Đất Đông Anh, Hà Nội tăng chóng mặt, nhiều người dân bỏ nghề đi làm “cò đất”

Liên tục một tuần qua, các con đường ven khu vực bãi sông Hồng như: Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Hải Bối đều tấp nập nhà đầu tư về xem đất. Nhiều người dân cũng tạm thời dừng các công việc khác để làm cò đất.

Hơn một tuần sau khi Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất trình các bộ, ngành liên quan đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, dự kiến công bố vào tháng 6 tới, đất vùng ven Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Liên tục một tuần qua, các con đường ven khu vực bãi sông Hồng như: Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Hải Bối đều tấp nập nhà đầu tư về xem đất. Các văn phòng môi giới bất động sản cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Thậm chí, nhiều người dân quanh các khu vực đang làm nghề khác cũng tạm thời dừng lại để tập trung làm cò đất, môi giới kiếm lời.

Theo khảo sát của PV BizLIVE, chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá đất lại các khu vực "hot" thuộc huyện Đông Anh đã tăng 20-30%. Hiện tại, khu vực "đất vàng" Vĩnh Ngọc, khu vườn đào cạnh trung tâm Đông Anh đang ở mức 80-100 triệu đồng/m2 đất dịch vụ.

Các khu vực Tiên Dương, Nguyên Khê và Tàm Xá, Hải Bối ghi nhận sự tăng giá đột ngột từ mức 20-30 triệu đồng/m2 ở thời điểm tháng 1/2020 lên mức 30-50 triệu đồng/m2. Cá biệt nhiều lô đất mặt đường đẹp có giá 60-80 triệu đồng/m2.

Đất Đông Anh, Hà Nội tăng chóng mặt, nhiều người dân bỏ nghề đi làm “cò đất” - Ảnh 1.

NHIỀU NGƯỜI DÂN BỎ VIỆC LÀM "CÒ ĐẤT"

Bên cạnh các văn phòng môi giới bất động sản, nhiều người dân thuộc các khu vực này cũng tạm dừng công việc để tập trung cò đất.

Chị P. Nhàn, một nhân viên tư vấn bảo hiểm cho biết, thông thường công việc của chị là tư vấn bảo hiểm nhưng thấy đất đang đắt lên từng ngày, chị cũng vội vã tham gia vào công việc môi giới bất động sản.

Với mối quan hệ sẵn có từ công việc cũ, chị Nhàn nhanh chóng tiếp cận được nhiều chủ đất thuộc khu vực đang sinh sống sau đó chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội và các trang mua bán nhà đất để tìm kiếm khách hàng.

Không chỉ chị Nhàn, anh Nam, một nhân viên văn phòng ở khu vực Đông Anh cũng ngay lập tức có thêm "nghề tay trái" là môi giới bất động sản. Tranh thủ những cuộc nói chuyện tại quán trà đá, anh Nam thu thập thông tin về những miếng đất cần bán và chia sẻ tới bạn bè, người thân đang có nhu cầu mua đất.

"10 cuộc nói chuyện ở quán trà đá bây giờ thì đến 8 cuộc là nói về đất, đất nơi nào đang "hot" giá bao nhiêu, hôm nào lô nào đã chốt được khách đều được thông tin tường tận", anh Nam cho biết.

Đất Đông Anh, Hà Nội tăng chóng mặt, nhiều người dân bỏ nghề đi làm “cò đất” - Ảnh 2.

Nhiều môi giới sử dụng mạng xã hội để đăng bán đất

 Dẫn khách tới xem 1 lô đất tại thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, chị Nhàn thú thật, anh chủ đất là khách hàng cũ, anh ấy nói nếu môi giới thành công sẽ cho hoa hồng 20 triệu đồng. Khách xem đất nếu là người quen chị sẽ bớt 10 triệu lấy lộc, chỉ nhận 10 triệu từ chủ đất.

