Tọa lạc trên khu đất rộng hơn 600m2 thuộc thôn Muồng Phú Vàng, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội, Giếng là tên ngôi nhà nghỉ dưỡng kiêm homestay cho thuê của gia đình kiến trúc sư Khương Trung Hưng và vợ là chị Đỗ Thủy Hạnh - giáo viên ngoại ngữ. Hơn 20 năm trong nghề, anh Hưng đã thiết kế nhà cho rất nhiều khách hàng, cũng từng nhiều lần xây, sửa nhà cho chính mình ở nội thành Hà Nội nhưng đây là lần đầu tiên anh và cả gia đình cùng nhau hoàn thiện "từ a đến z" một ngôi nhà ở ngoại ô. Quá trình thiết kế, xây dựng ngôi nhà tiêu tốn không ít công sức, tâm huyết nhưng cũng là những trải nghiệm quý giá mà gia chủ rất trân trọng.
Ngôi nhà được thiết kế dựa trên ý tưởng về những chiếc container "bay" giữa những mảng xanh của thiên nhiên khoáng đạt vùng ngoại ô. Theo kiến trúc sư, container là chất liệu dễ sáng tạo vì tính linh hoạt, có thể di chuyển dễ dàng. Khu đất xây dựng từng là một đồi chè, thế đất có độ dốc, nhiều tầng bậc, trên mặt bằng hiện trạng có rất nhiều cây lớn, có những đã cây vài chục năm tuổi nên anh không muốn chặt bỏ, can thiệp nhiều đến hiện trạng mà tìm cách lựa theo, khéo léo sắp đặt công trình cho phù hợp, hài hòa. Từ dưới chân đồi nhìn lên, ngôi nhà giống như những khối container đang bay tự do, phóng khoáng, không hề ràng buộc dù thực tế có sự liên kết chặt chẽ về mặt kết cấu. Gia chủ mong muốn ngôi nhà sẽ là nơi nghỉ cuối tuần cho đại gia đình nhưng vẫn có thể kinh doanh, đem lại thu nhập trong những ngày trống. Bài toán đặt ra lúc này là thiết kế của ngôi nhà vừa phải phù hợp với phong cách và nhu cầu của gia đình, vừa phải hấp dẫn được đối tượng khách hàng tiềm năng trên thị trường. Ngôi nhà được kì vọng sẽ là một không gian nghỉ ngơi tách biệt hẳn với cuộc sống bộn bề phố thị, tạo cảm giác bình yên tuyệt đối ngay từ khi bước qua cổng nhà.
Ngôi nhà nghỉ dưỡng ngập tràn ánh nắng và cây xanh, cực kỳ thân thiện với môi trường của gia đình kiến trúc sư ở Ba Vì lấy cảm hứng từ những khối container, thiết kế hướng tới sự mộc mạc, trẻ trung, hiện đại, bình yên.
Gia chủ đặt tên ngôi nhà là Giếng, gợi liên tưởng đến sự trong trẻo, mát lành, yên bình như chính không gian nghỉ dưỡng đặc biệt này.
Các phòng nghỉ cho thuê cũng được đặt tên theo các đồ vật chứa nước: Lu, Chum, Vại - rất mộc mạc, thuần Việt và dễ thương. Vật liệu được sử dụng cho công trình chủ yếu là đá, gỗ, sắt, trong đó đáng chú ý nhất là phần mái lợp bằng cây guột, mặt ngoài container ốp bằng gỗ keo, bạch đàn - tất cả đều có nguồn gốc địa phương.
Toàn khu đất có tổng diện tích hơn 600m2 nhưng nhà ở chỉ chiếm khoảng 100m2, còn lại là các không gian sinh hoạt, thư giãn ngoài trời như sân vườn, bể bơi, ao, sân teambuilding, khu BBQ,...
Chị Hạnh chia sẻ, Giếng khiến chị rất hài lòng vì ngôi nhà sở hữu một phong cách độc đáo, không trùng hợp với bất cứ ngôi nhà nào khác, thể hiện đúng cá tính của người thiết kế và thực sự mang đến cảm giác an yên cho vợ chồng anh chị mỗi khi về đây nghỉ ngơi.
Phong cách mộc mạc, thuận tự nhiên và lối thiết kế mở giúp ngôi nhà hài hòa với quang cảnh thiên nhiên xung quanh, xóa nhòa ranh giới giữa không gian bên trong và bên ngoài.
Những ngày gia chủ không sử dụng đến, Giếng có thể phục vụ đoàn khách lên tới 15-20 người nhờ không gian rộng rãi, phù hợp với hoạt động nhóm và đặc biệt là rất nhiều góc check-in đẹp mắt, hấp dẫn giới trẻ.
