Quảng Ninh được biết đến là tỉnh có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, đồng thời là địa phương nổi tiếng với trữ lượng khoáng sản lớn, dồi dào và ổn định nhất cả nước. Vậy hiện Quảng Ninh có mấy thành phố? Quảng Ninh thuộc vùng nào Việt Nam?
1. Tỉnh Quảng Ninh Có Bao Nhiêu Thành Phố?
Trước khi tìm hiểu xem Quảng Ninh có mấy thành phố, hãy cùng xem Quảng Ninh ở đâu trên bản đồ nước Việt Nam.
Vị Trí Địa Lý
Quảng Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc thuộc vùng Đông Bắc Bộ, Việt Nam. Nơi đây được ví như một Việt Nam thu nhỏ bởi có đầy đủ các loại địa hình từ biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi và cả đường biên giới với Trung Quốc.
Về vị trí địa lý, tỉnh Quảng Ninh nằm tiếp giáp với các tỉnh, thành sau:
- Phía bắc giáp tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc;
- Phía nam giáp thành phố Hải Phòng;
- Phía đông giáp vịnh Bắc Bộ;
- Phía tây và tây bắc giáp tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang;
- Phía tây và tây nam giáp tỉnh Hải Dương.
Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi nên Quảng Ninh có nhiều điều kiện để phát triển nhanh và mạnh đa lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế, văn hóa, du lịch,… góp phần quan trọng vào tốc độ phát triển GDP của cả nước.
- Thông Tin Thị Trường Bất Động Sản Tỉnh Quảng Ninh
- Tỉnh Nào Có Nhiều Thành Phố Nhất Việt Nam?
Quảng Ninh Có Mấy Thành Phố Trực Thuộc Tỉnh?
Nếu bạn thắc mắc hiện nay Quảng Ninh có mấy thành phố thì câu trả lời là 4 nhé. Đặc biệt, một trong những điều thú vị ít ai biết khi tìm kiếm tỉnh nào có nhiều thành phố nhất Việt Nam thì cái tên được nhắc đến chính là Quảng Ninh và Bình Dương, đều có 4 thành phố.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh hiện có 4 thành phố là: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và Móng Cái.
- Thành phố Hạ Long: Là thành phố lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, thành lập ngày 27/12/1993 từ thị xã Hồng Gai. Năm 2013, theo Quyết định 1838/QĐ-TTg, thành phố Hạ Long chính thức được công nhận là đô thị loại I.
- Thành phố Cẩm Phả: Là thành phố lớn thứ hai của tỉnh Quảng Ninh, thành lập ngày 21/02/2012, được xếp hạng là độ thị loại II.
- Thành phố Uông Bí: Thành lập ngày 28/11/2013 và hiện nay là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của tỉnh Quảng Ninh ở khu vực phía Tây, được xếp hạng là độ thị loại II.
- Thành phố Móng Cái: Là thành phố cửa khẩu nằm dọc theo bờ biển, thành lập ngày 24/09/2008.
Quảng Ninh Có Bao Nhiêu Huyện?
Về đơn vị hành chính, ngoài 4 thành phố thuộc tỉnh kể trên thì Quảng Ninh còn được chia thành:
- 7 huyện: Vân Đồn, Tiên Yên, Hải Hà, Cô Tô, Đầm Hà, Bình Liêu và Ba Chẽ.
- 2 thị xã: Đông Triều và Quảng Yên.
Trước đây, Quảng Ninh chia làm 8 huyện nhưng từ ngày 01/01/2020, huyện Hoành Bồ đã được sáp nhập vào thành phố Hạ Long theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 năm 2019.
Diện Tích Và Dân Số Tỉnh Quảng Ninh
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2022, tỉnh Quảng Ninh có:
Tên đơn vị | Quảng Ninh |
Diện tích | 6.207,79 km2 |
Dân số | 1.362.900 người. – Dân số thành thị: 916.600 người (67,3%). – Dân số nông thôn: 446.300 người (32,7%). |
Mật độ dân số | 220 người/ km2 |
Cũng theo Tổng cục Thống kê, các đơn vị hành chính thuộc tỉnh Quảng Ninh có diện tích, dân số và mật độ dân số như sau:
Tên đơn vị | Diện tích (km2) | Dân số (người) (2019) | Mật độ dân số (người/km2) |
Thành phố Hạ Long | 1.119,12 | 300.267 | 268 |
Thành phố Cẩm Phả | 386,5 | 190.232 | 492 |
Thành phố Móng Cái | 519,6 | 108.553 | 209 |
Thành phố Uông Bí | 252,3 | 120.982 | 480 |
Thị xã Đông Triều | 396,6 | 171.637 | 433 |
Thị xã Quảng Yên | 327,2 | 145.920 | 446 |
Huyện Ba Chẽ | 606,5 | 22.103 | 36 |
Huyện Bình Liêu | 470,1 | 31.637 | 67 |
Huyện Cô Tô | 50 | 6.285 | 126 |
Huyện Đầm Hà | 335 | 41.217 | 123 |
Huyện Hải Hà | 511,6 | 61.566 | 120 |
Huyện Tiên Yên | 652,1 | 50.830 | 78 |
Huyện Vân Đồn | 581,8 | 46.616 | 80 |
2. Quảng Ninh Dự Kiến Thành Lập Thành Phố Thứ 5
Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn đã ra Quyết định 2726/QĐ-UBND phê duyệt đề cương đề án công nhận thành lập thành phố Vân Đồn. Phạm vi của đề án bao gồm toàn bộ ranh giới diện tích huyện Vân Đồn. Trong đó:
- Khu vực nội thị dự kiến gồm: Thị trấn Cái Rồng, Đông Xá và Hạ Long.
