Bản đồ quy hoạch huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội đến năm 2030

Theo bản đồ quy hoạch huyện Thạch Thất đã duyệt, huyện sẽ được xây dựng trở thành trung tâm đô thị phía Tây Hà Nội về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tiểu thủ công nghiệp kết hợp du lịch, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái.

Bản đồ quy hoạch huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 được UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 5785/QĐ-UBND ngày 7/11/2014.

Phạm vi, ranh giới, thời hạn lập quy hoạch

Phạm vi: Gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính huyện Thạch Thất, khoảng 17.459,05 ha.

Ranh giới lập quy hoạch:

  • Phía Bắc và Đông Bắc giáp huyện Phúc Thọ
  • Phía Nam và Đông Nam giáp huyện Quốc Oai
  • Phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Hoà Bình
  • Phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây

Thời hạn lập quy hoạch: Định hướng đến năm 2030.

Thông tin hạng mục quy hoạch huyện Thạch Thất chi tiết

Định hướng phát triển không gian

Mô hình không gian huyện Thạch Thất chuyển từ cấu trúc huyện nông nghiệp – làng nghề với trung tâm là thị trấn Liên quan (huyện lỵ) sang cấu trúc Đô thị vệ tinh – Hành lang xanh.

bản đồ quy hoạch huyện thạch thất

Bản đồ quy hoạch huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội đến năm 2030.

Định hướng phát triển đô thị

Gồm thị trấn Liên Quan, một phần đô thị sinh thái Quốc Oai, một phần đô thị vệ tinh Hòa Lạc và một phần đô thị sinh thái Phúc Thọ. Trong đó:

Khu vực thuộc đô thị sinh thái Quốc Oai: Phát triển mô hình đô thị sinh thái và cụm công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Kiểm soát ranh giới phía Bắc đô thị sinh thái Quốc Oai với cụm làng nghề Phùng Xá - Phú Bình, tổng diện tích đất tự nhiên dự kiến khoảng 246 ha, thuộc 1 phần đất của các xã Phú Bình và Thạch Xá.

Khu vực thuộc đô thị vệ tinh Hòa Lạc: Là trung tâm khoa học – công nghệ cao của quốc gia. Đầu tư các cơ sở trọng tâm là Khu công nghệ cao Hà Nội, Đại học quốc gia Hà Nội. Phát triển mô hình đô thị nén có hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, giữ gìn cảnh quan đô thị, bảo tồn hệ thống mặt nước phía Tây quốc lộ 21 và vùng núi Viên Nam phía Tây đô thị Hòa Lạc. Kiểm soát ranh giới phía Bắc và phía Tây đô thị vệ tinh Hòa Lạc với cụm làng Tân Xã – Bình Yên – Thạch Hòa; cụm làng Đồng Trúc – Cần Kiệm – Hạ Bằng. Tổng diện tích đất tự nhiên dự kiến khoảng 9.383,2 ha, thuộc địa bàn các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Tân Xã, Thạch Hòa và 1 phần xã Đồng Trúc, Hạ Bằng.

Thị trấn Liên Quan: Được xác định là trung tâm kinh tế, chính trị, hành chính, văn hóa, thể dục thể thao của toàn huyện. Tại đây, phát triển theo mô hình sinh thái mật độ thấp, mở rộng không gian về phía Nam xã Kim Quan, kết nối với tuyến đường Bắc Nam. Đồng thời, kiểm soát môi trường dọc sông Tích, duy trì cấu trúc truyền thống các khu dân cư hiện hữu nhằm giãn dân số, di dân trong các khu vực làng sớm, bổ sung quỹ đất cho các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm phục vụ cư dân.

Khu vực thuộc đô thị sinh thái Phúc Thọ: Tại đây, phát triển dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp và mô hình đô thị sinh thái. Kiểm soát ranh giới phía Nam đô thị sinh thái với cụm làng xã Đại Đồng. Dự kiến tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 297,6 ha.

Phát triển nhà ở đô thị theo chỉ tiêu quy hoạch đô thị, trung bình khoảng 35-45m2/người. Nhà ở nông thôn trung bình khoảng 200-300m2/hộ. Khu miền núi gồm các xã Yên Bình, Yên Trung đạt trung bình khoảng 150-300m2/hộ. Khu trung du gồm các xã Tân Xã, Thạch Hòa, Hạ Bằng, Cần Kiệm, Lại Thượng, Đồng Trức, Bình Yên, Cẩm Yên, trung bình khoảng 120-240m2/hộ. Khu đồng bằng gồm các xã Bình Phú, Chàng Sơn, Phùng Xá, Hữu Bằng, trung bình khoảng 80-180m2/hộ.

