Bị lừa mua đất giá cao gấp đôi thực tế
Sau nhiều năm tích cóp, vợ chồng anh Lê Minh Đ. (sống tại quận Thủ Đức) dự định tìm kiếm mua một miếng đất để đầu tư. Tuy nhiên, với số vốn khoảng vài trăm triệu, mua đất ở Sài Gòn gần như là không thể. Vì vậy, anh Đ. lên mạng tìm thông tin những khu đất ở các tỉnh vùng ven thành phố như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Sau khi để lại số điện thoại trên một số trang mua bán nhà đất, anh được một người tự xưng là ở Công ty X và giới thiệu công ty họ đang phân phối sản phẩm đất nền tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Với lời mời gọi hấp dẫn, lại cộng thêm tâm lý muốn mua đất giá rẻ để đầu tư, anh Đ. đã đồng ý đi xem đất.
Theo lời kể của anh Đ., lúc lên xe đi xem đất, trên xe đi cùng có nhiều khách hàng cùng bàn tán rôm rả về tương lai của khu đất ở Bàu Bàng. Nhân viên môi giới ngồi vây quanh khách hàng tư vấn rất nhiệt tình. Phía trên đầu xe thì MC liên tục công bố ông A, bà B… đã đặt cọc thành công, sau đó là 30 phút “giờ vàng” - giảm giá ngay 20 - 30 triệu tiền mua đất cho những khách hàng đặt cọc ngay thời điểm đó, rồi chỉ còn những lô cuối cùng dành cho khách hàng nhanh tay nhất… Mặc dù vốn là người khá cẩn thận nhưng thấy mọi người trên xe đặt cọc tán loạn, sợ mình chần chừ lại lỡ mất cơ hội nên anh Đ. cũng đặt cọc 50 triệu đồng để mua mảnh đất 75m2, với giá 8,6 triệu đồng/m2.
Sau khi hoàn tất thủ tục công chứng và nộp đủ số tiền 650 triệu đồng, anh Đ. mới tá hỏa phát hiện giá của lô đất mình mua chênh lệch quá lớn so với giá gốc của chủ đầu tư. Giá bán thực tế của lô đất chỉ khoảng 4 triệu đồng/m2, thậm chí có lô đang được bán với giá thấp hơn. Tính ra, lô đất của anh Đ. bị kê giá lên gấp đôi so với thực tế. Quá bức xúc, anh Đ. liên lạc lại với nhân viên tên Minh để hỏi thì người này không nghe máy.
Việc các công ty môi giới kê giá bán cao hơn nhiều so với giá gốc khá là phổ biến và không ít khách hàng cả tin đã "sập bẫy". Ảnh minh họa
“Tôi đã quá bất cẩn khi hoàn toàn tin tưởng lời của nhân viên tư vấn, không tìm hiểu rõ thông tin công ty, thông tin dự án, giá đất khu vực mà đã đồng ý xuống tiền mua đất. Giờ tiền đã nộp, hợp đồng đã ký nên mình cũng không thể kiện cáo gì họ được. Tôi chỉ ức là họ “móc túi” khách hàng một cách quá đáng”, anh Đ. chia sẻ.
Theo ghi nhận, trường hợp như của anh Lê Minh Đ. không phải là cá biệt, nhất là tại các thị trường đất nền vùng ven TP.HCM. Đơn cử như trường hợp cò đất lừa đảo khách hàng tại dự án đất nền ở Trảng Bom, Đồng Nai do Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát phân phối cũng đã từng gây xôn xao dư luận. Theo đó, đơn vị này chỉ là nhà phân phối nhưng lại tự ý thay đổi tên dự án, nâng giá bán và ký đủ thứ hợp đồng thỏa thuận dân sự với khách hàng. Sau đó, đơn vị này làm mọi cách để hợp thức hóa khoản tiền chênh lệch mà không xuất hóa đơn cho khách. Được biết, giá bán ban đầu do chủ đầu tư đưa ra dao động từ 427 triệu đến 1,2 tỷ đồng/lô. Thông qua các thủ đoạn của Kim Phát thì những nền đất này được nâng giá cao lên gấp nhiều lần.