- Khu vực ngoại thị dự kiến gồm: Các xã Đoàn Kết, Quan Lạn, Minh Châu, Đài Xuyên, Vạn Yên, Ngọc Vừng, Bản Sen, Thắng Lợi và Bình Dân.
Theo Quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh thì thành phố Vân Đồn sẽ ra đời trước năm 2030. Như vậy, sau khi Vân Đồn chính thức lên thành phố thì Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước. Lúc này, nếu bạn tìm kiếm tỉnh nào có 5 thành phố thì đó chính là tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, số lượng thành phố của tỉnh Quảng Ninh sẽ không dừng lại ở con số 5. Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương với 7 thành phố bao gồm: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái – Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên và Vân Đồn).
3. Quy Hoạch Tỉnh Quảng Ninh Thời Kỳ 2021 – 2030, Tầm Nhìn Đến Năm 2050
Ngày 11/02/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Số 80/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm Vi Quy Hoạch
Phạm vị, ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền là 6.206,9km2 và phần diện tích biển có ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm một khoảng cách 06 hải lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố.
Mục Tiêu Phát Triển
Mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030, xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành:
- Tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt, là kiểu mẫu về một tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân và là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện.
- Quảng Ninh sẽ là cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, trở thành trung tâm du lịch quốc tế, kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
- Xây dựng đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Đồng thời, Quảng Ninh cũng sẽ là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng – an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Mục tiêu phát triển đến năm 2050:
- Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế.
- Trở thành một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao.
- Người dân trên địa bàn tỉnh có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
- Phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn kết hợp với đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh.
Phương Án Tổ Chức Các Hoạt Động Kinh Tế – Xã Hội
Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế xã hội theo mô hình “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”. Cụ thể:
– Một tâm là thành phố Hạ Long trở thành đô thị phát triển theo mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối và mở rộng đô thị về phía Bắc. Theo đó, TP Hạ Long sẽ là trung tâm chính trị – hành chính – kinh tế – văn hóa của tỉnh.
– Hai tuyến đa chiều bao gồm:
- Tuyến hành lang phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới Đồng bằng Sông Hồng và Thủ đô Hà Nội.
- Tuyến hành lang phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới thị trường Đông Bắc Á.
– Ba vùng động lực gồm:
Vùng động lực | Tên vùng | Phạm vi |
1 | Phân vùng đại đô thị Hạ Long mở rộng | Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều |
2 | Phân vùng đô thị du lịch biển và núi rừng | Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Cô Tô |
3 | Phân vùng đô thị kinh tế cửa khẩu | Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Đầm Hà |
4. Phương Án Phát Triển Mạng Lưới Giao Thông Theo Quy Hoạch Tỉnh Quảng Ninh
Theo Quy hoạch, tỉnh sẽ chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng.
Hệ Thống Giao Thông Đường Bộ
Tỉnh sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp, xây mới các công trình bao gồm:
- Xây dựng hệ thống các cầu, hầm, đường kết nối : Cầu Rừng, cầu Lại Xuân, cầu và đường kết nối Uông Bí với Thủy Nguyên, cầu/hầm nối từ khu vực Tiền Phong với Lạch Huyện.
- Xây dựng các tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều.
- Đầu tư mở rộng quốc lộ 279 kết nối liên thông với đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả.
- Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 từ Hạ Long qua Ba Chẽ đến giáp ranh địa phận tỉnh Lạng Sơn.
- Xây dựng đường cao tốc Tiên Yên – Lạng Sơn và các tuyến quốc lộ kết nối Quảng Ninh với các tỉnh khác như quốc lộ 4B, quốc lộ 8C, quốc lộ 10.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các đảo từ Đầm Hà – Cái Chiên – Vĩnh Thực, các đảo của huyện Vân Đồn.
