Tại Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, quy định “Các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản” đang gây nhiều tranh cãi trái chiều. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã lên tiếng về vấn đề này.
Giao Dịch Qua Sàn – Gián Tiếp Bảo Vệ Người Mua Nhà
Mục đích của quy định “Các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản” là nhằm để thúc đẩy thị trường bất động sản phải phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng mô hình sàn lại đang góp phần làm nảy sinh nhiều bất cập của thị trường bất động sản như làm tăng chi phí trung gian, đầu cơ tăng giá và làm lũng đoạn thị trường bất động sản.
Nhiều góc nhìn phản biện về vấn đề này đã được Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ với TinNhaDatVN.Com. Ông Đính cho rằng nếu bỏ giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai qua sàn, tức là gián tiếp bỏ qua quyền được bảo vệ của người mua nhà. Điều này đồng nghĩa người mua nhà sẽ phải tự mình kiểm chứng pháp lý, chất lượng và giá cả của một dự án bất động sản. Trên thực tế, phần lớn người mua nhà lại không có năng lực và chuyên môn ở vấn đề này. Nếu thị trường không có sự tham gia của các môi giới bất động sản đến từ các đơn vị chuyên nghiệp, có vai trò tư vấn, hỗ trợ khách hàng về chuyên môn thì nhà đầu tư, khách hàng sẽ tiếp tục phải đối mặt với những dự án kiểu Alibaba… Tình trạng khiếu nại, khiếu kiện trong bất động sản sẽ trở nên tràn lan, dẫn đến các bất ổn xã hội.
Về vấn đề nhiều người lo ngại việc giao dịch qua sàn sẽ làm tăng chi phí của một giao dịch bất động sản và người mua sẽ phải “gánh” các chi phí này, ông Đính cho rằng, từ trước đến nay, các chủ đầu tư thường xác định chi phí bán hàng trong khoảng 10% giá bán. Phần lớn các chủ đầu tư lựa chọn bán hàng qua sàn do chi phí bán hàng rẻ hơn, hiệu quả hơn só với việc tự bán. Nhờ đó mà chủ đầu tư thu hồi vốn nhanh và hiệu quả hơn. Chính bởi vậy mà hầu hết các chủ đầu tư không trực tiếp bán hàng mà chọn bán qua sàn với các giao dịch mua/bán nhà hình thành trong tương lai. Trên thực tế, không chỉ với các sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai mà ngay cả các giao dịch nhà đất vẫn thực hiện qua sàn giao dịch.
Giao Dịch Qua Sàn: Trao Quyền Đi Đôi Với Trách Nhiệm Và Nghĩa Vụ
Quy định giao dịch qua sàn từng được bãi bỏ vào ngày 1/7/2015, thời điểm Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 bắt đầu có hiệu lực với mục đích tạo điều kiện các chủ đầu tư chủ động với thị trường, giảm chi phí bất động sản khi đến tay khách hàng. Thế nhưng trong gần 10 năm qua, thị trường phát triển sôi nổi, nhưng tác động “giảm chi phí” này không cho thấy sự hiệu quả khi giá nhà vẫn tăng mạnh thời gian qua.
Trên hai phương diện lý luận và thực tiễn, quan điểm cho rằng giao dịch qua sàn làm tăng chi phí là bất hợp lý. “Chúng ta có thể định mức phí trần, đủ để thực thi việc giao dịch nếu lo ngại việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn làm gia tăng chi phí,”, ông Đính nhấn mạnh.
Thừa nhận “thực trạng vô can” của các sàn giao dịch khi các dự án bị phát hiện có sai phạm hoặc khi người dân kiện cáo, còn trách nhiệm vẫn quy hết về chủ đầu tư, ông Đính cho rằng cần thiết phải tăng tính ràng buộc trách nhiệm của các sàn, môi giới bất động sản khi thực hiện môi giới, tránh những sự việc không đáng có.
Sàn và các cá nhân môi giới sẽ là bên liên đới và chịu trách nhiệm nếu cung cấp, tư vấn thông tin không chính xác. Không chỉ là cầu nối giúp khách hàng tìm được sản phẩm đầu tư, chốn an cư, sàn còn có nhiều vai trò giống như gác chắn cho pháp luật trong việc chống rửa tiền, chống thất thu thuế. Bên cạnh đó, thông qua các giao dịch qua sàn, nhà nước có thể nắm bắt đầy đủ hơn thông tin về thị trường bất động sản, từ đó có thể đưa ra các quyết sách vĩ mô đúng đắn.
Khánh Chi