Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, TP HCM được tổ chức theo 5 vùng đô thị với 5 trung tâm chính. Đó là trung tâm TP HCM hiện nay, trung tâm TP Thủ Đức, trung tâm thành phố phía Bắc (khu vực giao giữa Vành đai 3 và Quốc lộ 22 đến cao tốc Mộc Bài - TP HCM), trung tâm thành phố phía Tây (khu vực Tân Kiên) và trung tâm thành phố phía Nam (khu vực Phú Mỹ Hưng mở rộng về phía Nam).
Góp ý đồ án, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng), cho rằng đây là đồ án điều chỉnh quy hoạch chung nên phải đáp ứng vấn đề dự báo và tầm nhìn chiến lược cho 20 và 40 năm sau.
Theo bà, trước mắt phải giải quyết được các vấn đề thực tiễn, các điểm nghẽn của thành phố trong thời gian qua như vấn đề sử dụng đất, hạ tầng, giao thông, ngập lụt… Đồng thời, thành phố phải đưa ra những vấn đề thực tiễn phù hợp với nguồn lực, mang tính khả thi, tránh những hệ lụy do vấn đề quy hoạch chưa được thực hiện.
Bà Trần Thu Hằng cũng đề nghị hoàn thiện một số điểm trong đồ án để bảo đảm cơ sở thẩm định. Cụ thể như thuyết minh rõ hơn các nội dung về phân vùng đô thị, sử dụng đất, làm rõ tính nổi trội, tính khác biệt giữa các vùng đô thị… Theo Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, đây là những vấn đề quan trọng vì thành phố phân 5 vùng đô thị để tiến tới hình thành các thành phố trong tương lai…
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị đơn vị tư vấn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát, tiếp thu ý kiến đóng góp để tổ chức các cuộc trao đổi chuyên sâu về các chủ đề trong tháng 1-2024.
Ông Phan Văn Mãi đặc biệt lưu ý phải rút kinh nghiệm từ quy hoạch chung TP Thủ Đức. "Lẽ ra quy hoạch chung TP Thủ Đức phải phê duyệt tháng 12-2022 nhưng đến bây giờ chưa xong giải trình, đã trễ 1 năm và còn trễ nữa. Chúng ta không để bài học này lặp lại với đồ án quy hoạch chung TP HCM" - ông nói, từ đó nhấn mạnh công tác chuẩn bị hồ sơ phải hết sức chặt chẽ.