Mới đây, Công ty TNHH Hòa Bình đã có Văn bản số 222-2024/CV-HB báo cáo về Dự án đường cao tốc trên cọc dự ứng lực tại Hải Phòng và Dự án đường sắt đô thị trên cọc dự ứng lực tại nhà máy Đường Man - Khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh.
Hòa Bình cho biết nhận rõ những khó khăn khi thực hiện các dự án đường cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long được nêu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Công ty TNHH Hòa Bình đã thiết kế, thi công hoàn thành đường cao tốc trên cọc dự ứng lực tại Khu phi thuế quan Xuân Cầu tại Lạch Huyện, Hải Phòng.
Theo Hòa Bình, đường cao tốc này đã được kiểm nghiệm và báo cáo kết quả với Bộ Giao thông Vận tải. Tiêu chuẩn Việt Nam cho phép độ lún của đường cao tốc trên cọc là 9,6 mm, kết quả thử nghiệm đường cao tốc trên cọc dự ứng lực của công ty có độ lún là 0,96 mm (bằng 1/10 tiêu chuẩn cho phép).
Bên cạnh đó, công ty Hòa Bình cũng đã thiết kế, thi công hoàn thành 100 m đường sắt đô thị – đường tàu điện vàng tốc độ 100 km/h tại nhà máy Đường Man - Khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh. Đường tàu điện vàng này đã được kiểm nghiệm, thẩm định và báo cáo kết quả với Bộ Giao thông Vận tải. Tiêu chuẩn Việt Nam cho phép độ lún là 10 mm, kết quả kiểm nghiệm thử tải đường tàu điện vàng của công ty với khối lượng thử tải 700% so với tiêu chuẩn có độ lún là 4,3 mm.
Ngoài ra, công ty cho biết đã kiểm nghiệm độ ồn tại nhà ở dưới đường cao tốc trên cọc dự ứng lực. Độ ồn tối đa cho phép theo tiêu chuẩn là 50 dB, kết quả kiểm nghiệm độ ồn tại nhà ở dưới đường cao tốc trên cọc dự ứng lực là 35 dB.
Hòa Bình cho biết dự án đường cao tốc trên cọc dự ứng lực, đường sắt đô thị - đường tàu điện vàng trên cọc dự ứng lực không phải sử dụng đất, cát làm nền đường, thời gian thi công nhanh nhất, chất lượng tốt nhất, lưu thông an toàn nhất và chi phí đầu tư thấp nhất thế giới (hiện nay trên thế giới chưa có nước nào áp dụng công nghệ tiên tiến này).
Qua đó, Tập đoàn Hòa Bình đề xuất xây dựng Dự án đường sắt đô thị - đường tàu điện vàng với tổng chiều dài hơn 30km từ sân bay Đà Nẵng đến thành phố Hội An theo hình thức BOT, thời gian thi công từ 6 – 9 tháng kể từ ngày nhận mặt bằng là phần đất giải phân cách giữa tuyến đường giao thông hiện nay, thời gian thu phí trong 30 năm bằng hình thức bán vé cho khách đi tàu với mức giá từ 150.000 – 200.000 đồng/người/lượt.
Tập đoàn Hòa Bình khẳng định 2 dự án sẽ làm thay đổi công nghệ làm đường cao tốc, đường sắt trên thế giới cũng như Việt Nam, đây là giải pháp do người Việt Nam tự thiết kế, tự thi công.