Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, nhiều chỉ đạo và nghị định đã được đưa ra. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 33 nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Nghị quyết này sẽ tác động như thế nào đến thị trường?
Được biết, nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, Nghị quyết số 33 tập trung đưa ra các giải pháp cho các vấn đề đang là khúc mắc của thị trường. Nghị quyết nhấn mạnh về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế là xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản. Hệ thống pháp luật phải đảm bảo sự đồng bộ, khả thi. Bên cạnh đó, nhà ở xã hội được chú trọng phát triển thông qua thí điểm một số chính sách và triển khai có hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cũng như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Chính phủ cũng yêu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và giảm lãi suất cho vay. Đối với các doanh nghiệp bất động sản khó khăn về dòng vốn có thể được tháo gỡ bằng cách giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ… Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực, hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh được huy động vốn qua kênh trái phiếu. Song song với đó là kiểm soát hoạt động này nhằm tránh các hiện tượng đầu cơ, làm giá.
Đánh giá về Nghị quyết 33 của Chính phủ, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc TinNhaDatVN.Com cho biết đây là một nghị quyết có tính chất khích lệ thị trường, có vai trò hỗ trợ, giải quyết vướng mắc giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định. Theo ông Quốc Anh, có một số điểm quan trọng cần lưu ý trong Nghị quyết này.
Thứ nhất là gói tín dụng 120 ngàn tỷ với lãi suất cho vay thấp hơn thị trường 1,5-2% nhằm tập trung phát triển nhóm nhà ở xã hội, gợi nhắc lại gói 30 ngàn tỷ của giai đoạn 2007-2013. Thời điểm đó, gói 30 ngàn tỷ với mức lãi suất 5-6% là ngòi nổ giảm bớt tâm lý nặng nề của thị trường, giúp thị trường có những thanh khoản, giao dịch đầu tiên. “Nghị quyết 33 đưa ra thông điệp rõ ràng về gói tín dụng 120 ngàn tỷ do 4 ngân hàng nhà nước quan trọng đứng ra chủ trì, kêu gọi các ngân hàng thương mại cổ phần khác tham gia với quy mô tín dụng lớn hơn nhiều lần gói 30 ngàn tỷ sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực cho thị trường như giai đoạn trước”, Phó Tổng Giám đốc TinNhaDatVN.Com nhấn mạnh.
Thứ hai, Nghị quyết 33 tập trung vào tín dụng bất động sản theo hướng hỗ trợ thị trường phát triển. Việc đánh giá hệ số rủi ro tín dụng sẽ không cực đoan như trước, sẽ có mức lãi suất cho vay phù hợp hơn, tránh kiểm soát quá mức, khiến dòng vốn cho bất động sản bị ảnh hưởng. Với động thái tín dụng này, thị trường sẽ có sự khởi sắc cuối năm 2023 và đầu năm2024.
Thứ ba, trái phiếu doanh nghiệp cũng được đề cập trong Nghị quyết 33. Gần đây, Nghị định sửa đổi 65 đã góp phần mở ra hướng giải quyết thanh khoản cho trái phiếu. Đây cũng là một tín hiệu tích cực với các doanh nghiệp bất động sản, nhóm doanh nghiệp chiếm tỉ trọng không nhỏ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ tư, vấn đề pháp lý được Nghị quyết 33 chỉ ra là vấn đề cần tháo gỡ để thúc đẩy nguồn cung thị trường. Nguồn cung được cải thiện sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu người mua nhà, thúc đẩy sự lưu thông lành mạnh của thị trường bất động sản.
Phó Tổng giám đốc của TinNhaDatVN.Com cũng nhấn mạnh, Nghị quyết 33 chỉ đạo quyết liệt đến Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính cho thấy sự vào cuộc tổng thể của các Bộ ban ngành trong việc hỗ trợ thị trường giải quyết khó khăn. “Tôi mong chờ từ nghị quyết sẽ sớm triển khai thành các Thông tư hướng dẫn cụ thể, đi vào thực tế sớm, giải quyết nhanh các khúc mắc của thị trường”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết Nghị quyết 33 đã cụ thể hoá các giải pháp đối với từng nút thắt, điểm nghẽn của thị trường bất động sản từ thể chế, nguồn vốn, nguồn cung và điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhằm thúc đẩy nguồn hàng hợp lý cho thị trường.
Sự cụ thể hoá này cho thấy Chính phủ sát sao và đánh giá chính xác những khó khăn mà thị trường bất động sản hiện nay đang phải đối mặt, từ đó, chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Không chỉ cụ thể hoá các giải pháp, Nghị quyết 33 cho thấy tư duy chỉ đạo và giao nhiệm vụ đến từng nhóm vấn đề một cách đầy đủ, đúng người – đúng đối tượng. Các bộ ngành liên quan từ Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đều được giao nhiệm vụ cụ thể và được yêu cầu ban hành các nhóm nghị định, để kịp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay cùng tháo gỡ khó khăn. Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh thị trường sẽ sớm được khơi thông, phục hồi và phát triển trở lại từ những tín hiệu tích cực của Nghị quyết 33.