Định hướng phát triển khu dân cư nông thôn

Mô hình nông thôn huyện chuyển từ cấu trúc làng xã sang cấu trúc “cụm làng – trung tâm đổi mới”, có vành đai khép kín giới hạn không gian làng xã không xâm lấn vào không gian Hành lang xanh Hà Nội, bảo vệ đất nông nghiệp, đảm bảo hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu giúp làng xã phát triển linh hoạt.

Cụm làng giáp với thị trấn Liên Quan: phát triển nhà ở nông thôn kết hợp với nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái. Đồng thời, duy trì làng nghề truyền thống, cải thiện công nghệ không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, kiểm soát phát triển trên tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì.

Cụm làng giáp với đô thị sinh thái Quốc Oai (4 xã Phùng Xá, Chàng Sơn, Hữu Bằng, Bình Phú): Duy trì làng nghề truyền thống, cải thiện công nghệ không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường khu dân cư, khuyến khích giãn dân ra bên ngoài cụm làng, lưu giữ hành lang thoát nước tự nhiên, mở rộng đất tiểu thủ công nghiệp trên tỉnh lộ 419 và tuyến đường Bắc Nam, bổ sung công trình công cộng.

Cụm làng giáp với đô thị vệ tinh Hòa Lạc (3 xã Bình Yên, Hạ Bằng, Đồng Trúc): Duy trì bản sắc vùng bán sơn địa, hình thành các không gian sinh thái ngăn cách với đô thị. Đồng thời, phát triển các tiện ích về không gian sinh thái nông nghiệp nông thôn như ẩm thực, giải trí, nghỉ dưỡng; cấm xây dựng mới dọc theo tuyến vành đai đô thị Hòa Lạc.

Cụm làng giáp với đô thị vệ tinh Phúc Thọ (xã Đại Đồng): Kiểm soát phát triển nhà ở trên tỉnh lộ 419, duy trì không gian xanh, hệ thống ao hồ, bảo vệ cấu trúc làng nông nghiệp.

Cụm làng dọc 2 bờ sông Tích (các xã Thạch Xá, Cần Kiệm, Lại Thượng, Cẩm Mỹ): Bảo tồng các giá trị làng nông nghiệp lâu đời, cải tạo cảnh quan hai bên bờ sông, tiếp tục triển khai dự án “Làm sống lại bờ sông Tích”.  Riêng cụm làng gắn với chùa Tây Phương được ưu tiên đầu tư thành trung tâm dịch vụ du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của huyện. Phát triển giải trí sinh thái, du lịch, dịch vụ.

Định hướng phát triển không gian xanh

Không gian xanh của huyện gồm vùng nông nghiệp sinh thái, lâm nghiệp, công viên đô thị, mặt nước và không gian xanh trong các cụm làng.

Vùng sinh thái nông nghiệp chủ yếu nằm trong Hành lang xanh Thủ đô: Duy trì vùng trồng lúa, hoa, màu, cây ăn quả, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Vùng lâm nghiệp thuộc các xã Tiến Xuân, Bình Yên, Yên Trung: Duy trì và bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng họ. Khu vực dự kiến phát triển đô thị vệ sinh Hòa Lạc sẽ tiếp tục trồng rừng hoặc hình thành vườn ươm khi chưa có nhu cầu xây dựng.

Mặt nước: Giữ gìn và khôi phục hệ thống đầm nước, sông hồ. Thiết lập hành lang bảo vệ sông Tích, các kênh rạch, hồ trong đô thị, trong các cụm làng nhằm tăng cường khả năng thoát nước và phát triển du lịch sinh thái.

Công viên đô thị: Xây dựng hệ thống công viên vườn hoa theo quy hoạch đô thị đã được duyệt như công viên giải trí, công viên chuyên đề, công viên văn hóa, đồng thời phát triển công viên vườn cây kinh tế, vườn cây ăn quả trong các đô thị sinh thái.

Không gian xanh trong các cụm làng: Duy trì các không gian trống như vườn hộ gia đình, lạch nước, đất nông nghiệp xen kẹt, ao hồ, phát triển theo mô hình kinh tế sinh thái nhằm khai thác hiệu quả đất đai, đồng thời kiểm soát mật độ xây dựng.

Quy hoạch giao thông

Giao thông đối ngoại của Quốc gia, Thành phố và đường tỉnh

Các tuyến đường bộ:

