Sáng nay, 18/1, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Theo kết quả biểu quyết, có 432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Luật gồm 16 chương, 260 điều.
Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường bất sản. Đáng chú ý, hai trong số các điểm mới của Luật Đất đai là “bỏ khung giá đất, xác định theo cơ chế thị trường” và “chuyển mục đích sử dụng từ các loại đất mục đích khác sang đất xây dựng nhà ở” sẽ có những tác động trực tiếp đến giá cả và giá trị bất động sản trong thời gian tới. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã có quan điểm về hai điểm mới này.
Luật Đất Đai Sửa Đổi: Bỏ Khung Giá Đất, Xác Định Theo Cơ Chế Thị Trường
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Luật Đất đai cũ áp dụng phương pháp khung giá đất và hệ số điều chỉnh K. Điều này có nghĩa quyền “can thiệp” của Nhà nước đối với việc tính tiền sử dụng đất là khá lớn. Theo đó, tùy từng dự án và mức độ, khả năng giải phóng đền bù của mình, Nhà nước hoàn toàn có thể linh hoạt điều chỉnh hệ số K theo hướng thuận lợi. Khi Nhà nước muốn tính giá cao, có thể điều chỉnh hệ số lên cao. Còn trong trường hợp thiếu ngân sách/ ít ngân sách cho việc giải phóng đền bù, Nhà nước có thể điều chỉnh hệ số K xuống thấp.
Theo Luật Đất đai sửa đổi, sẽ bỏ khung giá đất, xác định theo cơ chế thị trường. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động Sản Việt Nam cho biết, việc bỏ khung giá đất, xác định theo cơ chế thị trường, đòi hỏi Nhà nước phải chuẩn bị nguồn ngân sách đủ để đảm bảo công tác giải phóng, đền bù. Điều này vô hình chung sẽ tạo ra một áp lực rất lớn đối với ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai sửa đổi, Nhà nước vẫn quyết tâm thực hiện nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Điều này chứng tỏ một sự quyết tâm rất lớn từ phía Chính phủ, Nhà nước nhằm triệt để tạo ra một môi trường thuận lợi để nắn chỉnh thị trường bất động sản theo hướng minh bạch và công bằng. Đây là một điểm hết sức tuyệt vời. Tuy nhiên, cần phải xác định, điều này có gây khó khăn gì cho doanh nghiệp không? Tính giá đất sát với giá thị trường có khiến chi phí sử dụng đất đai của doanh nghiệp bị tăng cao? Giá bán bất động sản liệu có nguy cơ tiếp tục leo thang? Đây cũng là những vấn đề cần hết sức lưu ý.
Luật Đất Đai Sửa Đổi: "Chuyển Mục Đích Sử Dụng Từ Các Loại Đất Mục Đích Khác Sang Đất Xây Dựng Nhà Ở”
Theo Luật Đất đai cũ, quy định trước đây yêu cầu, muốn chuyển các loại đất mục đích khác sang đất xây dựng nhà ở thì đất đó phải có sẵn phần diện tích đất ở. Quy định này vô hình chung gây khó khăn cho doanh nghiệp nếu muốn phát triển các dự án nhà ở tại các khu vực “xa xôi, ít dân cư”, điều mà rất cần khi quỹ đất trống trong các khu vực “lõi” đang ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, nếu không có quy định kiểm soát chặt chẽ, để “mở hẳn” cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn khi thực hiện.
Luật Đất đai sửa đổi giữ lại điều kiện phải có đất ở trong quy định về loại đất làm dự án nhà ở thương mại nhưng có sự phân nhóm các dự án. Theo đó, nhóm các dự án phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, Nhà nước sẽ điều hành và chủ động giải quyết các vấn đề để chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho phù hợp, đúng với quy hoạch. Đối với các dự án của doanh nghiệp, chỉ đơn thuần phục vụ kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần tuân thủ đúng theo quy định. Hội Môi giới Bất động sản cho rằng quy định này là phù hợp, vừa không cứng nhắc, tạo điều kiện cho các dự án vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội chung, vừa giúp Nhà nước kiểm soát được kế hoạch sử dụng đất. Tránh các trường hợp “gom đất”, gây nguy cơ “sốt đất ảo”, ảnh hưởng tới sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản.
Khánh Chi
TỪ KHÓA: Luật Đất đai