Mua đi bán lại một mảnh đất để hưởng chênh lệch là một trong những kênh đầu tư được nhiều người yêu thích. Khi giá nhà đất ngày càng đắt đỏ và quỹ đất trung tâm khan hiếm, những nhà đầu tư vốn nhỏ tầm dưới 5 - 10 tỷ đồng thường chọn mua các mảnh đất vùng ven, xa trung tâm chờ tăng giá. Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt và lạm phát diễn ra nhanh hơn dự báo đang khiến đất đai cùng với vàng, mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng giá mạnh. Trong bối cảnh này, nhiều người lựa chọn mua đất tránh lạm phát cũng như tìm kiếm cơ hội sinh lời.
Là người khá "mát tay" với việc chọn mua đất vùng ven, ngoại thành Hà Nội, từng mua bán thành công nhiều mảnh đất, chị Thu An (tên nhân vật đã được thay đổi) cho rằng trước khi xuống tiền mua nên đầu tư thời gian tìm hiểu, đến trực tiếp xem xét mảnh đất để giảm thiểu rủi ro cho suất đầu tư. Dưới đây chị An chia sẻ một số kinh nghiệm để tránh các rủi ro về quy hoạch, pháp lý khi tìm mua đất vùng ven:
1. Đất dính quy hoạch
Một người bạn của chị An mới đây mua phải mảnh đất dính quy hoạch đã phải bỏ cọc số tiền khá lớn. Chị An cho biết, để đề phòng mất cọc, nếu chưa check được quy hoạch ngay thì trong hợp đồng đặt cọc cần thêm điều khoản "đất không dính quy hoạch, không tranh chấp... nếu không phải hoàn lại tiền cọc".
Một lô đất tại Chương Mỹ, Hà Nội đang được rao bán trên TinNhaDatVN.Com với giá 7,5 triệu/m2
Chị kể, mới đây chị rất ưng ý một số lô đất lẻ trong dân rao bán, khi vào xem sổ đã định đặt cọc ngay để giữ đất. Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều lần xem đất đã giúp chị bình tĩnh về nhờ địa chính check và phát hiện ra các lô đất bị quy hoạch đường mở rộng ăn vào 4m nên không thể tách sổ. Nhờ sự bình tĩnh này chị Xuân đã tránh đặt cọc có thể lỡ việc đầu tư, vì phải chờ đợi lấy lại cọc...
"Khi check quy hoạch, nếu vùng nào có thể dùng app check người mua nên kiểm tra trước, và khi xem được sổ mảnh đất thì nên cầm lên nhờ địa chính xã hoặc huyện check cho chắc trước khi cọc hay mua bán", chị An chia sẻ.
2. Đất bàn giao không đúng trong sổ
Theo chị An đây cũng là trường hợp thỉnh thoảng xảy ra và được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn. Trong quá trình đi mua đất, chị từng gặp trường hợp một người quen mua 1 mảnh đất và chủ đất giao sổ nhầm của 1 mảnh khác (vì chủ đất có 2 mảnh gần nhau cùng một khu). Để tránh mất thời gian cho trường hợp này, trước khi công chứng nên yêu cầu chủ hoặc tự mình gọi địa chính để xác định lại, cũng như trích đo lại để tránh thừa thiếu, tranh chấp.
Tìm kiếm đầu mối liên hệ là cư dân hoặc người am hiểu khu đất định mua giúp tăng khả năng thành công cho suất đầu tư. Ảnh minh họa
3. Mua đất trên sổ không biểu hiện đường
Trường hợp này theo chị An không phải hiếm gặp. Nhiều sổ đất vuông vắn, đẹp, nhưng lại không thể hiện đường trên sổ. Người mua nên lưu ý hỏi kỹ chủ đất, địa chính vì rất có thể ngõ, lối vào mảnh đất định mua thuộc sở hữu của nhà khác. Nếu chủ cũ vẫn ở mảnh đất đó thì có thể thương lượng nhưng nhiều trường hợp không hỏi kỹ sẽ không có ngõ để đi, chưa kể dính vào tranh chấp mệt mỏi.
Một trường hợp nữa khi mua đất phân lô dân tự chia ra, nhưng đường đi là do chủ phân lô tự lấy đất làm nên khi mắc điện không phải đất đường chung thì bên điện lực sẽ không kéo điện vào được...
4. Lỗ hổng trong hợp đồng công chứng
Thông thường khi công chứng bên mua và bán thỏa thuận để giá đất thấp nhất nhằm giảm tiền thuế, nhưng theo chị An tìm hiểu thì việc làm này có 1 lỗ hổng rất đáng lo. Cụ thể nếu bên bán làm đơn không bán nữa và yêu cầu dừng ra sổ đỏ cho bên mua, cũng như đền bù lại bằng hợp đồng công chứng thì sẽ dựa trên số tiền đã thỏa thuận khi công chứng chứ không phải tiền giao dịch thực tế. Do đó, khi giao dịch tiền đợt cuối, người mua nên có thêm văn bản mua bán số tiền thật, quay video hay chứng từ chuyển khoản làm xác nhận. Ngoài ra, người mua cũng nên xin lại cả bản hợp đồng mua bán ở phòng công chứng của bên bán.
Hải Âu (ghi)
>> Những lưu ý "sống còn" khi lùng mua đất làm nhà vườn, homestay
>> 5 cách giúp người làm công ăn lương sớm mua được nhà