Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) là một “ông lớn” nhưng có báo cáo tài chính rất “bết bát”. Trong khi nhiều dự án “đất vàng” do đơn vị này quản lý đang bị bỏ hoang, dùng sai mục đích khiến dư luận xót xa.
.
Nằm ở vị trí đắc địa giữa trung tâm Hà Nội, nhưng nhiều khu đất do Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) quản lý đã bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên, người dân xót xa cho tài sản của Nhà nước bị bỏ hoang phí.
Đầu tiên phải kể đến khu đất rộng 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được VICEM quản lý sử dụng từ năm 1959. Trong đó có Viện chiến lược của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam.
Khu đất 122 Vĩnh Tuy được chia ra 3 khu. Khu 1 với diện tích 15.091 m2 là phần kho tàng, bến bãi; Khu 2 diện tích 17.381 m2 đã được UBND TP Hà Nội cho Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc thuê; Khu 3 có diện tích 5.893 m2 làm trụ sở và nhà để xe; khu 4 với diện tích 10.982 m2 đã được UBND TP Hà Nội cho Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc thuê.
Năm 2012, Hội đồng thành viên VICEM phê duyệt thực hiện dự án khu nghiên cứu và phát triển, tổ hợp công trình tại lô đất trên. Tổng mức đầu tư dự án theo kế hoạch là 6.500 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện dự án bao gồm vốn tự có của VICEM chiếm 20%, vốn vay thương mại chiếm 80%.
Tháng 1/2019, VICEM đề nghị Bộ Xây dựng cho phép tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất này để đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngày 1/3/2019, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc thống nhất đề xuất của VICEM và đề nghị Bộ Tài chính thực hiện việc xử lý sắp xếp theo quy định.
Được biết, VICEM đề xuất thay đổi khu đất này từ "Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy" thành "tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hóa sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc VICEM theo quy hoạch của TP Hà Nội". Đề xuất này được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương song Bộ Tài chính không đồng ý.
Đến thời điểm tháng 3/2021, tại khu đất rộng lớn do VICEM quản lý này vẫn chỉ thấy khung cảnh hoang vắng với hàng loạt dãy nhà cũ kỹ, bỏ không.
Khu nhà xưởng hoang tàn, xuống cấp.
Phần lớn diện tích khu đất ngõ 122 Vĩnh Tuy đang bỏ hoang.
Nhiều hạng mục bên trong khu đất bỏ hoang, xuống cấp. Nơi đây trở thành địa điểm cho người già đi tập thể dục và trẻ nhỏ đạp xe, đá bóng.
Một phần lớn khu đất được sử dụng sai mục đích, đó là làm sân tennit để kinh doanh.
Trái ngược với vẻ ảm đạm của ngành nghề chính liên quan đến xi măng, dịch vụ cho thuê sân đánh tennit khá đông khách.
Các xe ra vào sân đánh tennit khá tấp nập.
Một khu đất "kim cương" khác do VICEM quản lý ở Hà Nội bị bỏ hoang nữa là dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM (VICEM TOWER) với diện tích 8.476 m2 tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Dự án được cấp phép năm 2011 và được dự kiến hoàn thành vào năm 2014 nhưng đến nay hiện trạng vẫn như trong hình. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.952 tỷ đồng nhưng sau đó được điều chỉnh tăng lên 2.743 tỷ đồng (tăng thêm gần 800 tỷ đồng).
Dự án được xây dựng theo quy mô hạng A trên diện tích 8.476m2, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm.
Theo ghi nhận của PV VOV.VN, hiện tòa tháp VICEM TOWER đã hoàn thiện phần thô. Dự án vẫn "án binh bất động", "đắp chiếu" gần chục năm qua, công trường không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, cỏ hoang mọc ở nhiều nơi, hàng rào bao quanh đã xuống cấp.
Dự án thuộc khu "đất vàng" của Hà Nội, số 90 Phạm Hùng nằm trơ "xác khô" nhiều năm gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.
Nhiều hạng mục của công trình đang xuống cấp nghiêm trọng do bị để hoang quá lâu.
Liên quan tới tòa tháp "đắp chiếu" này, ngày 20/3/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo việc chuyển nhượng dự án. Ngoài ra, theo chủ trương của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Tháng 6/2019, lãnh đạo VICEM cho biết muốn xin bán lại trụ sở văn phòng trên và cho rằng, đây là một trong những mục tiêu của VICEM trong việc tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ.
Ngày 9/11/2019, VICEM trình Bộ Xây dựng phê duyệt chấp thuận thay đổi phương án xử lý với lô đất này từ "giữ lại tiếp tục quản lý sử dụng" theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất thành "Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất". Tuy nhiên, đến thời điểm lập báo cáo tài chính công ty mẹ quý II/2020 (ngày 15/8/2020), VICEM vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Xây dựng. Trong khi đó, đến cuối năm 2019, chi phí xây dựng của VICEM tại dự án này đã lên đến 773 tỷ đồng. Không biết ban lãnh đạo, HĐTV của VICEM sẽ xử lý những mớ "bùng nhùng" này như thế nào, báo cáo Thủ tướng ra sao với những bết bát trong điều hành sản xuất kinh doanh và đưa con tàu VICEM thoát khỏi vũng lầy./.