Tất cả các phòng ở Giếng đều sử dụng cửa kính sát trần nên người ở có thể ngắm nhìn được khung cảnh bình yên xung quanh. Mỗi buổi bình minh, gia chủ thích ngắm những mái guột màu nâu sẫm đủ hình dạng nổi lên trên nền cỏ cây xanh mướt ngoài cánh đồng, lắng nghe tiếng chim sâu chuyền cành trên cây bưởi sai trĩu quả ngay bên ngoài cửa.
Chiều tối cũng là khoảng thời gian chị Hạnh yêu thích trong một ngày ở Giếng. Hai vợ chồng thường mang trà hay cà phê ra ngồi ở cây cầu gỗ, ngắm hoàng hôn trên đỉnh Ba Vì, cảm nhận thiên nhiên trong lành, thư thái.
Nhà còn có bể bơi thư giãn, được khách lưu trú rất yêu thích.
Nói về quá trình xây dựng Giếng, chị Hạnh tự hào cho biết ngôi nhà được hoàn thiện gần như 100% là nhờ công sức của các thành viên trong đại gia đình, chỉ có vài người thợ sắt, thợ phụ hồ là dân bản địa mà thôi. Cụ thể, anh Hưng lo việc thiết kế và tham gia vào hầu hết các công đoạn thi công. Thợ xây chính là người cháu gọi chị Hạnh bằng dì, thợ điện nước cũng là người cậu ruột. Mỗi cuối tuần, bố mẹ hai bên và cả các con cũng lên công trình tham gia vào mọi việc trong khả năng. Từ bê đá để xếp bậc thềm, bê vữa phụ xây, sơn lan can, đổ đất vào các chum để trồng hoa đến việc đi lấy các mảng cỏ ngoài đồng ruộng về trồng ở 2 sân BBQ đều do các thành viên gia đình tự làm hết. Quá trình xây dựng Giếng mất khoảng 6 tháng, kéo dài từ mùa đông sang mùa hè nên cả gia đình đã trải qua những hôm lạnh vài độ đến cái nắng 39 độ bỏng rát nhưng vẫn miệt mài lao động, vun vén cho "chốn đi về mơ ước". Nếu thuê thợ chuyên nghiệp, thời gian thi công có thể sẽ rút gọn chỉ còn một nửa, nhưng gia chủ trân trọng từng giọt mồ hôi cả nhà đã đổ xuống cùng nhau nên coi đây là những trải nghiệm quý giá, không gì so sánh được.
Người cha và cô con gái nhỏ cùng nhau thiết kế bếp lửa cho khu BBQ cạnh mặt nước thoáng đãng.
Mọi người trong đại gia đình tham gia vào tất cả các công việc trong suốt 6 tháng xây dựng ngôi nhà.
Chị Hạnh chăm sóc cỏ trên mặt sân BBQ, riêng việc này đã mất tới 1 tháng mới hoàn thành như ý gia chủ. Những chiếc chum trồng hoa phía sau cũng do anh chị cẩn thận đi lựa về từng chiếc.
Theo chị Hạnh, ngôi nhà hay tổ ấm phải là nơi mà tất cả mọi thành viên trong gia đình đều dành tâm sức cho nó, vì khi đã đổ mồ hôi, đã trăn trở cho một cái gì đó thì ta sẽ trân trọng và nâng niu nó nhiều hơn. Tiếp theo, nhà phải phù hợp với sở thích, thói quen sinh hoạt, quan điểm sống của các thành viên. Vì gia đình chị yêu thích sự mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên cũng thích sự độc đáo, không sao chép nên Giếng cũng mang đúng những đặc trưng như vậy. Từ khi có Giếng, cả nhà ai cũng mong thu xếp được ngày nghỉ để lên đây nghỉ ngơi, trốn khỏi khói bụi, xô bồ của cuộc sống trong thành phố. Về với Giếng, cả nhà sẽ được cùng nhau tưới cây, cắt cỏ, cọ bể bơi, quét lá trong vườn, sơn sửa lại các góc còn dang dở, từ đó cảm thấy gần gũi và yêu thương nhau hơn. Bởi vậy, Giếng chính là một tổ ấm đúng nghĩa, nơi vun đắp tình yêu thương và sự gắn kết gia đình.
Khung cảnh lãng mạn của toàn khuôn viên dưới ánh đèn buổi tối.
Giếng là ngôi nhà ngoại ô chú trọng vào không gian chung cho đại gia đình, đặc biệt là các không gian ngoài trời để các thành viên có nhiều hoạt động cùng nhau bên ngoài 4 bức tường.
Thông qua các hoạt động sinh hoạt, vui chơi cùng nhau, các thành viên trong gia đình ngày càng cảm thấy gần gũi, gắn bó và yêu thương nhau hơn.
Hương Liên