Nhà ở cho người lao động: Cung vẫn không theo kịp cầu

Trong khi nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng lớn thì ngược lại, nguồn cung phân khúc này vẫn rất eo hẹp. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước nhưng lượng nhà ở đáp ứng cho số lao động này rất hãn hữu.
Nhà ở cho người lao động: Cung vẫn không theo kịp cầu - Ảnh 1.

7 triệu lao động cần an cư

Đó là thực trạng được ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng ban Quản lý dự án Thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) mới đây nêu ra tại Hội nghị kêu gọi đầu tư lĩnh vực nhà ở xã hội tỉnh Bình Phước năm 2022. Theo ông Nghĩa, 7 triệu lao động này đang làm việc tại 370 khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước và nhu cầu an cư, lạc nghiệp họ là vô cùng bức thiết.

Điều này tất yếu đặt ra những yêu cầu đối với việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ dành cho người lao động.

Trên thực tế, tỷ lệ nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu. Phần lớn công nhân, lao động nhập cư đang phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lao động.

Thời gian qua, khá nhiều động thái được nhà quản lý đưa ra nhằm phát triển phân khúc nhà ở xã hội thế nhưng nguồn cung phân khúc này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn. Báo cáo của Bộ Xây dựng về nguồn cung nhà ở xã hội dành cho công nhân cho hay, đến nay cả nước đã hoàn thành 122 dự án với quy mô 54.400 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 119 dự án với quy mô xây dựng khoảng 154.000 căn hộ. Tuy nhiên, đến nay những dự án trên mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước.

Phát triển nhà ở xã hội là một trong những mục tiêu đã được đặt ra nhiều năm nay, tuy nhiên, thực tế hiệu quả không được như kỳ vọng. Nguồn cung nhà ở phân khúc này vẫn thiếu hụt so với nhu cầu.

Nêu lên nguyên nhân của thực tế này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư. Quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Cụ thể, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại, như: Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; Hơn nữa, theo quy định của pháp luật về nhà ở thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất trong phạm vi dự án (bao gồm cả phần kinh doanh nhà ở thương mại). Tuy nhiên, theo pháp luật về đất đai thì chủ đầu tư khi bán nhà cho khách hàng phải nộp lại số tiền sử dụng đất được miễn.

Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp...

Đáng chú ý, theo Bộ Xây dựng, nhiều địa phương, đặc biệt người đứng đầu là chủ tịch UBND cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm để dành nguồn lực thực hiện kiểm tra, đôn đốc. Một nút thắt rất lớn khác là về quỹ đất. Vẫn có tình trạng chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng cho biết, ngại đầu tư vào phân khúc này do khâu thủ tục rườm rà trong khi đó lợi nhuận thu về không cao như phân khúc nhà thương mại. Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, hiện nay doanh nghiệp vướng nhiều quy định, thủ tục như: thủ tục xác định giá bán, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép dự án...

Gỡ khó cách nào?

Theo các chuyên gia, giải quyết tốt bài toán nhà ở xã hội sẽ góp phần tăng nguồn cung cho phân khúc này, qua đó giúp giải tỏa “cơn khát” nhà ở cho 7 triệu công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.

Bởi theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mới chỉ có khoảng 5% số công nhân được ở trong các nhà trọ do các doanh nghiệp sử dụng lao động, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đầu tư xây dựng. Số còn lại chưa có chỗ ở hoặc đang phải thuê nhà ở tạm bợ.

Đặc biệt, hiện có khoảng 95% số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ do tư nhân xây dựng cho thuê hầu hết đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3 - 4m2/người, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, môi trường sinh hoạt chật chội, nhếch nhác, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động.

Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, do đó khi phê duyệt các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất bắt buộc phải dành quỹ đất tương xứng để xây dựng nhà ở và các công trình thuộc kết cấu hạ tầng cho công nhân. Đồng thời cần có chính sách ưu đãi thích đáng cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Về phía Nhà nước, cần tạo điều kiện về quỹ đất, có quy định ưu đãi về tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng.

Nói như ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán đều do nhà nước quyết định. Chính vì thế, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng. “Khi có thể tham gia dự án sớm và thời gian thu hồi vốn nhanh, thì việc thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội là điều không khó”, - ông Hà nhấn mạnh.

Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn thiếu hụt rất xa so với nhu cầu thực tế

Theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" vừa được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu của Hà Nội cho giai đoạn này là 136.000 căn nhà ở xã hội.

TP Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành 100% con số theo nhu cầu và đặt lộ trình thực hiện 25.000 căn trong 3 năm (2022-2025); hoàn thành nốt 111.000 căn trong giai đoạn 2026-2030. Trước đó, giai đoạn 2011-2021, TP Hà Nội đã hoàn thành 28.357 căn nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu của người dân.