Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023 đang ở giai đoạn trầm lắng nhưng trong dài hạn, giới chuyên gia vẫn lạc quan về tương lai của thị trường bất động sản. Các khó khăn kéo dài từ 2022 đến hiện tại chỉ là ngắn hạn, nhất thời. PGS. TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra những yếu tố thúc đẩy sự đi lên của thị trường trong thời gian tới.
Lao Động Đang Chuyển Dịch Về Phía Công Nghiệp – Đô Thị
Có 2 yếu tố sẽ quyết định đến sự gia tăng của nhu cầu nhà ở là số lượng người dân đô thị và thu nhập. Những yếu tố này sẽ gia tăng mạnh trong tương lai. Trước đây, chúng ta chưa quan tâm nhiều đến đô thị hóa mà mới chỉ tập trung vào công nghiệp hóa. Chính bởi vậy mà phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp chưa được quan tâm đúng mức. Thời gian tới, khi công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ thì nhu cầu nhà ở nói chung sẽ tiếp tục tăng mạnh, thúc đẩy sự gia tăng các dự án chung cư trung – cao cấp.
Giá Trị Bất Động Sản Được Tạo Lập Từ Quy Hoạch Đô Thị
Đầu tư công sẽ là nền tảng quan trọng để cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ hơn. Đây sẽ là động lực mới cho bất động sản nhà ở đô thị. Lợi thế sẽ thuộc về các khu đại đô thị mới, nằm trong kết nối vùng, có quy hoạch bài bản. Bất động sản nhà ở thiết lập các giá trị mới từ quá trình quy hoạch này.
Xu Hướng Đầu Cơ Sẽ Được Giải Quyết Triệt Để Hơn
Những sản phẩm nặng tính đầu cơ như biệt thự, nhà phố, condotel… được xây dựng tràn lan trước đó nhưng không có người đến ở là một trong những tác nhân làm méo mó thị trường bất động sản, sẽ được giải quyết căn cơ, triệt để hơn trong thời gian tới. Xu hướng đầu cơ quá mức trong giai đoạn vừa qua đã gây những tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản và làm suy giảm lòng tin, tâm lý của các nhà đầu tư. Bản chất đầu cơ không xấu, mà có ý nghĩa tích cực ở việc xử lý cung – cầu của thị trường. Tuy nhiên, nếu cả hệ thống đầu cơ sẽ khiến thị trường bất ổn. Các chính sách tới đây cần phải khuyến khích, hỗ trợ những người có nhu cầu thực, những nhà đầu tư thực. Những dự án hướng tới nhu cầu thực của các chủ đầu tư uy tín, chắc chắn vẫn thanh khoản tốt, giá bán vẫn tăng.
Xu Hướng Dịch Chuyển Ra Xa Trung Tâm
Do quỹ đất cho phát triển nhà ở ngày càng hạn hẹp nên cơ hội tăng trưởng tập trung vào các đô thị mới bao quanh nội đô Hà Nội. Trên thực tế, mật độ dân số Việt Nam cao gấp nhiều lần các quốc gia trên thế giới và cao gấp ba lần mật độ dân số Trung Quốc. Những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang thiếu trầm trọng quỹ đất. Do đó, việc tổ chức không gian giao thông và tiện ích cho các đô thị mới khu vực xa trung tâm cần được tính đến và triển khai bài bản.
Các Khu Công Nghiệp Đón Làn Sóng Cư Dân Mới
Các khu công nghiệp, nhà máy và lực lượng lao động dịch vụ sẽ dịch chuyển ra các khu vực ngoài trung tâm nội đô. Trong bài toán phát triển này, cần phân biệt rõ đô thị “ly tâm” và “hướng tâm” để có những quyết định quy hoạch và phát triển đúng đắn, tránh hiện trạng phát triển đô thị ra ngoài biên nhưng hàng loạt vấn nạn như ách tắc giao thông kinh niên, quá tải hạ tầng không được giải quyết, thậm chí, còn làm trầm trọng hơn.
Chính Sách Tác Động Đến Nguồn Cung
Hệ thống chính sách, pháp luật cho bất động sản nhà ở sẽ có những thay đổi đáng kể. Hiện các bộ luật liên quan đến bất động sản đang được lấy ý kiến và hoàn thiện để sớm thông qua. Trong tầm nhìn dài hạn, nguồn cầu về nhà ở chung cư bình dân, trung cấp và cao cấp của các đô thị lớn như Hà Nội là rất lớn, chưa đáp ứng được sự gia tăng thu nhập của tầng lớp trung lưu và nhu cầu sở hữu bất động sản. Những thay đổi về cấu trúc công nghiệp, nhất là công nghiệp dịch vụ sẽ diễn ra trong thời gian tới sẽ tạo nên bước ngoặt về đô thị hóa. Chính bởi vậy, những vấn đề quan trọng thuộc về xu hướng và cấu trúc của thị trường bất động sản cần nhận diện rõ để phát triển bền vững.
Nguyễn Nam