Hỗ trợ khu vực đất trồng lúa: Đề nghị có trọng tâm thay vì cào bằng

Lãnh đạo một số địa phương đề nghị, các chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất lúa cần có trọng tâm, trọng điểm cho từng vùng, thay vì cào bằng.

Ngày 1/7, chủ trì cuộc họp để cho ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa , Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, các địa phương được xác định là vùng trọng điểm về lúa, gạo còn khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, Luật Đất đai và Nghị định về đất lúa phải có cơ chế, chính sách để các địa phương là vùng trọng điểm về lúa, gạo có thể thực hiện được nhiệm vụ chính trị, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Người nông dân được hỗ trợ tập trung, tạo điều kiện áp dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, hướng đến sản xuất lớn, bảo đảm thu nhập, đời sống ổn định.

Hỗ trợ khu vực đất trồng lúa: Đề nghị có trọng tâm thay vì cào bằng- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Với quan điểm trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với Bộ TNMT để xác định những vùng trồng lúa lớn như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung, sau đó khoanh vùng những khu vực đất lúa có năng suất, chất lượng cao phù hợp với đặc thù từng vùng, miền. Từ đó đưa ra các quy định, chính sách quản lý phù hợp với thực tế.

Liên quan đến chính sách bảo vệ và phát triển đất lúa , nhất là vùng đất lúa có năng suất, chất lượng cao, lãnh đạo UBND các tỉnh Long An, Vĩnh Long cho biết địa phương luôn cần hỗ trợ về hạ tầng thuỷ lợi, giao thông, khoa học công nghệ, bảo quản sau thu hoạch, vật tư nông nghiệp… có trọng tâm, trọng điểm cho từng vùng thay vì cào bằng.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đề nghị phải phân định rõ vùng đất lúa, vùng chuyên canh lúa và vùng đất lúa có năng suất, chất lượng cao để có chính sách tương ứng, tránh trùng lặp, chồng chéo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ NNPTNT thống kê khung chính sách hỗ trợ phát triển cho vùng đất trồng lúa nói chung, vùng chuyên canh lúa, vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao , với các lớp chính sách, cơ chế: Đầu tư công, chi thường xuyên, xã hội hoá...

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những chính sách đã có và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, Nghị định cần đưa vào các quy định, cơ chế mới, giúp tổ chức, doanh nghiệp, người trồng lúa ứng phó với rủi ro về biến đổi khí hậu, hỗ trợ phân bón, vật tư nông nghiệp, thiết bị nông nghiệp; tiếp cận thị trường. “Mục tiêu là bảo đảm thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người trồng lúa trong mọi tình huống”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.