Thấy khách chần chừ chưa dám "chốt cọc", với kinh nghiệm tư vấn bảo hiểm lâu năm, chị Nhàn cho khách xem tin nhắn của một số khách hàng khác đã xem và hẹn sẽ gặp chủ đặt cọc ngay tối nay.

"Chỉ khi biết có người cạnh tranh, khách hàng mới nhanh chóng đưa ra quyết định", chị Nhàn cho hay.

Chia sẻ về thêm về nghề mới - môi giới đất, chị Nhàn cho biết, thông tin số điện thoại của chủ đất là cần phải bảo mật nhất, khi khách thực sự ưng, môi giới sẽ báo chủ chốt đặt cọc còn số điện thoại để lại trên tường, trên biển hiệu đề trước lô đất đều của "cò đất" chứ không có số nào của chủ thực sự.

Với những lợi thế là người dân địa phương sinh sống tại khu vực đó và mối quan hệ sẵn có, chỉ trong 2 tuần gần nhất, chị Nhàn đã môi giới thành công 5 lô đất, thu về hơn 100 triệu đồng tiền hoa hồng.

"Một lô đất đẹp thì chỉ đăng 1-2 ngày là có khách, hoa hồng thông thường là 1%/giá trị lô đất hoặc người quen thì tôi lấy 15 -20 triệu đồng/lô, thu nhập hơn nhiều việc tư vấn bảo hiểm thông thường", chị Nhàn nói.

CẨN TRỌNG VỚI CƠN SỐT ĐẤT

Không chỉ đợt "sốt đất" này, mà trong vòng 5-6 năm trở lại đây, bất động sản tại khu vực huyện Đông Anh đã trở qua nhiều đợt sốt.

Kể từ khi dự án cầu Nhật Tân được công bố, giá đất tại nhiều khu vực dọc theo tuyến đường Võ Nguyên Giáp đã "dựng đứng", cao gấp 3-4 lần so với trước, sau đó "rơi" đến 50% giá trị do khủng hoảng hồi 2012.

Đến giữa năm 2018 khi Hà Nội công bố quy hoạch siêu dự án 4 tỷ USD ven cầu Nhật Tân, đất Đông Anh lại một lần nữa "dậy sóng". Tuy nhiên, thông tin về việc Đông Anh sẽ "lên quận" vào năm 2020 bị bác bỏ, giá đất tại khu vực này lại sụt giảm nghiêm trọng. Ở thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư vay ngân hàng để "ôm" đều phải nhận cái kết đắng.

Tuy nhiên, đến khi có thông tin về việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, bất động sản tại đây lại thêm một lần tăng giá. Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia, vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro tại khu vực này như khu vực phải di dời hay đất dự án,...

Theo Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai,.. đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luât.

Cùng với đó, cần phải gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất; Quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch …. trên địa bàn.

Theo tờ trình đồ án của Ban cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội, diện tích bãi sông được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% khoảng 1.590 ha (5 bãi sông: Thượng Cát – Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Cha Phan - Trang Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức).

Diện tích bãi sông được phép xây dựng với tỷ lệ 15% khoảng 408 ha (bãi Tàm Xá -Xuân Canh) theo số liệu tính toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi.

"Các bãi sông trên được định hướng xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, các khu nhà ở sinh thái chất lượng cao đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng đô thị phục vụ cho dân cư hai bên sông và khu vực nội đô. Các công trình thiết kế chịu lũ với tầng 1 sử dụng đỗ xe, công cộng,... để giảm thiểu thiệt hại khi có lũ.

Các khu vực bãi sông còn lại được định hướng phát triển không gian mở với các loại hình: Không gian công viên - quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, phục hồi tự nhiên và không gian sinh thái nông nghiệp nhằm đa dạng hóa việc sử dụng khu vực ven sống tùy theo đặc điểm về địa hình địa chất và vị trí của các bãi sông…", tờ trình cho biết.