thấp.
Luật Nhà ở mới với những quy định mới đang tạo điều kiện thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển. Ảnh: Thanh Niên
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, theo Luật Nhà ở mới, chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được hàng loạt ưu đãi với cơ chế thông thoáng. Cụ thể, việc đưa 20% quỹ đất nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương. Quy định này không những giải quyết được bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội từ trước đến nay mà còn có lợi cho người mua nhà bởi thông qua việc nắm rõ các thông tin về nhu cầu của người dân, định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất phù hợp.
Đồng thời, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất. Như vậy, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được rút ngắn khoảng 1 năm. Ngoài ra, ông Đính nhấn mạnh việc chỉ áp biên lợi nhuận với phần diện tích nhà ở xã hội sẽ giúp chủ đầu tư có thêm lợi nhuận từ việc phát triển nhà ở xã hội thông qua phần diện tích thương mại. Đây là điểm cộng, tăng sức hút làm nhà ở xã hội đối với các chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở mới đã được sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách rất quan trọng và thiết thực, “tháo gỡ" khó khăn trong quá trình người dân mua, thuê nhà ở xã hội. Theo ông Đính, Luật Nhà ở mới có 3 điểm tiến bộ, gỡ khó cho người dân.
Thứ nhất, quy định người mua nhà chỉ cần "chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng" đã tháo gỡ cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xác nhận hồ sơ.
Thứ hai, điều kiện về thu nhập để được mua, thuê mua nhà ở xã hội đã có hướng thông thoáng hơn,không chỉ giới hạn ở những người không nộp thuế thu nhập cá nhân như hiện tại.
Thứ ba, Luật Nhà ở 2023 vừa được thông qua đã bãi bỏ điều kiện cư trú đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Tập Trung Toàn Bộ Nguồn Lực Để Phát Triển Nhà Ở Xã Hội

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết nền kinh tế nói chung đang gặp khó do sản xuất đình trệ, xuất nhập khẩu sụt giảm. Lối thoát của nền kinh tế hiện tại chính là bất động sản. Nhưng thị trường bất động sản lại đang đối mặt muôn vàn khó khăn khi cung khan hiếm, giao dịch nhỏ giọt, thậm chí đóng băng ở nhiều phân khúc, loại hình, đặc biệt là các phân khúc cao cấp như biệt thự, liền kề, bất động sản nghỉ dưỡng.
Để khơi thông tài chính bất động sản, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng nên tập trung toàn bộ nguồn lực tài chính để làm nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Nhà ở xã hội là loại hình bất động sản có lực cầu cao trên thị trường, đem lại dòng tiền ngay cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn như hiện tại.
Để thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển cần tập trung toàn bộ nguồn lực, từ pháp lý, hành chính, ngân hàng và ngân sách. Ảnh: Vnexpress
“Nhà ở xã hội là thị trường có dòng tiền rất tốt, nhu cầu rất cao nhưng chúng ta lại chưa làm mạnh và chú trọng thị trường này. Cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay là cuộc khủng hoảng thiếu cung dư cầu do chưa có một môi trường cân bằng để các loại hình bất động sản phát triển đúng hướng, phù hợp. Để thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển cần tập trung toàn bộ nguồn lực, từ pháp lý, hành chính, ngân hàng và ngân sách. Nhà ở xã hội phát triển mạnh là tiền đề để từ đó mặt bằng giá của toàn bộ thị trường hạ xuống, qua đó mới tái cấu trúc được hệ thống”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa cũng chỉ ra những khó khăn mà nhà ở xã hội đang phải đối mặt cần giải quyết để khơi thông nguồn cung phân khúc này. Đó là nhà ở xã hội không thế chấp được tại các ngân hàng do không phải nộp thuế sử dụng đất, đất lại là đất công nên các ngân hàng không mặn mà. Ông Nghĩa đề xuất đánh thuế một vài phần trăm để trở thành đất tư trong vòng 50 năm để ngân hàng có thể nhận thế chấp dự án nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng cần tạo các cơ chế đấu thầu thông thoáng, bỏ quy định lợi nhuận nhà ở xã hội không được vượt quá 10% để kích thích, thu hút các chủ đầu tư tham gia phát triển. Về nguồn vốn cho người mua nhà ở xã hội, ông Nghĩa cho rằng cần tài trợ trực tiếp qua ngân sách, không nên qua ngân hàng để tạo ưu đãi lớn nhất về nguồn vốn cho người thu nhập thấp. Hoặc có thể dùng ngân hàng để tài trợ như cách Singapore làm. Đơn cử, tại Singapore, người mua nhà ở xã hội được vay vốn ngân hàng và chịu lãi suất 2,5%/năm, phần vượt quá lãi suất thì chính phủ bù. Ông Nghĩa nhấn mạnh, các vướng mắc này được tháo gỡ sẽ giúp nguồn cung nhà ở xã hội bùng nổ thời gian tới.
Nguyễn Nam
SIÊU SALE CUỐI NĂM – X3 ƯU ĐÃI

Từ ngày 01/12 – 31/12/2023, khi nạp tiền vào tài khoản bạn sẽ nhận được x3 ưu đãi đặc biệt từ TinNhaDatVN.Com bao gồm:

– Ưu đãi đến 52% giá trị nạp vào TK KM1

– Cơ hội tham gia quay số đặc biệt để trúng thưởng xe Honda Vision 2023, voucher trị giá 100 triệu đồng và các giải thưởng có giá trị khác

– Tặng Combo áo mưa, mũ bảo hiểm, ô xịn xò dành cho 1.000 khách hàng cá nhân đầu tiên nạp tiền từ 3 triệu đồng trở lên

Tham khảo chi tiết chương trình TẠI ĐÂY và nạp tiền ngay!
TỪ KHÓA: Nhà ở xã hội