UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long (đoạn từ đường Vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài), huyện Đan Phượng, với tổng mức đầu tư 1.298,596 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài tuyến 5,8 km. Sau khi hoàn thành vào năm 2025, tuyến đường sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng nói riêng và khu vực Tây Bắc Hà Nội nói chung.
Theo tiến độ chi tiết, trong quý I/2024 tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng các gói thầu: Tư vấn khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán (13,402 tỷ đồng); Rà phá bom mìn, vật nổ (1,587 tỷ đồng); Đo đạc bản đồ địa chính (1,1 tỷ đồng). Quý III/2024, sẽ mời thầu gói thầu số 07 thi công xây dựng công trình (873,739 tỷ đồng).
Dự án Xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long (đoạn từ đường Vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài) nằm chủ yếu ở đoạn 3 của trục Tây Thăng Long.
Được biết, Dự án Xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long (đoạn từ đường Vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài) là một đoạn thuộc tuyến đường Tây Thăng Long đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, phát triển khu vực phía Tây Thủ đô. Đây là trục đường đô thị hướng tâm hiện đại với tổng chiều dài 33 km, chiều rộng 60,5m với 10 làn xe, kết nối từ đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) đến thị xã Sơn Tây.
Có thể tạm chia thành 5 đoạn thi công gồm: 2,1km từ đường Võ Chí Công đến Phạm Văn Đồng (đoạn 1); 3,2 km từ Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng (đoạn 2); khoảng 3 km từ đường Văn Tiến Dũng đến Tây Tựu, Thượng Cát (đoạn 3); 4,9 km từ Tây Tựu đến đường Vành đai 4 (đoạn 4); 20 km từ Vành đai 4 đến thị xã Sơn Tây (đoạn 5). Hiện tại, đoạn 1 và 3 của tuyến đã được hoàn thành. Đoạn 4 và 5 chưa triển khai. Và đáng chú ý nhất là đoạn 2 đang gấp rút hoàn thiện để thông toàn tuyến đoạn 1.
Cũng trên trục Tây Thăng Long này, mới đây Sở Giao thông vận tải đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hầm chui tại nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3 có điểm đầu kết nối với đường Hoàng Minh Thảo đã xây dựng (cách vị trí nút giao khoảng 150m), điểm cuối kết nối với đường trục Tây Thăng Long theo hướng Phạm Văn Đồng đi Văn Tiến Dũng (cách vị trí nút giao khoảng 850m). Tổng mức đầu tư dự án (dự kiến) lên đến 1.156 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2025 khi tuyến đường Tây Thăng Long các đoạn 1-2 - 3 được khớp nối sẽ hình thành trục giao thông lớn bậc nhất phía Tây sau trục Đại Lộ Thăng Long, kéo khoảng cách giữa Đan Phượng - Hồ Tây chỉ còn khoảng 10km, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng nói riêng và khu vực Tây Bắc Hà Nội nói chung.
Hiện các khu đô thị, các khu trung tâm hành chính, đối ngoại đã và đang được xây dựng dọc hai bên đường. Trong ảnh là đoạn 1 tuyến đường Tây Thăng Long (đường Hoàng Minh Thảo) đi qua khu đô thị Starlake với hàng loạt công trình, dự án.
Quan sát thực tế cho biết, hiện nay dọc trục Tây Thăng Long đã thu hút một lượng lớn những tên tuổi bất động sản lớn góp mặt. Phía đầu tuyến giáp với khu Ngoại Giao Đoàn có những tên tuổi như Công ty TNHH phát triển THT (dự án Starlake), Tổng công ty xây dựng Hà Nội – CTCP (khu Ngoại Giao Đoàn), Taseco (đầu tư dự án thành phần ở khu Ngoại Giao Đoàn và Starlake), VAD (đầu tư dự án Embassy Garden)...
Xuôi dọc trục Tây Thăng Long xuống Đan Phượng đang xuất hiện những chủ đầu tư lớn như Sunshine với dự án Noble Capital Thăng Long Đan Phượng, OSI Holdings – đơn vị phát triển dự án Avenue Garden – Tây Thăng Long...và sắp tới còn nhiều dự án triển khai ven trục đường Tây Thăng Long nữa…
Cùng với đoạn 1, đường Tây Thăng Long tại đoạn 3 từ đường Văn Tiến Dũng đến Tây Tựu hiện đã được hoàn thành. Tại đây, đường Tây Thăng Long chạy qua nhiều công trình, dự án, cơ sở của quận Bắc Từ Liêm như: khu hành chính, bệnh viện, khu công nghệ.
Nhìn lại thị trường vào những năm gần đây ở Bắc Từ Liêm, bên cạnh tính thanh khoản cao, lợi nhuận từ bất động sản khu vực cũng tăng rất nhanh. Anh Mạnh hùng - nhà đầu tư thâm niên tại Hà Nội chia sẻ: "Năm 2018 tôi mua căn liền kề 120m2 ở mặt đường Tây Thăng Long – thuộc khu Tây Hồ Tây. Hiện nay đã có người chào mua lại với giá gấp 3 lần". Hiện nay, khi trục Tây Thăng Long đang được tăng tốc thúc đẩy thi công, giá đất dịch vụ hai bên đường đoạn qua Tân Lập, Đan Phượng cũng đã chạm mốc 80-100 triệu đồng/m2.
Theo dự báo, sau khi hoàn thành, tuyến đường Tây Thăng Long có ý nghĩa to lớn trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của các quận huyện ở phía Tây Thủ đô, giúp đồng bộ, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở các địa phương có tuyến đường đi qua. Đặc biệt, tuyến đường sẽ tạo ra cú hích lớn để hàng loạt lĩnh vực khác như thương mại dịch vụ, đô thị, bất động sản… cùng phát triển.
Cùng với lợi thế nằm trên trục bất động sản Hồ Tây - Ba Vì, giới chuyên gia đánh giá, những dự án đón đầu phát triển hạ tầng, liền kề tuyến đường Tây Thăng Long sẽ có lợi thế tiềm năng tăng giá trong giai đoạn tới. Cùng với đó, các dự án bất động sản giá trị tỷ USD bám dọc tuyến đường này cũng đang góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển.