Đầu tư bất động sản sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2020

Dự báo hoạt động đầu tư bất động sản có thể sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2020 do các nhà đầu tư do dự trước tình hình bất ổn, trong đó lĩnh vực bán lẻ và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong những sự kiện biến động về kinh tế tương tự, giới đầu tư BĐS có xu hướng phân bổ vốn vào dòng sản phẩm nhà đất có giá trị khai thác dài hạn, hướng đến biên độ lợi nhuận ổn định hơn là chọn các loại hình ngắn hạn.

Theo ông Stephen Wyatt, TGĐ JLL Việt Nam, thay vì đặt cược vào bất kỳ dự đoán táo bạo nào, các doanh nghiệp hãy tập trung chuẩn bị cho tăng trưởng chậm và có thể kéo dài. Với thị trường vốn, JLL dự báo, hoạt động đầu tư có thể sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2020 do các nhà đầu tư do dự trước tình hình bất ổn, trong đó lĩnh vực bán lẻ và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các nhà đầu tư sẽ nghiêng về tài sản trú ẩn an toàn, cân nhắc về rủi ro như ổn định thu nhập và khả năng vận hành.

Đánh giá tác động của dịch Covid-19, ông Stephen Wyatt cho rằng ngành kinh doanh khách sạn và du lịch đang chịu thiệt hại nặng nhất. Tác động của tâm lý hạn chế đi lại và lệnh cấm nhập cảnh từ nhiều quốc gia đã ngay lập tức làm ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực khách sạn và du lịch. Trong ngắn hạn, tỷ lệ lấp đầy của ngành sẽ giảm. Các thị trường có tỷ lệ khách quốc tế cao sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi các khu vực có thể phục vụ du khách trong nước có thể bị ảnh hưởng ít hơn. 

Bên dưới một tòa nhà văn phòng ốp kính, cổng vào, người đi lại, xe ô tô.
Các tòa nhà văn phòng cho thuê ngắn hạn dự kiến sẽ tiếp tục gặp
khó khăn trong 3 tháng tới. Ảnh minh họa

Với khối văn phòng và bán lẻ, dịch bệnh sẽ làm trì hoãn hoạt động đầu tư, xây dựng của nhiều tòa nhà văn phòng trên địa bàn. Tăng trưởng cho thuê sẽ chậm hơn so với dự báo. Tác động lớn nhất của ngành bán lẻ và văn phòng sẽ đến sau dịch bệnh, khi mà các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển ứng dụng làm việc từ xa. Khi xu hướng làm việc từ xa tăng, có khả năng làm giảm tỷ lệ sử dụng văn phòng, do đó các chủ nhà với hợp đồng thuê ngắn hạn sẽ là đối tượng dễ bị thiệt hại nhất. 

Riêng với ngành công nghiệp và hậu cần, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động lớn tới lĩnh vực công nghiệp và hậu cần. Hoạt động giảm tại các cảng và sân bay cửa ngõ chính sẽ dẫn đến giảm hiệu suất tài sản. 

Xu hướng nhà ở với mật độ dân số cao và không gian cộng đồng lớn có khả năng làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, bất động sản nhà ở vẫn là tài sản đầu tư tốt, hưởng lợi từ thu nhập tiền thuê ổn định và khả năng linh hoạt giá thuê để đảm bảo tỷ lệ lấp đầy. Nhu cầu nhà ở vốn ổn định, tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ thị trường. Mặc dù các tác động kinh tế ngắn hạn của COVID-19 đã rõ ràng hơn, nhưng không nên bỏ qua các tác động đến xã hội và thị trường bất động sản dài hạn. Đại dịch này sẽ thay đổi cách sống và làm việc của nhiều doanh nghiệp và tạo ra các mô hình hoạt động mới. 

Phương Uyên