Người mua cần tỉnh táo
Trao đổi với TinNhaDatVN.Com, anh Trần Nguyên Khôi (Hà Nội), một nhà đầu tư có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bất động sản cho biết, việc các công ty môi giới kê giá bán cao hơn nhiều so với giá gốc khá là phổ biến. Do đó, trước khi mua khách hàng cần tìm hiểu kỹ, nếu khi ký vào hợp đồng rồi thì xem như đồng ý. Bên cạnh đó, khi mua đất nền dự án thông qua công ty phân phối hoặc môi giới, người mua cần phải ghi nhớ những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, nên gửi gắm niềm tin vào một đơn vị phân phối, môi giới uy tín. Điều này là rất quan trọng, nhất là khi chọn đầu tư ở một thị trường mới, chưa am hiểu thị trường. Dù có thu thập, chuẩn bị thông tin tốt đến đâu thì sự hiểu biết của nhà đầu tư về một thị trường mới cũng không thể bằng các đơn vị môi giới đã hoạt động lâu năm tại chính thị trường đó. Một đơn vị môi giới tin cậy không chỉ giúp khách hàng hiểu thị trường mà có thể tìm giúp khách những sản phẩm tốt.
Trước khi quyết định xuống tiền mua đất, nên thận trọng đối chiếu với giá đất khu vực để tránh trường hợp bị mua hớ. Ảnh minh họa
Thứ hai, cần phải hỏi rõ nhân viên môi giới tên dự án là gì? địa chỉ cụ thể ra sao? Nếu nhân viên môi giới nói địa chỉ chung chung thì tốt nhất không nên đi xem đất vì chắc chắn có dấu hiệu mờ ám. Nếu nhân viên môi giới giới thiệu giá đất quá rẻ cũng không nên đi xem bởi rẻ thì không đẹp, mà đẹp thì không rẻ.
Thứ ba, khi đi xem đất cần phải biết 2/3 người ngồi trên xe là “chim mồi”. Vì thế, cần phải bình tĩnh trước các chiêu bài thúc ép mua ngay không sẽ mất sản phẩm vào tay người khác. “Một trong những nguyên tắc tiên quyết của tôi là không bao giờ đặt cọc tiền ngay khi đi xem đất. Đặc biệt là không nộp cọc mua đất ở quán cafe, quán nước hay tại lô đất mình đang đi xem mà không thẩm tra giấy tờ gốc. Tôi cần thời gian về nhà để suy nghĩ và tìm hiểu thêm về dự án đó. Sau khi xem xét mọi thứ đều ổn thì qua ngày hôm sau tôi đi đặt cọc cũng chưa muộn. Còn nếu chẳng may bị mất cái gọi là "cơ hội hiếm có" đó thì cũng không có gì là đáng tiếc vì nó chưa từng thuộc về mình”, anh Khôi cho biết.
Thứ tư, với nhà đầu tư chưa chắc chắn về các sản phẩm đang được giới thiệu, nên thận trọng đối chiếu giá khu vực trước khi mua bẳng cách lên các website thông tin rao bán sản phẩm bất động sản lớn để đối chiếu giá giữa các bên đang chào bán cùng khu vực, tìm ra mức giá thực tế; hoặc trực tiếp tìm hiểu giá nhà đất từ người dân trên địa bàn hay đối chiếu giá nhiều sàn. Tuy nhiên, cần phải phân loại rõ giá giữa đất có pháp lý và đất chưa có pháp lý để ra được mức giá chính xác nhất.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất chính là tính pháp lý. Người mua cần phải biết ai là chủ sở hữu của bất động sản đó và pháp lý về mặt quy hoạch, xây dựng của dự án ra sao. Hiện nay, đa số các dự án đất nền nhỏ lẻ ở vùng ven thường rất “yếu” về mặt pháp lý.
Hà Nhung
>> Ôm tiền đầu tư đất nền: Tưởng lãi bạc tỷ, ai ngờ trắng tay
>> Mua nhà đất qua giấy ủy quyền: Dễ mất trắng như chơi
>> Cố mua nhà to gần trung tâm, vợ chồng trẻ đuối sức phải bán nhà trả nợ
>> Chưa hiểu những ký hiệu này trên sổ đỏ, đừng vội ôm tiền đi mua đất!