  • Quốc lộ 21: Tuyến trục của chuỗi các đô thị trong tương lai: Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai, mặt cắt ngang điển hình rộng 80m.
  • Quốc lộ 32: Tuyến trục kết nối đô thị Sơn Tây với trung tâm Thủ đô Hà Nội được định hướng nâng cấp, cải tạo mở rộng quy mô 6 làn xe cơ giới. Bố trí tuyến đường sắt ngoại ô (tuyến số 3 kéo dài) dọc theo dải phân cách giữa của tuyến đường.
  • Đường Hồ Tây – Ba Vì: Tuyến đường có hướng tuyến Đông – Tây, kết nối đô thị trung tâm với Thạch Thất – Hòa Lạc – Ba Vì, mặt cắt ngang điển hình rộng 50m (8 làn xe).
  • Đường trục phát triển kinh tế Bắc Nam: Tuyến đường có hướng Bắc – Nam, đoạn trong đô thị có bề rộng mặt cắt ngang 60m (6 làn xe chính và đường gom đô thị hai bên), đoạn tuyến ngoài phạm vi phát triển đô thị là đường cấp I đồng bằng, bề rộng mặt cắt ngang 42m (6 làn xe).
  • Đại lộ Thăng Long: tuyến trục đường cao tốc có mặt cắt ngang điển hình rộng 140m, gồm 6 làn xe cao tốc chạy giữa, dải phân cách, đường đô thị hai bên.
  • Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2: Xây dựng tuyến mới đi tách quốc lộ 21 về phía Tây với quy mô 4-5 làn xe cao tốc.

Các tuyến đường tỉnh: Cải tạo hệ thống tỉnh lộ 419, 420, 446 tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với quy mô 4-6 làn xe.

Giao thông đường thủy: Cải tạo sông Tích, hình thành các bến đậu tại các điểm làng nghề nhằm tạo điều kiện cho phát triển du lịch làng nghề dọc sông Tích và tuyến du lịch sinh thái.

Giao thông đường không: Đảm bảo khoảng cách ly an toàn cho sân bay Hòa Lạc, nghiên cứu hỗ trợ sử dụng cho các mục đích dân sự và tìm kiếm cứu nạn phù hợp.

bản đồ quy hoạch huyện thạch thất về giao thông

Bản đồ quy hoạch huyện Thạch Thất về giao thông.

Giao thông đối nội

Đường đô thị: Các tuyến đường từ đường liên khu vực đến đường phân khu vực trong phạm vi đô thị Quốc Oai, đô thị Phúc Thọ, thị trấn Liên Quan, đô thị Hòa Lạc được xác định cụ thể trong các đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các tuyến đường huyện: Xây dựng các tuyến đường huyện theo quy hoạch phù hợp phát triển đến năm 2030, 100% đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV đồng bằng, bề rộng nền 9-12m, mặt đường 7m (2 làn xe); với các đoạn tuyến qua khu vực dân cư tập trung sẽ thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, bề rộng mặt cắt ngang điển hình 13-17m, quy mô 2 làn xe.

Xây mới tuyến đường liên xã kết nối trung tâm các cụm đổi mới với các tuyến đường tỉnh lộ và hệ thống giao thông đối ngoại của huyện.

Giao thông nông thôn: cải tạo, nâng cấp hệ thống đường liên thôn, đường làng, ngõ xóm, đảm bảo đạt 100% mặt đường thôn được kiên cố hóa, tiêu chuẩn cấp đường A giao thông nông thôn hoặc cấp V đồng bằng.

Giao thông tĩnh

Xây dựng 3 bến xe đối ngoại kết hợp với bến xe buýt tại thị trấn Liên Quan, khu vực phía Tây huyện, phía Bắc đô thị Hòa Lạc, mỗi bên xe rộng 3-5 ha.

Bố trí các bãi đỗ xe tập trung phục vụ mục đích công cộng, trung tâm thương mại, các khu vực làng nghề, phố thương mại, phố nghề.

Giao thông công cộng

Hình thành các tuyến mini buýt kết nối các trung tâm cụm xã với các hệ thống GTCC của thành phố và với các hệ thống đường sắt đô thị, buýt nhanh khi các hệ thống này hình thành.

Đường sắt đô thị: Xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các ga đường sắt dọc trên quốc lộ 21, đại lộ Thăng Long, đường 32. Các ga đường sắt có quy mô 1-2 ha, tổ chức theo mô hình TOD. Xây dựng đầu mối cho tuyến đường sắt đô thị Hòa Lạc – Hòa Bình với quy mô 10-15 ha.

Giao thông vận tải khối lượng lớn: Hình thành các tuyến buýt nhanh BRT trên hành lang tuyến quốc lộ 32 và trục Hồ Tây – Ba Vì.

Các công trình giao thông

Xây dựng hệ thống giao thông cầu cống trên các tuyến đường theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Xây dựng các nút giao thông khác mức giữa đường cao tốc với đường chính thành phố, đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ…

Các chỉ tiêu giao thông chính

Tổng diện tích đất giao thông khoảng 707,5 ha, trong đó:

  • Diện tích đất giao thông đối ngoại gồm đường giao thông, depot, bến xe đầu mối: 616,4 ha.
  • Diện tích các tuyến giao thông chính của huyện: 91,1 ha.

Khu vực đô thị: 16-23%, mật độ mạng lưới đường chính 4-6km/km2.

Các cụm làng theo mô hình nông thôn mới: 13-16% diện tích đất ở.

(Tổng hợp)