Theo nghị quyết thành lập TP. Thủ Đức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Trong đó, quận 2 có diện tích tự nhiên 49,79km2, dân số 171.311 người; quận 9 là 113,97km2, dân số 310.107 người; quận Thủ Đức là 47,80km2, dân số 532.377 người.
Tổng diện tích tự nhiên của TP. Thủ Đức sau khi hình thành sẽ là hơn 211km2, nằm giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh (TP.HCM) và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai. Quy mô dân số tại đây là hơn 1 triệu người.
Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức sẽ được giải thể để thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Thủ Đức.
TP. Thủ Đức được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Ảnh: Internet
Về việc thành lập TP. Thủ Đức, Chính phủ khẳng định thành phố này có thể đóng góp nhiều hơn cho cả nước, đồng thời hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.
Ủng hộ thành lập TP. Thủ Đức, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Phải giao quyền cho TP. Thủ Đức, không thể coi đây đơn vị tương đương cấp huyện. Chủ tịch của TP. Thủ Đức phải nắm quyền không kém Phó chủ tịch TP.HCM. Chúng ta xây dựng thành phố là động lực phát triển, chứ không chỉ là thành phố trực thuộc TP.HCM".
Tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chủ trương, sau khi có nghị quyết thì địa phương sẽ bàn nhân sự, cơ cấu bộ máy tổ chức và các vấn đề liên quan.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, việc thành lập TP. Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Dự kiến sẽ có 644 cán bộ dôi dư, thành phố đã lên phương án giảm cán bộ theo lộ trình 5 năm và sẽ cố gắng xong trong năm 2022.
Theo vị lãnh đạo thành phố, TP.HCM sau khi sắp xếp sẽ có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 5 huyện, 16 quận. Đơn vị hành chính cấp xã là 312, gồm 58 xã, 5 thị trấn, 249 phường.
34 phường tại TP. Thủ Đức gồm: An Phú, An Khánh, An Lợi Đông, Bình Chiểu, Bình Thọ, Cát Lái, Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Trung, Linh Xuân, Linh Đông, Linh Tây, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Long Phước, Long Bình, Phú Hữu, Phước Long A, Phước Long B, Phước Bình, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tam Bình, Tam Phú, Tân Phú, Thủ Thiêm, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Trường Thọ, Trường Thạnh.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập TP. Phú Quốc và các phường thuộc TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo đó, TP. Phú Quốc sẽ là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/3/2021.
TP. Phú Quốc được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người hiện nay.
Một góc thị trấn Dương Đông. Ảnh: Internet
Các phường thuộc TP. Phú Quốc được thành lập, gồm: Phường An Thới (nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 37.485 người của thị trấn An Thới và nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.610 người của xã Hòn Thơm) và Phường Dương Đông (nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 60.415 người của thị trấn Dương Đông).
Khi đó, TP. Phú Quốc sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm Phường Dương Đông, phường An Thới và 7 xã: Gành Dầu, Hàm Ninh, Bãi Thơm, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu, Cửa Cạn.
Thị trấn An Thới và thị trấn Dương Đông là 2 đô thị của huyện Phú Quốc. Thị trấn An Thới là đầu mối giao thông cảng biển quan trọng nhất của huyện. Thị trấn Dương Đông là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội.
Nghị quyết cũng quyết định thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Phú Quốc.
Khánh Trang