Tại nhiều quốc gia chậm phát triển hoặc đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam, đa số người dân chưa ý thức được tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ đang nóng lên theo từng năm, nước biển đang trên đà dâng cao. Những tác động của biến đổi khí hậu vô cùng khủng khiếp. Chỉ tính riêng năm 2020, Việt Nam đã phải hứng chịu 13 cơn bão, trong đó, có nhiều cơn bão lớn gây ra lũ lụt và sạt lở đất với sức tàn phá cực kỳ nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Các kiến trúc sư của 85 Design đã phân tích rất nhiều yếu tố và dữ liệu để nhìn nhận ra vấn đề. Tình trạng phá rừng ở Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (theo số liệu thống kê của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc FAO). Lượng CO2 càng ngày càng tăng do các hoạt động sinh hoạt, khai thác và sản xuất của con người, kéo theo việc gia tăng hiệu ứng nhà kính. Diện tích rừng giảm sút cùng hiện tượng El Nino đã tạo nên những trận mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất gây chết người. Chỉ tính riêng đến thời điểm tháng 10/2020 Việt Nam đã có 153 người chết và mất tích do mưa lũ.
Trong suốt những năm qua, các kiến trúc sư của 85 Design đã âm thầm quan sát và thu thập những số liệu cùng bằng chứng của các nhà khoa học về biến đổi khí hậu và biến đổi môi trường. Đội ngũ 85 Design nhận thấy những hành động của họ thông qua các dự án thiết kế có thể góp phần nhỏ bé chống lại mối hiểm nguy đối với thế giới tương lai, do vậy, họ cần phải hành động quyết liệt. Ở vai trò là người kiến trúc sư, bằng các dự án của mình, họ muốn thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về nguyên nhân cũng như đưa ra các giải pháp để có thể góp phần hạn chế những hậu quả kể trên. Từ đó, truyền cảm hứng cho các chủ đầu tư cũng như nhiều kiến trúc sư khác chung tay tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho chính chúng ta và cả các thế hệ mai sau. Dự án nhà ở Đà Nẵng như một minh chứng cụ thể nhằm biến lý tưởng thành hành động.
Dự án này có diện tích 250m2 ở Đà Nẵng dành cho cặp vợ chồng trẻ và 2 con nhỏ. Ở góc nhìn tổng thể, mục tiêu hướng tới là tạo ra một ngôi nhà hết sức thân thiện mới môi trường, tận dụng tốt các nguồn năng lượng tự nhiên nhằm hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch và tái sử dụng một phần nguồn nước.
Ngôi nhà trên diện tích đất 250m2 là tổ ấm của gia đình 4 người.
Mục tiêu thiết kế là một không gian sống thân thiện với môi trường, thoải mái cho cư dân.
Ở tầng 1, kiến trúc sư bố trí khách bếp ăn, một phòng ngủ dành cho khách cùng với phòng giặt, kho. Khu vực khách - bếp - ăn được thiết kế thông suốt với nhau để tạo ra một không gian lớn và linh hoạt nhằm mục đích hạn chế xây dựng để dành phần diện tích sân vườn lớn. Tất cả các phòng đều hướng ra sân vườn thông qua những mảng cửa trượt lớn, mục đích là lấy tối đa ánh sáng và gió, tạo ra sự mát mẻ, thoáng đãng cho mọi thành viên bất kể lúc nào. Các không gian trong nhà - ngoài trời được kết nối với nhau và dường như không có ranh giới nào.
Cửa kính trượt lớn cho phép ánh sáng tự nhiên tràn vào nhà.
Không gian sinh hoạt chung với khu vực khách - bếp - ăn liền mạch.
Các khu vực công năng dễ dàng vay mượn không gian của nhau.
Bàn ăn liền kề bếp.
Cầu thang xoắn ốc đẹp tựa như một tác phẩm điêu khắc.
Tất cả các không gian đều hướng ra vườn để lấy sáng và tầm nhìn thoáng đãng.
Góc thư giãn ngoài trời.
Ở tầng 2, kiến trúc sư bố trí 2 phòng ngủ, phòng làm việc và phòng thờ - tất cả đều hướng ra không gian sân vườn qua những mảng cửa kính. Kiến trúc đặc biệt cho phép đối lưu không khí để tận dụng được nguồn gió mát thổi từ biển vào nhà. Khác với tầng 1, ở tầng 2 có thêm hệ cửa lam để hạn chế bớt nắng nóng và đảm bảo riêng tư khi cần thiết. Các hệ này rất cơ động, có thể đóng mở tùy theo tình huống.
Ngoài cửa kính, tầng 2 còn được lắp đặt thêm hệ cửa lam chắn nắng.
Góc trưng bày bộ sưu tập độc đáo của chủ nhà được bố trí ở vị trí đẹp nhất trên tầng 2.
Hệ lam che nắng có thể đóng, mở tùy ý.
Dù là góc làm việc...
...hay phòng vệ sinh cũng đều được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Ở phần mái, toàn bộ phần mái được thiết kế thành một vườn rau. Lượng rau này đủ cho gia đình sử dụng hàng ngày. Tại đây còn có một không gian nhỏ để làm sân chơi. Việc ứng dụng các thành tựu kỹ thuật cho phép gia chủ trồng các loại rau sạch, không sử dụng hóa chất độc hại với môi trường và với con người. Sân thượng được trang bị hệ thống tưới và thu gom nước tự động. Nước mưa cũng được thu gom đưa về bể chứa ngầm dưới đất để tái sử dụng tuần hoàn. Nhiệt độ, độ ẩm được theo dõi và kiểm soát bằng máy.
Vườn rau trên mái là nguồn cung cấp thực phẩm sạch cho các bữa ăn gia đình.
Cây trồng trên mái ngoài cung cấp thực phẩm còn giúp giảm bớt bức xạ nhiệt mặt trời lên ngôi nhà.
Cây trồng trên mái có khả năng giảm bức xạ nhiệt lên mái bê tông, giữ cho nhiệt độ bề mặt bê tông luôn ổn định, nhờ đó mà bê tông không bị nứt gãy. Cũng bằng thực nghiệm tương tự qua nhiều dự án khác nhau trong vòng 4 năm, trên cùng một mặt sàn bê tông, đội ngũ 85 Design thu được kết quả là: vị trí nào trồng cây thì bê tông ở trạng thái tốt, không bị thấm dột, ngược lại; vị trí nào không trồng cây kết quả rất tệ, bê tông bị nứt gãy dẫn đến thấm trầm trọng. Nhiều chỗ phải xử lý lại đến lần thứ 3 thì kết quả vẫn không tốt. Do đó, ở quan điểm cá nhân, kiến trúc sư 85 Design khuyến khích mọi người phủ xanh mái nhà, vừa bảo vệ cho công trình, vừa tốt cho môi trường.
Mặt bằng tầng trệt.
Mặt bằng tầng 1.
Mặt bằng tầng áp mái.
Mặt bằng mái.
Mặt cắt 1.
Mặt cắt 2.
Mặt đứng phải.
Mặt trước.
Theo tính toán của các kiến trúc sư, các giải pháp tận dụng triệt để ánh sáng mặt trời, trồng cây chống bức xạ nhiệt, thu hồi nước tưới và nước mưa, nhu cầu sử dụng năng lượng cho chiếu sáng và làm mát không khí đã được cắt giảm khoảng 30%, kèm theo đó là khả năng giảm thiểu những yếu tố có hại đối với con người và ngôi nhà, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước.
Khánh An