Sốt đất khắp nơi (*): Trách nhiệm thuộc về ai?

Trước tình trạng sốt đất, nhiều địa phương đã có động thái chấn chỉnh, cảnh báo đến người dân, nhà đầu tư nhưng đó chỉ mới là biện pháp hạ sốt tức thời.

Ông NGUYỄN VĂN ĐÍNH, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam:

Gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương

Chính quyền các địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai, bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật. Thậm chí, phải gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với các hiện tượng sốt đất . Tăng cường quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch... trên địa bàn.

Cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương cần cung cấp đầy đủ thông tin, kịp thời về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn để người dân nắm được, tránh bị tâm lý đám đông hùa theo vì thiếu thông tin. Các cơ quan chức năng liên quan, nhất là ở địa phương, từ cấp xã, huyện cần cương quyết xử lý tin đồn thất thiệt, nhất là tin tức tạo dựng làm sốt đất. Về lâu dài, Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh số hóa quy hoạch, sản phẩm BĐS, để người dân thuận tiện tra cứu thông tin. Cần quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch, môi giới BĐS.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM:

Xử nghiêm đầu nậu cấu kết với cán bộ

Để xảy ra tình trạng sốt đất, sốt ảo và nguy cơ bong bóng BĐS, trách nhiệm trước hết thuộc về các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương. Trước mắt, chính quyền cần sớm vào cuộc để chặn đứng những cơn sốt đất. Về lâu dài, cần xây dựng công cụ thuế đánh vào BĐS thứ 2, cơ chế tín dụng cho BĐS. Những thông tin về quy hoạch cần thông báo rõ ràng, chính xác, công khai, minh bạch tại các địa phương để người dân nắm được, tránh bị kẻ xấu lợi dụng tung tin đồn không đúng bản chất quy hoạch để đẩy giá đất, gây sốt ảo.

Đặc biệt, cơ quan quản lý phải kết hợp báo chí, truyền thông để tuyên truyền, ngăn chặn các thông tin sai lệch để người dân không bị sập bẫy. Điều quan trọng nhất là cần xử lý nghiêm việc đầu nậu cấu kết với cán bộ địa phương, cấp cơ sở biến chất, tung tin để đẩy giá, thổi giá và đưa các nội dung không chính xác ra thị trường. Nếu để họ tác oai tác quái chắc chắn tình trạng sốt ảo còn lặp lại khiến người dân thiệt hại, kinh tế nhiễu loạn theo.

Sốt đất khắp nơi (*): Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1.

Đất được phân lô, bán sang tay nhiều ở khu vực huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Ảnh: MINH CHIẾN

Chuyên gia kinh tế - TS ĐINH THẾ HIỂN:

Cần có chính sách thuế nhà đất

Với những khu vực có quy hoạch được đầu tư trung dài hạn thì sốt giá đất vẫn có thể xảy ra khi nhà đầu tư kỳ vọng, cơ quan quản lý không thể cấm điều này. Nếu đất tăng giá theo cơ sở hạ tầng phát triển, theo những dự án lớn như sân bay, cảng biển, khu đô thị… được công bố, quy hoạch rõ ràng là hợp lý. Hoặc ở những địa phương phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền địa phương thu hút đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp làm ăn tốt, giá đất tăng là bình thường.

Những vùng tăng giá ảo, sốt giá, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý ngành cần nhanh chóng vào cuộc, cung cấp thông tin rõ ràng để nhà đầu tư, thị trường thấy tiềm năng thật sự của vùng đất đó, hạn chế tình trạng đổ xô đi mua đất. Dứt khoát địa phương phải thông báo rõ ràng về việc không có chuyện đất nông nghiệp chuyển thành đất thổ cư; đất nông nghiệp không được phân lô, bán nền và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm để làm gương, cơn sốt đất sẽ hạ nhiệt. Về lâu dài, vẫn cần nghiên cứu chính sách về thuế BĐS.

Để hạn chế sốt đất theo khu vực, nhà nước cần công bố quy hoạch ở từng địa phương theo lộ trình cụ thể. Quy hoạch nào cấp quốc gia, quy hoạch nào cấp địa phương…, cần công bố sớm theo lộ trình rõ ràng, công khai, minh bạch. Tránh thông tin chưa công bố nhưng thị trường đã xôn xao và người dân ùn ùn kéo nhau đi mua đất.