Hệ Thống Đường Sắt
Các phương án xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt trên địa bàn tỉnh:
- Quy hoạch đường sắt đô thị kết nối các địa phương: Đông Triều – Uông Bí – Quảng Yên – Hạ Long – Cẩm Phả – Vân Đồn; Hải Hà – Móng Cái.
- Sau năm 2030, phát triển hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, tàu điện trên cao từ Đông Triều tới Móng Cái và có gắn với liên kết vùng, hợp tác quốc tế.
Xây Dựng Hệ Thống Cảng Biển
- Kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng một số cảng biển quan trọng như: Nam Tiền Phong (khu bến Yên Hưng), Con Ong – Hòn Nét, Hải Hà, Mũi Chùa.
- Xây dựng các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại vịnh Cửa Lục.
5. Xây Dựng Tỉnh Quảng Ninh Trở Thành Trung Tâm Logistics Của Việt Nam
Quy hoạch củng định hướng phát triển tỉnh Quảng Ninh là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN. Đồng thời, sân bay quốc tế Vân Đồn thành một trung tâm logistics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho khu vực Đông Nam Á.
Phương Án Xây Dựng
Tỉnh Quảng Ninh cũng cho xây dựng các trung tâm logistics gắn với các cơ sở hạ tầng bao gồm:
- Các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển.
- Trung tâm logistics chuyên dùng gắn với sân bay Vân Đồn.
- Trung tâm logistics gắn với cửa khẩu: Móng Cái, Hoành Mô – Đồng Văn, Bắc Phong Sinh.
- Các trung tâm logistics gắn với công nghiệp, đô thị, các vùng nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Tiềm Năng
Tỉnh Quảng Ninh không chỉ được biết đến là đầu tàu du lịch, kho dữ trữ khoáng sản của cả nước mà còn có nhiều tiềm năng để phát triển ngành logistics. trở thành trung tâm logistics bởi:
- Vị trí địa lý thuận lợi.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 05 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không), đặc biệt là Cảng hàng không Vân Đồn.
Nhờ đó mà hoạt động kết nối, giao thương giữa Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực và quốc tế diễn ra thuận lợi, dễ dàng hơn. Để phát huy hết lợi thế phát triển logistics, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư để triển khai xây dựng 06 trung tâm logistics lớn của tỉnh.
Đồng thời nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp uy tín đến với Quảng Ninh, tỉnh sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong quản trị logistics, phát triển logistics gắn với phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các nghiệp vụ kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực kinh doanh logistics nội địa và quốc tế.
6. Xây Dựng Tỉnh Quảng Ninh Trở Thành Trung Tâm Kinh Tế Biển Bền Vững
Quyết định Số 80/QĐ-TTg cũng nêu rõ định hướng phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch – dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế. Chủ trương xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước.
Những phương án xây dựng, phát triển được đề ra bao gồm:
- Chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển – ven biển cận kề.
- Phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển áp dụng công nghệ cao, khuyến khích nuôi các đối tượng làm dược liệu biển và thực phẩm dinh dưỡng để đảm bảo mang lại hiệu quả và bền vững.
- Đổi mới sáng tạo trong chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch,… kết hợp ứng dụng công nghệ cao để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển.
- Ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, phát triển mạnh năng lượng tái tạo nhằm bảo đảm "lợi ích kép" trong phát triển.
- Coi trọng hợp tác quốc tế và gắn kết giữa khu vực trong phát triển kinh tế biển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả.
- Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo.
- Giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đặc trưng Quảng Ninh để phát triển du lịch bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trong quy hoạch không gian ven biển, ven bờ trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển để phục vụ cho các hoạt động phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế – dịch vụ.Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích và giảm xung đột không gian trong khai thác, sử dụng cùng một vùng ven biển, đảo và biển, giữa các tập thể và cá nhân, bảo tồn tài nguyên biển kết hợp phát huy tối đa thế mạnh vượt trội về biển tại Quảng Ninh.
Trên đây là những thông tin về vấn đề Quảng Ninh có mấy thành phố và các vấn đề liên quan đến Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sự phát triển nhanh chóng về số lượng thành phố trực thuộc tỉnh cho thấy tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và mạnh mẽ của tỉnh Quảng Ninh. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn có thêm kiến thức hữu ích về địa phương này.
Mời bạn đọc tham khảo video Đánh giá khu vực tỉnh Quảng Ninh do TinNhaDatVN.Com thực hiện tại thời điểm tháng 7/2022 dưới đây để hiểu rõ hơn về thị trường bất động sản Quảng Ninh trước khi đầu tư, mua bán nhà đất tại đây.
Hà Linh
TỪ KHÓA: quy hoạch Quảng Ninh