Trong công văn mới nhất gửi Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan, HoREA đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vượt khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Cụ thể, đơn vị này kiến nghị không siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực này. Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong năm 2019 đạt 106.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 38%. Trong đó, 84,2% doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị dưới 3 lần vốn chủ sở hữu, lãi suất bình quân 10,3% (tương đương lãi suất ngân hàng), đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý.
Cả nước có 37.308 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong quý 1. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm 55%, đạt 20.474 tỷ đồng, lãi suất bình quân 10,8%/năm, giảm hơn so với năm 2019 nhưng vẫn khá cao so với lãi suất trong hệ thống ngân hàng.
Theo HoREA, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Do tín dụng vào bất động sản bị siết chặt theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước nên các doanh nghiệp bất động sản đang phải tìm nguồn vốn thay thế bao gồm kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Nghị định 163/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh, vừa trở thành một trong những nguồn cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, với những khó khăn do đại dịch Covid-19, không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản.
Khánh Trang