BĐS nghỉ dưỡng tê liệt, hàng loạt khách sạn rao bán
Bão tố liên quan đến pháp lý và “giọt nước tràn ly” Cocobay cuối năm 2019 chưa kịp lắng xuống thì BĐS nghỉ dưỡng đón thêm cú sốc mới từ dịch Covid-19. Giãn cách xã hội cùng với việc hủy bỏ các chuyến bay quốc tế khiến các thủ phủ nghỉ dưỡng tê liệt vì vắng khách.
Không có khách du lịch nước ngoài, các cơ sở lưu trú lay lắt cầm cự. Hàng loạt khách sạn buộc phải đóng cửa sau 2 đợt dịch. Báo cáo ngày 3/9/2020 của Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đến hết tháng 8, trên địa bàn có tới 950 cơ sở lưu trú ngừng hoạt động. Những khách sạn cao cấp chuyên phục vụ khách quốc tế như Hilton Hanoi Opera, Melia, Authentic Hanoi... rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Một tâm dịch khác là Đà Nẵng cũng phải đóng cửa 955 cơ sở lưu trú từ ngày 28/7, theo thông tin từ ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở du lịch TP.
Thậm chí khó khăn kéo dài còn khiến hàng loạt khách sạn phải rao bán, chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thuê khách sạn để kinh doanh hoặc dùng đòn bẩy tài chính muốn bảo toàn vốn hoặc chuyển hướng đầu tư. Tuy nhiên, những chủ đầu tư dự án lớn cũng “thấm đòn”, có thể đối mặt nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào. Đến tháng 9/2020, thời điểm giữa đợt dịch Covid-19 lần 2, ngay cả những thủ phủ nghỉ dưỡng cũng xuất hiện nhiều khách sạn phải rao bán. Sở du lịch TP. Đà Nẵng cho biết trong số hơn 1.000 cơ sở lưu trú trên địa bàn có khoảng 250-260 khách sạn/căn hộ/biệt thự phải rao bán.
Khách sạn Fusion suites Saigon rao bán vào giữa tháng 9/2020 với giá 1.165 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Nam.
Mặc dù vậy, trong bóng đêm thị trường vẫn xuất hiện những đốm sáng nhỏ là những điểm du lịch không quá xa các thành phố lớn có thể đáp ứng xu hướng du lịch Staycation - du lịch tại chỗ. Một khảo sát của TinNhaDatVN.Com thời điểm tháng 10/2020 cho thấy, nhiều khu nghỉ dưỡng, homestay vùng ven đô như Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Sơn Tây (Hà Nội), Hòa Bình, Vĩnh Phúc… đều kín phòng vào dịp cuối tuần. Khách muốn có phòng phải đặt chỗ từ trước cả tuần, thậm chí có homestay còn phải đặt và chuyển cọc trước nửa tháng.
Ngoài ra, việc Nhà nước kích cầu du lịch nội địa cũng giảm bớt khó khăn cho một số thị trường nghỉ dưỡng. Lượng khách nội địa trở thành phao cứu sinh để các doanh nghiệp có thể “thoi thóp” chờ đợi bão Covid qua đi.
Nhà riêng, nhà phố cho thuê giảm giá và ế ẩm chưa từng có
Mặt bằng nhà phố cho thuê đóng cửa hàng loạt vì vắng khách. Ảnh: Phương Uyên
Nhà riêng, nhà phố tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, đặc biệt tại các khu vực sầm uất luôn giữ vị thế kim cương, chỉ có tăng không có giảm. Tuy nhiên, sau 2 đợt tàn phá của Covid-19, hàng loạt ngành hàng không thể bám trụ khiến việc cho thuê gặp khó khăn. Lần đầu tiên trong lịch sử, các chủ mặt bằng chịu nhân nhượng với khách thuê, chấp nhận để khách thuê ngã giá. Thậm chí một số còn phải rao bán tài sản sau nhiều tháng ròng không thể cho thuê.