TS NGUYỄN QUỐC ANH, Khoa Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP HCM:

Thu hẹp khung giá đất với giá thị trường

Thu hẹp khung giá đất với giá thị trường là bài toán cần phải giải quyết sớm để tránh những phát sinh, hệ lụy. Ở một số nước có quy định về việc đánh thuế tài sản là BĐS, quy định về việc mua đi bán lại nhà đất trong thời gian ngắn sẽ bị đánh thuế. Càng mua bán lướt sóng nhiều, thuế lũy tiến càng cao.

Về lâu dài, có thể nghiên cứu lập sàn giao dịch BĐS của nhà nước, đăng ký giao dịch nhà đất qua sàn này, bắt buộc kết nối với hệ thống ngân hàng thương mại để xác định và kiểm soát luồng tiền. Từ đó có thể xác định mua nhà đất để ở hay đầu cơ, kinh doanh.

Một vấn đề khác cũng cần chú ý là do danh mục đầu tư của nền kinh tế còn khá nghèo nàn nên nhiều năm qua, người có tiền nhàn rỗi, đầu tư chỉ có thể mua vàng, ngoại tệ, BĐS, chứng khoán hay gửi tiết kiệm… Nhưng hiện tại, cơ quan quản lý kiểm soát chặt thị trường vàng, tiền tệ, tỉ giá ổn định khiến các kênh đầu tư này gần như không có "sóng", chỉ còn chứng khoán, BĐS. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra sốt đất thời gian gần đây.

Do vậy, trong tương lai, để đáp ứng nhu cầu đầu tư chính đáng của người dân thì bên cạnh những kênh truyền thống, có thể phát triển một số kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp, kỳ phiếu, tín phiếu (giấy tờ có giá)…

Thực tế, không chỉ doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu để huy động vốn mà cả ngân hàng thương mại cũng có nhu cầu tăng vốn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Cơ quan quản lý nhà nước có thể hỗ trợ để xây dựng sàn giao dịch chuyên nghiệp cho các loại giấy tờ có giá này với những quy định cụ thể cho cả nhà đầu tư cá nhân tham gia.

Ngoài ra, việc thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu phát triển để hình thành nên sàn giao dịch chuyên nghiệp, cũng có thể trở thành kênh đầu tư mới cho cả người dân và doanh nghiệp.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính:

Phát triển nhiều quỹ đầu tư cho cá nhân

Những kênh đầu tư ở Việt Nam dành cho cá nhân hiện nay không thiếu từ gửi tiết kiệm, vàng, ngoại tệ, chứng khoán, BĐS, trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí cả một số kênh không chính thống như forex (ngoại hối), tiền ảo… Tuy nhiên, thông tin cụ thể thì không phải kênh đầu tư nào cũng có đủ, khiến người dân, nhà đầu tư không nắm rõ kênh nào đầu tư an toàn, sinh lời, chỉ có bỏ tiền vào đất là an toàn và dễ sinh lời nhất.

Việt Nam không có đơn vị trung gian hỗ trợ nhà đầu tư trên thị trường gồm các quỹ đầu tư hoặc công ty môi giới… Như tại Mỹ, có rất nhiều quỹ tương hỗ phát triển mạnh đại diện cho phần vốn của nhà đầu tư (thông qua việc phát hành chứng chỉ đầu tư của quỹ) để bỏ vào vàng, BĐS hoặc chứng khoán. Tùy thuộc vào nhu cầu, tiêu chí về mức sinh lời, loại hình doanh nghiệp, các quỹ tương hỗ này sẽ đầu tư giúp khách hàng.

Vì không có các quỹ trung gian như thế nên người có tiền nhàn rỗi hoặc nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam thường tự mua bán BĐS, chứng khoán theo hiểu biết riêng của mình. Hoặc nếu có thì các quỹ này cũng chưa tạo được lòng tin cho nhà đầu tư, làm việc chưa chuyên nghiệp khi báo cáo không rõ ràng. Hệ lụy là nhà đầu tư thường đổ vốn theo tâm lý bầy đàn, nơi nào có sốt là tranh mua tranh bán gây mất ổn định thị trường. Do đó, cần tổ chức và xây dựng các quỹ đầu tư, công ty môi giới chuyên nghiệp hơn để có thể thay mặt nhà đầu tư chọn kênh, tìm nơi rót vốn hợp lý, tránh đầu tư theo cảm tính, đám đông.

Bộ Xây dựng vào cuộc

Bộ Xây dựng cho biết đang tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường BĐS, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn, đặc biệt là về hệ thống đường giao thông...) để làm giá, đẩy giá BĐS lên cao nhằm thu lợi bất chính; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23-4-2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.

V.Duẩn

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-3