Ngôi nhà nhỏ ở Nha Trang và câu chuyện bảo tồn nghề cá

Ngôi nhà nhỏ Hon Xen House thực sự là một câu chuyện nhân văn về cách cư xử có trách nhiệm với môi trường thông qua các giải pháp mà kiến trúc sư phát hiện ra sau khi phân tích đặc điểm mảnh đất và lắng nghe câu chuyện từ chính chủ nhà.

Nha Trang, thành phố nổi danh với những bãi cát trắng xóa, làn nước trong xanh, là một trong những thiên đường du lịch nức tiếng của nước ta. Nha Trang còn được biết đến với nghề đánh bắt và khai thác hải sản - một phần của nền kinh tế Nha Trang sau ngành du lịch. Tuy nhiên, nơi đây phải đối mặt với vấn đề quốc gia khi nghề cá truyền thống đang dần mai một do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

Ngày nay, các dự án bất động sản mọc lên như nấm ở các thành phố lớn trên khắp cả nước. Các hộ gia đình trong diện phải thu hồi đất cho dự án sẽ được đền bù một khoản tiền nhỏ để hỗ trợ tái định cư. Nằm trong khu tái định cư mới ở Nha Trang, Hon Xen House ra đời trong bối cảnh như vậy. Đất bị thu hồi, chuyển chỗ ở, người dân phải đối mặt với nguy cơ mất đi nghề cá truyền thống.

Thay vì khuất phục trước nghịch cảnh, đội ngũ thiết kế Hon Xen House đã lựa chọn một cách thức khác biệt để giải quyết những thách thức, hướng ngôi nhà theo cách có trách nhiệm với xã hội. Trước hết, kiến trúc sư đề xuất nhà không cần xây quá to, chỉ cần vừa phải với các chức năng cơ bản được tối ưu hóa, nhường không gian cho sân trước, sân sau - nơi các thành viên trong gia đình có thể gìn giữ nghề truyền thống. Giải pháp này một mặt thể hiện sự khiêm tốn trước bối cảnh mật độ dân cư thưa thớt mà còn tạo ra một nơi vui chơi cho con trẻ.


Ngôi nhà có diện tích vừa phải, nhường phần lớn đất làm sân trước và sân sau.


Sân trước trở thành nơi để các thành viên trong gia đình hoạt động nghề cá.

Nhà hướng Tây đón được gió Tây Nam, một trong những luồng gió chính ở Nha Trang nên không khí khá mát mẻ. Tuy nhiên, vào buổi chiều, dưới sức nóng của mặt trời, ngôi nhà dường như bị thiêu đốt. Giải pháp thứ hai, mặt tiền được thiết kế với cấu trúc linh hoạt, gồm 12 mô-đun với hệ khung thép và cửa chớp bằng gỗ có thể đóng-mở tùy ý, cho phép tránh nắng gắt từ hướng Tây. Cấu trúc mặt tiền như vậy còn tạo nên không gian mang cư dân đến gần hơn với những ngôi nhà Việt truyền thống với hàng hiên, phào chỉ mang tính biểu tượng.


Hệ khung thép cùng cửa chớp gỗ cho phép ngôi nhà linh hoạt đón gió, sáng và ngăn nắng hướng Tây.


Tái hiện hàng hiên trong kiến trúc nhà Việt truyền thống.


Bạt xếp lớp che nắng, che mưa cho sân trước.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, ngân sách thấp cũng là một vấn đề cần quan tâm với chi phí hoàn thiện ngôi nhà khoảng hơn 800 triệu đồng. Rất nhiều giải pháp được áp dụng nhằm cắt giảm chi phí, có thể kể đến như sử dụng vật liệu tái chế, vay mượn không gian. Về phần hoàn thiện, kiến trúc sư lựa chọn tính bền của vật liệu mà bỏ qua công đoạn tô trát, giải pháp này cũng giúp ngôi nhà trở nên mộc mạc, gần gũi hơn.

Thêm vào đó, họ cũng thu lượm những thanh gỗ từ nhà cũ để làm nội thất, sofa, bàn, bậc cầu thang. Vật liệu tái chế không chỉ giúp cắt giảm chi phí hoàn thiện mà còn là cách lưu giữ những kỷ niệm về ngôi nhà cũ. 


Giải pháp cho ngôi nhà nhỏ là vay mượn không gian thay vì chia cắt nhà thành những không gian nhỏ.


Các khu vực công năng được bố trí liên thông, dễ dàng vay mượn không gian của nhau.


Không gian đa năng trên trên tầng 2.


Phòng ngủ.


Tường không trát mà chỉ phủ một lớp sơn màu trắng.


Phòng vệ sinh.


Mặt bằng công năng tầng 1.


Mặt bằng công năng tầng 2.


Mặt bằng công năng tầng 3.

 


Mặt đứng.


Mặt cắt.

Khánh An

>> Căn hộ phong cách Japandi của 9X Sài Gòn: Đơn giản mà có cả trăm góc "sống ảo"