Theo báo cáo thị trường 2020 của TinNhaDatVN.Com, mức độ quan tâm nhà riêng, nhà mặt phố cho thuê tại Hà Nội sụt giảm mạnh, lần lượt là 16% và 35%. Giá cho thuê nhà mặt phố cũng sụt giảm mạnh không kém và xu hướng này vẫn chưa dừng lại. Cụ thể, giá thuê tại hầu hết các quận huyện Hà Nội đều giảm, mức giảm phổ biến từ 7-15%. Giá cho thuê nhà riêng cũng giảm thấp nhất là 2%, cao nhất là 13%.
Giá thuê nhà mặt phố tại Hà Nội và TP.HCM đều sụt giảm tại hầu hết các quận huyện. Nguồn: TinNhaDatVN.Com
Tại TP.HCM, thị trường nhà riêng, nhà mặt phố cũng ghi nhận một năm “bết bát” vì tác động của dịch Covid-19. Mức độ quan tâm nhà riêng, nhà phố cho thuê giảm lần lượt 24% và 35%. Giá chào thuê thậm chí giảm sâu hơn Hà Nội, với mức giảm thấp nhất là 5%, cao nhất lên tới 38%.
Khảo sát thực tế hồi tháng 9/2020 của TinNhaDatVN.Com cũng cho thấy, hàng loạt mặt bằng nhà phố cho thuê tại TP.HCM phải đóng cửa. Làn sóng trả mặt bằng, bỏ kinh doanh rầm rộ chưa từng có. Không ít chủ nhà đã chấp nhận giảm giá thuê 30% thậm chí 50% và cao hơn so với trước dịch nhưng vẫn bị khách thuê ngó lơ.
BĐS công nghiệp đón thời cơ vàng, nhu cầu tìm kiếm bùng nổ
Thương chiến Mỹ - Trung và thêm cộng hưởng của Covid-19 tạo ra lợi thế cho BĐS công nghiệp Việt Nam, cơ hội đón tiếp hàng loạt ông lớn ngành bán lẻ, sản xuất tìm kiếm sân chơi mới.
Lượng tìm kiếm BĐS khu công nghiệp bùng nổ trong quý 2/020. Nguồn: TinNhaDatVN.Com
Theo báo cáo thị trường quý 2/2020 của TinNhaDatVN.Com, bắt đầu từ tháng 4/2020, khi hoạt động thị trường khởi sắc trở lại, lượt tìm kiếm BĐS cũng tăng cao ở nhiều phân khúc, dẫn đầu là BĐS công nghiệp. Cụ thể, lượng tìm kiếm loại hình này tăng 32% so với mức trung bình toàn thị trường kể từ tháng 6/2019. Nếu xét theo từng địa bàn, chỉ số này đang lập kỷ lục mới. Đơn cử, KCN Nam Tân Uyên, Đồng An (Bình Dương) ghi nhận lượt tìm kiếm tăng 132-173%, KCN Vĩnh Lộc (TP HCM) cũng tăng 175% lượt tìm kiếm.
Cùng với đó, mức độ quan tâm bất động sản nhà ở quanh các khu công nghiệp tại Bình Chánh (TP. HCM), Hồng Bàng (Hải Phòng), Việt Yên (Bắc Giang), Bắc Tân Uyên (Bình Dương) lần lượt tăng 25%, 42%, 76% và 88%.
Đặc biệt, dù chịu thêm cú giáng mạnh của dịch Covid-19 lần 2 nhưng sang quý 3/2020 thị trường BĐS công nghiệp vẫn tiếp tục khởi sắc. Lượt tìm kiếm tại các khu công nghiệp vẫn tăng mạnh so với quý 2. Đơn cử KCN Yên Phong (Bắc Ninh) tăng 53%; KCN Tân Tạo (TP. HCM) tăng 37%); KCN Hiệp Phước (TP. HCM) tăng 23%... Nhu cầu tìm kiếm tăng khiến giá rao bán đất nền quanh một số KCN phía Bắc như Yên Phong, Từ Sơn... có dấu hiệu tăng nhẹ.
Theo đánh giá của TinNhaDatVN.Com, lượng tìm kiếm bất động sản công nghiệp của nhà đầu tư và nhà sản xuất bùng nổ trong quý 2 và 3 là do trước đó các giao dịch đã bị trì hoãn bởi dịch bệnh. Đây cũng là bước đệm chuẩn bị cho giai đoạn đón “đại bàng” lĩnh vực BĐS công nghiệp trong thời gian tới.
Ngọc Sương